Từ ngày 1/1/2025, hành khách đi taxi được “mặc cả” giá cước với tài xế, tuy nhiên kết thúc chuyến đi doanh nghiệp phải xuất hóa đơn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 158/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định về hoạt động vận tải đường bộ.
Nghị định quy định cụ thể về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi gồm các nội dung quy định đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, cước chuyến đi trong các trường hợp: thông qua sử dụng đồng hồ tính tiền, thông qua sử dụng phần mềm tính tiền và trong trường hợp thỏa thuận với đơn vị kinh doanh vận tải.
Không gắn mào “taxi” thì phải dán phù hiệu cố định trong kính xe
Nghị định số 158 quy định cụ thể điều kiện đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi: ô tô phải bảo đảm đúng theo quy định tại khoản 9 Điều 56 Luật Đường bộ; phải có phù hiệu "xe taxi" theo mẫu và được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định.
Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ "xe taxi" làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ là 6x20cm theo mẫu. Trường hợp niêm yết bằng thiết bị điện tử phải bảo đảm cụm từ "xe taxi" luôn được bật sáng và có kích thước tối thiểu là 6x20 cm.
Ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "taxi" cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12x30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "taxi" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ "xe taxi" trên kính phía trước và kính phía sau xe.
Phải in hóa đơn cước chuyến đi
Nghị định cũng quy định trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát; lái xe phải lập hóa đơn điện tử gửi cho hành khách khi kết thúc hành trình.
Đối với trường hợp tính cước chuyến đi thông qua sử dụng phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (phần mềm tính tiền), trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến. Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số.
Phần mềm tính tiền phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của đơn vị kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.
Cước chuyến đi theo thỏa thuận
Điểm mới trong Nghị định là quy định về trường hợp tiền cước chuyến đi theo thỏa thuận với đơn vị kinh doanh vận tải.
Theo đó, tiền cước chuyến đi theo thỏa thuận giữa hành khách với đơn vị kinh doanh vận tải theo biểu chi phí niêm yết trên xe taxi hoặc thông qua phần mềm tính tiền của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Nghị định cũng nêu rõ kết thúc chuyến đi, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, quy định này được bổ sung trên cơ sở nhu cầu thực tế của loại hình xe taxi đang chịu nhiều điều kiện kinh doanh chặt chẽ so với xe hợp đồng. Việc này sẽ tạo thuận lợi, giúp các hãng taxi có thể điều chỉnh giá cước linh hoạt và phù hợp với thực tế thị trường.
Trước lo ngại khó kiểm soát giao dịch khi cho phép loại hình taxi được tự thỏa thuận giá, dẫn đến không kiểm soát được doanh thu, nguy cơ thất thu thuế, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay, đã bắt buộc doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử nên việc kiểm soát thuế sẽ được quản lý theo pháp luật về thuế.
“Dù việc thực hiện giá cước theo thỏa thuận, nhưng doanh nghiệp vẫn phải xuất hóa đơn điện tử và truyền về cơ quan thuế. Dù tính tiền theo phương thức nào, khi kết thúc chuyến đi, tài xế phải xuất hóa đơn cho hành khách”, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam thông tin.
Vị này cũng nhấn mạnh, luật nghiêm cấm việc không xuất hóa đơn cho khách. Việc doanh nghiệp có chấp hành xuất hóa đơn thỏa thuận cước chuyến đi hay không phụ thuộc vào tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.