Từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đến cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy Nhà nước hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vẫn luôn có tính thời sự và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, khi chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhằm tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ III, năm 1960 - Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ III, năm 1960 - Ảnh tư liệu

Là nhà cách mạng luôn gắn liền với hoạt động thực tiễn, với mục tiêu lớn nhất là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đặt câu hỏi "cách mạng trước hết phải có cái gì?". Và Người xác định rằng trước hết phải có một đảng cách mạng gồm những con người tiêu biểu làm đầu tầu để dẫn dắt cách mạng đi đến thành công, rồi sau này sẽ là những người làm việc trong bộ máy nhà nước, trong hệ thống chính trị. Những con người đó chính là đội ngũ cán bộ. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh - Chỉ dẫn quan trọng đối với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy

Vấn đề cán bộ đã hình thành rất sớm trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trở thành một trong những vấn đề cốt lõi trong tư tưởng của Người, không chỉ phát huy vai trò trong cách mạng giải phóng dân tộc mà còn để lại nhiều chỉ dẫn quan trọng đối với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước hiện nay.

Với quan điểm "Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy", "Cán bộ là gốc của mọi công việc", "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém", "Bất cứ công việc gì thiếu cán bộ, khó thực hiện được"..., ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, củng cố bộ máy Nhà nước để có đủ sức mạnh hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao quý mà Đảng và nhân dân giao phó.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, vừa phải xây dựng vừa phải đấu tranh giữ vững chính quyền Nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng đặc biệt quan tâm  đến vấn đề cán bộ, đặc biệt là cách thức, lề lối làm việc của bộ máy tổ chức. 

Hơn 1 tháng sau khi chính quyền nhân dân được thành lập, Người đã chỉ ra một khuyết điểm lớn, phổ biến trong các ủy ban nhân dân đó là "bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức" khiến cho đội ngũ cán bộ "nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc: nào ngoại giao, nào tư pháp, nào tài chính" [1]. Người yêu cầu anh em viên chức "phải tận tâm làm việc, một người làm bằng hai, ba người. Và phải tôn trọng kỷ luật... phải theo nguyên tắc là có việc mới cần đến người, chứ không phải là có sẵn người nên phải tìm việc cho làm"[2].

Người đã chỉ ra một khuyết điểm lớn, phổ biến trong các ủy ban nhân dân đó là "bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức" khiến cho đội ngũ cán bộ "nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc: nào ngoại giao, nào tư pháp, nào tài chính"

Báo Cứu quốc, số 58, tháng 10/1945

Chú trọng vai trò của nhân tài trong công cuộc xây dựng đất nước theo quan điểm "Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy", ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78 về việc lập Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết của Chính phủ. Ủy ban này tập hợp hơn 30 nhân sĩ, trí thức ở tất cả các ngành, lĩnh vực như: kinh tế, luật pháp, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội... để cố vấn cho Chính phủ kế hoạch xây dựng đất nước. Trong hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cho mở Trường Đại học Y Dược (Việt Bắc); lớp toán đại cương và các trường dự bị đại học, Trường Sư phạm Liên khu IV; các trường khoa học cơ bản và sư phạm cao cấp (Khu học xá Trung ương, Quảng Tây, Trung Quốc) nhằm tạo dựng một lớp người có đủ tài và đức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. 

Đến thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, bên cạnh việc nhờ các chuyên gia nước ngoài đào tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chủ trương cử người đi học ở Liên Xô, Trung Quốc và một số nước xã hội chủ nghĩa, góp phần hình thành nên đội ngũ các nhà khoa học đông đảo sau này. Vì vậy mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ chúng ta đã có nhiều nhân tài chỉ huy thao lược và cán bộ khoa học, kỹ thuật sử dụng thành thạo những vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, góp phần đánh thắng được đội quân xâm lược mạnh, được trang thiết bị hiện đại thời điểm bấy giờ là Mỹ.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, trên cương vị là người đứng đầu Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết và tác phẩm về vấn đề cán bộ, thể hiện một cách sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ trên nhiều vấn đề, từ việc phát hiện, lựa chọn cán bộ đến đánh giá, cất nhắc, sử dụng cán bộ; từ huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đến việc kiểm soát, phê bình, khen thưởng cán bộ...

Cán bộ phải là công bộc của nhân dân

Khâu đầu tiên trong công tác cán bộ là phát hiện và lựa chọn cán bộ. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tâm huyết với truyền thống tốt đẹp của dân tộc là trọng dụng nhân tài, như lời khắc ghi của cha ông ta vào bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Cách lựa chọn cán bộ theo Hồ Chí Minh phải trên cơ sở những tiêu chí về chất lượng, chú trọng tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức và năng lực của người được lựa chọn. Những tiêu chuẩn phẩm chất của người cán bộ cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra hết sức cụ thể, đó là nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi người cán bộ phải giữ các phẩm chất đó để không trở nên hủ bại, không biến thành sâu mọt của nhân dân mà phải là công bộc của nhân dân, gánh vác công việc chung cho nhân dân.

Trong tiêu chuẩn xem xét, đánh giá cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập cụ thể về phong cách, tác phong công tác. Theo Người, phong cách của người cán bộ được thể hiện ở các yêu cầu như tác phong quần chúng, dân chủ, thẳng thắn, tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao, sâu sát, thận trọng, nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa lý luận và thực tiễn, thường xuyên nghiêm túc phê bình và tự phê bình… và đặc biệt là phong cách nêu gương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng chuyên tâm, không chủ quan, đại khái. Vì thế, tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Mỗi cán bộ đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt.

Bên cạnh việc chỉ ra những tiêu chí về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi người cán bộ phải thường xuyên nâng cao trình độ, năng lực tổ chức thực hành để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Cán bộ phải là những người tiên tiến, nếu bị tụt hậu thì không thể xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Làm nghề gì cũng phải học, vậy làm cách mạng cũng phải học"[3]. Vì vậy, trong công tác cán bộ, Người rất coi trọng việc huấn luyện cán bộ, coi đó là "công việc gốc", là khâu có ý nghĩa quyết định đến trình độ và chất lượng của cán bộ.

Cán bộ phải là những người tiên tiến, nếu bị tụt hậu thì không thể xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Để sử dụng cán bộ sao cho hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra phương châm là "Hiểu biết cán bộ. Khéo dùng cán bộ. Cất nhắc cán bộ. Thương yêu cán bộ. Phê bình cán bộ"[4]. Hiểu và đánh giá cán bộ không phải chỉ một việc, chỉ bên ngoài, trong hiện tại, mà phải thông qua nhiều việc, cả quá khứ, hiện tại và hướng phát triển trong tương lai của cán bộ. Hiểu biết cán bộ để nhìn thấy và khơi dậy được những điểm tốt, điểm mạnh cũng như điểm yếu của cán bộ, qua đó tìm được cách sử dụng cán bộ cho thích hợp với khả năng của mỗi người.

Với cách nhìn nhân văn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Cán bộ cũng là con người, không phải thánh, có tốt, có xấu, nên vấn đề là khéo nâng cao chỗ tốt, sửa chữa chỗ xấu cho họ, "người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tuỳ chỗ mà dùng được"[5].

Chú trọng về con người, chú trọng về cán bộ cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh mới căn dặn phải phân biệt rõ khi rèn đạo đức cho cá nhân mình thì phải chấp nhận đau đớn như giã gạo (ở bài thơ Nghe tiếng giã gạo trong tập Nhật ký trong tù Bác đã viết: "Gạo đem vào giã bao đau đớn, Gạo giã xong rồi trắng tưạ bông; Sống ở trên đời người cũng vậy, Gian nan rèn luyện mới thành công") nhưng khi dùng người, sử dụng cán bộ thì chớ có dùng theo lối giã gạo: Nghĩa là trước khi cất nhắc, sử dụng cán bộ không xem xét kỹ: "Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống. Chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. "Nếu cán bộ bị nhấc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời". 

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu ý, trong dùng cán bộ cần phải tránh: "1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình"[6]. Tuyệt đối không được sử dụng loại cán bộ "gió chiều nào che chiều đó", không có khí khái, không có chính kiến, bản lĩnh, xu nịnh, a dua, không dám chịu trách nhiệm, không dám phụ trách.

Đội ngũ cán bộ chính là công cụ đắc lực, chủ thể trực tiếp thực thi các hoạt động quản lý của Nhà nước đối với xã hội, là mối dây liên hệ giữa Nhà nước với công dân, là cầu nối chuyền tải giữa chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước với xã hội và ngược lại, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Để bảo đảm sự vận hành đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát đối với cán bộ. Người đòi hỏi kiểm tra cán bộ phải trở thành nền nếp và thực hiện một cách có hệ thống, qua đó chống được các bệnh quan liêu, bàn giấy, biết được các nghị quyết có được thực thi không, có đúng không và đúng tới mức nào.

Hơn lúc nào hết, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cần có sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm và hy sinh từ từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu.
Hơn lúc nào hết, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cần có sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm và hy sinh từ từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cần sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm và hy sinh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vẫn luôn có tính thời sự và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhằm tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Để quá trình này thành công, cần chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung"[7]. Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: "Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để "nâng mình lên" để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước, nếu không đáp ứng được thì tự nguyện đứng sang một bên để người khác làm". 

Hơn lúc nào hết, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cần có sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm và hy sinh từ từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu. Bởi đây là công việc rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, sẽ động chạm đến lợi ích của mỗi người và rất nhiều người. Người đứng đầu của mỗi cơ quan, đơn vị trước tiên phải làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên; phải dũng cảm nhìn thẳng vào thực tiễn tổ chức mình, rà soát những tồn tại, chấp nhận thay đổi, sẵn sàng điều chỉnh cơ cấu tổ chức, bộ máy, giảm số lượng cán bộ hoặc tự điều chỉnh cơ chế làm việc để phù hợp với tinh thần cải cách.

Song song với việc đẩy mạnh sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị cần hết sức lưu tâm tới việc giữ người tài, người có khả năng, trình độ, năng lực và có khát vọng cống hiến. Hay nói cách khác, phải làm sao hạn chế tình trạng "giảm" nhưng không "tinh" trong tinh giản biên chế, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện chủ trương này. Khi đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu phải có cách nhìn công tâm, khách quan để đánh giá những người làm được việc và người không làm được việc và phải chịu trách nhiệm về đánh giá của mình. Trên cơ sở đó mới có thể đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không đáp ứng được yêu cầu công việc; thực hiện chính sách đối với những người không tiếp tục ở lại làm việc sau khi tinh giản biên chế, đồng thời bố trí được những người xứng đáng vào các vị trí của bộ máy mới.

Tấm gương hành động của người đứng đầu sẽ tạo động lực, truyền cảm hứng tới cả bộ máy. Mỗi cán bộ ở từng vị trí công việc phải tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò cá nhân mình, góp phần cho tập thể, phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích chung, hy sinh lợi ích cá nhân (nếu có) để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Chắc chắn rằng, sau khi thực hiện tinh gọn bộ máy, số lượng công chức, viên chức sẽ giảm đáng kể. Những người tiếp tục công tác có thể phải gánh vác khối lượng công việc gấp đôi, gấp ba trước đó. Áp lực công việc lớn hơn nên cần phải nỗ lực hơn trước, "tận tâm làm việc, một người làm bằng hai, ba người". Sẽ không còn tình trạng làm việc "cầm chừng", đối phó để vừa đủ "lên lương". Sẽ phải có tinh thần cầu tiến và sự tận tâm, mạnh dạn cải tiến phương pháp làm việc, tận dụng lợi thế công nghệ để tăng hiệu quả công việc… Tất cả những thay đổi nhỏ này của mỗi cá nhân, khi cộng hưởng, sẽ tạo ra chuyển biến lớn cho tập thể, cho toàn hệ thống. Bởi mỗi vị trí không còn cần thiết, được tinh giản sẽ giải phóng nguồn lực cho các lĩnh vực trọng yếu của đơn vị, tổ chức, và rộng ra là của đất nước. Hơn thế, sự hy sinh vì tập thể cũng góp phần xây dựng niềm tin trong nhân dân về một hệ thống chính trị thực sự vì lợi ích chung, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy: "Cách mạng phải vì lợi ích của dân tộc chứ không phải của một cá nhân".

Từ tháng 12/1958, trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Cách mạng tiến lên mãi, Đảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi". Đất nước ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai, tạo dựng được bộ máy nhà nước thực sự hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Vũ Thị Kim Yến 

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch


[1] Báo Cứu quốc, số 58, ngày 4/10/1945

[2] Bài nói trong cuộc họp giám đốc và chủ tịch các ủy ban công sở ở Hà Nội, ngày 17/1/1946

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.294

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.317

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.88

[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.318

[7] Nói ngày 5/1/1946, Báo Cứu quốc, số 135, ngày 7/1/1946

Theo Cổng TTĐT Chính Phủ Copy link

Bình luận bài viết

5.0 (0 đánh giá)
5
0
4
0
3
0
2
0
1
0
Chưa có file đính kèm
Đánh giá bài viết

Các bài viết khác

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ duyệt binh Kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít tại Kazakhstan

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan, vào 11h ngày 7/5 theo theo giờ địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít được tổ chức tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Astana.
07/05/2025

Quốc hội họp về phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Dự thảo Luật sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố; cấp xã gồm xã, phường và đặc khu (ở hải đảo).
07/05/2025

Công chức không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị thôi việc

Công chức bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ” có thể bị bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn hoặc bị cho thôi việc do không đáp ứng yêu cầu. Đây là nội dung trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ trưởng Nội vụ thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội sáng 7/5.
07/05/2025

Thứ trưởng Y tế: Mọi người dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ miễn phí

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế đặt mục tiêu 100% người dân Việt Nam được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần, ước tính cần 25.000 tỷ đồng từ ngân sách.
06/05/2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng Nghĩa trang Hàng Dương, thăm cựu tù Côn Đảo

Sáng nay (3/5), trong chuyến công tác tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương và thăm các cựu tù chính trị, mẹ liệt sĩ.
03/05/2025

Tổng Bí thư Tô Lâm sắp thăm Nga và dự lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân sẽ có chuyến công du, thăm một số nước, trong đó có Nga, và dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
02/05/2025

Một cán bộ ở Quảng Ngãi nghỉ hưu trước tuổi được nhận gần 2,8 tỷ đồng

Trong số 62 cán bộ nghỉ hưu trước tuổi ở tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh là người nhận chế độ cao nhất lên tới gần 2,8 tỷ đồng.
02/05/2025

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 4/2025

Thủ tướng chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025; Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 4/2025.
02/05/2025

Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật

Bộ Chính trị vừa ban hành Quyết định số 288-NQ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban.
02/05/2025

Đại úy CSGT trao trả 5 chỉ vàng và hơn 16 triệu đồng cho người đánh rơi

Quá trình làm nhiệm vụ tại ngã ba Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng (Hà Nội), Đại úy Lê Xuân Linh (Đội CSGT số 14) nhặt được chiếc ví chứa 2 dây chuyền và hơn 16 triệu đồng.
22/04/2025

Thủ tướng: Mỹ đánh giá tích cực quá trình đàm phán thuế với Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các đối sách thích ứng kịp thời linh hoạt, sự bình tĩnh chủ động của Việt Nam trong đàm phán thuế quan được phía Mỹ đánh giá tích cực.
22/04/2025

Công an hướng dẫn khai báo với người mua kẹo Kera

Người mua kẹo Kera từ Công ty CER của Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs được đề nghị cung cấp cho cơ quan điều tra lý do mua hàng, thời gian, số lượng, cách thanh toán.
07/04/2025