Người bị thu hồi GPLX do hành vi cho người khác mượn sẽ không được xin cấp lại GPLX trong vòng một năm.
Khoản 14 Điều 4 của Thông tư 05/2024/TT-BGTVT do Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 31/3, có hiệu lực từ 1/6/2024 quy định cụ thể các trường hợp bị thu hồi Giấy phép lái xe (GPLX) như sau:
a) Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp giấy phép lái xe;
b) Người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe;
c) Để người khác sử dụng giấy phép lái xe của mình;
d) Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện;
đ) Có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký;
e) Thông qua việc khám sức khỏe Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (trừ các hành vi xử lý theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 10 Điều 5; điểm h và điểm i khoản 8 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019).
CSGT cho biết sẽ vào cuộc xác minh và xử lý tình trạng cho thuê, cho mượn GPLX để đối phó phạt nguội (Ảnh minh họa: Trần Thanh).
Với trường hợp GPLX bị thu hồi do để người khác sử dụng, theo quy định tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT, sau 1 năm kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép lái xe có hiệu lực, cá nhân nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe thì đăng ký với Sở Giao thông vận tải để sát hạch lại.
Việc tổ chức sát hạch lái xe được thực hiện như sau:
a) Sát hạch lý thuyết thực hiện trên máy vi tính (trừ sát hạch đối với hạng A1 tại các địa bàn thuộc các đô thị từ loại 3 trở lên có khoảng cách đến trung tâm đô thị loại 3 trở lên trên 100 km được phép sát hạch bằng phương pháp trắc nghiệm trên giấy); phòng sát hạch lý thuyết có camera để giám sát quá trình sát hạch;
b) Sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính đối với các hạng B1, B2, C, D, E và các hạng F; phòng sát hạch có camera để giám sát quá trình sát hạch;
c) Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng A1, A2 thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe hoặc cơ sở đào tạo lái xe có sân sát hạch đủ điều kiện, có thiết bị chấm điểm tự động (trừ các địa bàn có khoảng cách đến trung tâm đô thị từ loại 3 trở lên trên 100 km được phép sát hạch bằng phương pháp chấm điểm trực tiếp);
d) Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng F thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe hoặc sân sát hạch có đủ điều kiện thuộc trung tâm sát hạch lái xe; không có sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;
đ) Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng B1, B2, C, D, E thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe có thiết bị chấm điểm tự động; không có sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;
e) Sát hạch thực hành lái xe trên đường giao thông áp dụng đối với các hạng B1, B2, C, D, E và các hạng F và có một sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;
g) Sát hạch thực hành lái xe trên đường giao thông đối với các hạng B1, B2, C, D và E phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động.