Đại biểu Quốc hội nhận thấy rất khó bắt quả tang khi thanh tra có kế hoạch. Điển hình như đợt truy quét sữa giả, thực phẩm chức năng giả, lực lượng này đi đến đâu là hàng hóa đã được giấu hết.
Phải thanh tra đột xuất mới dễ bắt quả tang
Thảo luận về dự án Luật Thanh tra sửa đổi sáng 22/5, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho biết, điểm mới của dự thảo là xây dựng hệ thống thanh tra 2 cấp là ở Trung ương và địa phương.
Dự luật đưa ra nhiều quy định về kiểm tra chuyên ngành, trách nhiệm của thủ trưởng trong việc tổ chức kiểm tra chuyên ngành.
"Chúng tôi hay nói đùa với nhau là đợt này chắc là sếp sẽ nhiều hơn mà lính thì sẽ ít đi. Từ đó cũng đặt ra những khó khăn, đặc biệt là đối với thanh tra chuyên ngành khi lực lượng thanh tra tại quận, huyện của chúng ta hầu như vẫn chưa có những lực lượng chuyên ngành mà chủ yếu vẫn chỉ trông cậy vào thanh tra liên ngành là chính", bà Lan nói.
Bà Lan cho biết cũng phần nào yên tâm khi thấy trong dự luật lần này đã có những điều khoản quy định về kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; trách nhiệm của thủ trưởng trong việc triển khai, tổ chức kiểm tra chuyên ngành; các sở cũng phải bảo đảm về kiểm tra chuyên ngành...
Đại biểu cũng băn khoăn dự luật chủ yếu tập trung xây dựng việc phòng chống lạm quyền, tiêu cực của thanh tra, trong khi quyền hạn, sức mạnh để thanh tra hoạt động hiệu quả hơn thì chưa có biện pháp.
"Trong xây dựng luật, thanh tra bị trói tay, trói chân rất nhiều. Tôi đơn cử việc tại sao không có quy định thoáng hơn để thanh tra đột xuất nhiều hơn thanh tra kế hoạch", đại biểu cho hay.
Theo bà Lan, thanh tra kế hoạch hầu như không có hiệu quả khi danh sách phải công khai, thống nhất từ đầu năm và có sự phê duyệt của cấp trên. Sau đó, trước khi đi thanh tra phải có thông báo cho đơn vị được thanh tra.
"Điều này rõ ràng hạn chế nhiều yếu tố bất ngờ. Như trước vấn đề sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở đợt cao điểm truy quét, thì lực lượng thanh tra đi đến đâu là hàng hóa giấu hết… Rất khó bắt quả tang khi làm việc gì có kế hoạch và rầm rộ thông tin", đại biểu nêu thực tế.
Bên cạnh đó, bà cho hay còn có trường hợp các đơn vị, cá nhân sau khi bị "chốt" biên bản vi phạm và xử lý vi phạm hành chính thì không tuân thủ, không nộp phạt và chỉ cần là dẹp cơ sở cũ, mở cơ sở mới. Vấn đề này đại biểu cho rằng chưa có chế tài nào xử lý và đề nghị cần tập trung thảo luận, sửa đổi để khắc phục.
Cần cơ chế giám sát hoạt động thanh tra
Cho ý kiến về quy định liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị quy định rõ ràng hơn hành vi cố ý không quyết định thanh tra.
Nêu ví dụ, cơ quan thanh tra nhận được thông tin tố giác rõ ràng nhưng không hành động trong thời gian nhất định, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng cần có cơ chế giám sát nội bộ như yêu cầu thủ trưởng cơ quan thanh tra báo cáo định kỳ về trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm nhưng không quyết định thanh tra; nhằm bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước cấp trên hoặc Thanh tra Chính phủ khi không có quy định thanh tra, dù có dấu hiệu vi phạm, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước, để tăng trách nhiệm giải trình.
"Cơ quan soạn thảo quy định rõ ràng về hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong hoạt động thanh tra như yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra hoặc kéo dài thời hạn thanh tra không có lý do chính đáng; gây cản trở trong hoạt động của đối tượng được thanh tra...
Cần quy định rõ việc tiếp nhận và xử lý tố cáo từ đối tượng thanh tra về hành vi hối lộ, sách nhiễu thông qua hệ thống số hóa, bảo đảm bảo mật thông tin cho người tố cáo", đại biểu nêu.
Liên quan đến quy định bảo vệ người tiến hành thanh tra trước các hành vi can thiệp, đại biểu đề xuất quy định cụ thể về hành vi can thiệp trái pháp luật, tác động làm sai lệch hồ sơ như gây áp lực, đe dọa, mua chuộc hoặc cung cấp thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến kết luận thanh tra.
Đồng thời cần có quy định bổ sung quy định bảo vệ người tiến hành thanh tra như bảo mật thông tin cá nhân, hỗ trợ pháp lý khi bị can thiệp trái pháp luật...
Đối với quy định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, ông Tạo cho rằng cần bổ sung chế tài xử lý khi cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quyết định thanh tra có hành vi không cung cấp, trì hoãn hoặc cung cấp sai thông tin đến tình hình dẫn đến tình trạng né tránh, làm chậm quá trình thanh tra.