Sáng nay, ngày 20/5, Quốc hội khóa 15 đã khai mạc kỳ họp thứ 7, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong hoạt động lập pháp và giám sát của cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. Kỳ họp này được tiến hành theo hai đợt, kéo dài trong 26,5 ngày, với nhiều nội dung trọng tâm. Đợt 1 từ 20/5 - 8/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng 28/6.
Trong số đó, công tác nhân sự là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận. Dự kiến, vào cuối giờ sáng nay, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội. Tiếp theo, vào sáng ngày 22/5, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước.
Khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VGP
Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất giới thiệu hai Ủy viên Bộ Chính trị để Quốc hội lựa chọn: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, được giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch nước; và ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, được giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.
Ngoài công tác nhân sự, kỳ họp thứ 7 cũng tập trung vào việc xem xét, thông qua 13 dự án luật và nghị quyết, đồng thời cho ý kiến lần đầu 11 dự án luật khác. Trong đó, có thể kể đến Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Kỳ họp cũng sẽ là dịp để Quốc hội nghe lãnh đạo Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, cũng như tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp 6.
Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 15 hứa hẹn sẽ là một diễn đàn sôi nổi, nơi các đại biểu Quốc hội thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
XEM TRỰC TIẾP KHAI MẠC KỲ HỌP QUỐC HỘI TRÊN VTC1