Hà Quảng là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Cao Bằng, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 810,96km2, có 19 xã và 02 thị trấn, quy mô dân số trên 60 ngàn người, gồm 05 dân tộc chính cùng sinh sống: Tày, Nùng, Mông, Dao và Kinh.
Trong số chuyên đề tháng 10 của Viện Khoa học Chính sách và Pháp luật, chủ đề chính sách phát triển du lịch bền vững tại các địa phương vùng cao Việt Nam, chúng tôi đã có dịp tới với Hà Quảng - Một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Cao Bằng. Địa hình chủ yếu của Hà Quảng là núi đá vôi bị chia cắt mạnh, được hình thành hai tiểu vùng rõ rệt vùng thấp và vùng cao; có 8 xã biên giới giáp với Trung Quốc, với tổng chiều dài đường biên giới 74,871 km. Trên địa bàn huyện có cặp cửa khẩu Quốc gia Sóc Giang (Việt Nam) -Bình Mãng (Trung Quốc), có lối mở Nà Quân và nhiều đường mòn thông thương với Trung Quốc.
Hà Quảng có tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ, du lịch, trên địa bàn huyện có đủ 02 loại tài nguyên du lịch: Tài nguyên du lịch tự nhiên và Tài nguyên du lịch văn hóa.
Về tài nguyên du lịch tự nhiên
Qua khảo sát thực tế một số địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hà Quảng như khu danh lam thắng cảnh Bãi Tình (xã Thanh Long), khu cảnh quan Nặm Ngùa, Lũng Tó (xã Ngọc Động), di tích danh lam Thắng Động Bó Ngẳm (xã Cần Yên), khu Cảnh quan Kéo Yên (xã Lũng Nặm), đặc biệt trên địa bàn huyện có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, khu di tích lịch sử Kim Đồng và nhiều địa chỉ đỏ gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; có các điểm di sản địa chất, văn hóa có giá trị được UNETSCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; được thiên nhiên ưu đãi có nhiều danh lam thắng cảnh.
Về tài nguyên du lịch văn hóa
Nguồn tài nguyên văn hóa huyện Hà Quảng phong phú và đa dạng, Hà Quảng có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống là: Nùng, Tày, Mông, Dao và Kinh, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng riêng, phong tục tập quán, tiếng nói, trang phục dân tộc riêng; có làn điệu dân ca, dân vũ riêng như hát Then, đàn tính, lượn Nàng ới (dân tộc Tày); Tài Sli, Dá Hai, Hà Lều (dân tộc Nùng); hát lượn (dân tộc Dao Đỏ), Múa khèn (dân tộc Mông),..
Trên địa bàn huyện hiện có 8 lễ hội truyền thống, gồm: 02 lễ hội cấp huyện (Lễ hội về nguồn Pác Bó, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông); 06 lễ hội truyền thống cấp xã, thị trấn (Lễ hội truyền thống ngày 09 tháng giêng xã Sóc Hà; Lễ hội truyền thống xã Ngọc Đào; Lễ hội Leo cột mỡ xã Cần Nông; Lễ hội truyền thống Thị trấn Xuân hòa; Lễ hội Bản Gải xã Cần Yên; Lễ hội truyền thống xã Lương Thông). Các lễ hội được tổ chức chủ yếu gắn với các hoạt động đón tết cổ truyền của dân tộc tại các địa phương, gắn với bản sắc từng dân tộc, vùng miền. Thông qua lễ hội thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu phong tục tập quán các dân tộc tại địa phương.
Về di tích lịch sử, văn hóa
Hiện nay trên địa bàn huyện có 14 điểm di tích đã được xếp hạng; có 6 điểm di sản địa chất, văn hóa được công nhận là điểm CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Trong những năm qua công tác bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm, chỉ đạo. Các điểm di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện đều xây dựng Ban quản lý, quy chế hoạt động của di tích, đồng thời giao cho các đoàn thể chính trị xã hội xã, thị trấn, các trường học trên địa bàn có di tích phối hợp trực tiếp quản lý và thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên để ôn lại lịch sử truyền thống quê hương cách mạng.
Về các làng nghề truyền thống
Làng nghề truyền thống có vai trò hết sức to lớn trong đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân, nó mang tính tập tục truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc. Các làng nghề thủ công truyền thống ở Hà Quảng hình thành từ lâu, xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng và lưu giữ làng nghề của nhân dân địa phương. Hiện nay trên địa bàn huyện có 01 làng nghề truyền thống được công nhận: Hương thảo mộc Nà Kéo - xã Trường Hà; 2 ngành, nghề truyền thống: dệt thổ cẩm Luống Nọi - xã Ngọc Đào, làm bánh Khẩu Shi Nà Giàng - xã Ngọc Đào.
Trong các nghề thủ công truyền thống tại huyện thì Nghề dệt thổ cẩm của người Tày, xã Ngọc Đào vinh dự được đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia (Quyết định số: 1402/QĐ-BVHTTDL, ngày 1/6/2023).
Đây là những làng nghề có lịch sử hình thành lâu đời, sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống. Các làng nghề tạo việc làm ổn định cho các hộ dân địa phương, là điều kiện để khai thác trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm du lịch. Hiện nay các làng nghề đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện phát triển, tuy nhiên sản phẩm làng nghề chưa đi sâu vào thị trường, vẫn mang tính chất sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, tiêu thụ chủ yếu tại địa phương và các vùng lân cận; cơ sở vật chất các làng nghề chưa được đầu tư tương xứng, vì vậy chưa phát huy được tối đa lợi thế gắn với phát triển du lịch.