Như Dân trí thông tin, trưa 9/6, Nhà máy Thủy điện Suối Mu (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) mở cống xả nước dẫn tới lưu lượng nước lớn đổ dồn về hạ lưu, khiến nhiều người dân và du khách đang tắm suối ở hạ nguồn hoảng loạn. Khi đó, 2 du khách nhanh chân chạy lên bờ, 5 người còn lại không kịp chạy nên bị dòng nước cuốn đi nhưng may mắn được chủ một homestay gần đó ứng cứu, đưa lên bờ. Sự việc vì thế không gây thiệt hại về người.
Theo người dân phản ánh, trong 4 năm qua, đây không phải lần đầu Thủy điện Suối Mu xả nước không thông báo, gây nguy hiểm cho người dân trong khi theo báo cáo của cơ quan quản lý, nhà máy đã phát loa cảnh báo trước khi mở cống xả nước. Tuy nhiên, vị trí phát loa báo động cách xa khu vực người dân sinh sống và nơi du khách đang tắm hơn 2km, nên không ai nghe thấy.
"Quy trình đã có, chỉ có làm ẩu mới khiến nước lũ cuốn trôi người dân"
Sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của lãnh đạo thủy điện khi mở cổng xả nước đã đe dọa nghiêm trọng tới tài sản, sức khỏe và thậm chí tính mạng của người dân. Bình luận dưới bài viết Thủy điện ở Hòa Bình xả nước bất ngờ, nhiều du khách bị cuốn trôi, nhiều người không giấu được sự bất bình.
Dưới góc nhìn chuyên môn, anh Nguyen Anh Tuan cho rằng việc xả nước đã có đầy đủ quy trình, do phía Thủy điện Suối Mu không làm đúng quy trình mới dẫn tới việc du khách bị nước cuốn trôi.
"Nguyên tắc xả nước là phải từ từ, không tăng đột ngột thì người dân sẽ thấy nước tăng lên để biết mà lên bờ. Việc này cực dễ, không có gì khó khăn. Chỉ có người xả nước kiểu vội vã, mở quá lớn một lần cho nhanh mà thôi", độc giả này bình luận.
Đồng quan điểm, anh Nguyen Trung Dung viết: "Quy trình đã có, trước khi xả phải thông báo nhưng lại không có chế tài ràng buộc nếu nhà máy không thực hiện đúng. Bao vụ việc gây thiệt hại cực lớn đối với người dân nhưng đều không được xử lý. Khi có lũ thượng nguồn thì phải xả để đảm bảo an toàn do hồ đã đầy nước, không những làm mất tính năng cắt lũ mà còn gây thiệt hại hơn".
"Lỗ hổng lớn đây, chỉ khi chết người thì trách nhiệm lại đùn đẩy cho các bên. Cần có quy định rõ ràng về việc thông báo tới người dân thông tin xả nước trước đó để người dân kịp thời di tản, đồng thời xem lại quy hoạch khu vực tại sao xả nước ảnh hưởng như thế mà xã/huyện không có chủ trương quy hoạch lại khu người dân?", anh Quy Nguyen Ngoc tiếp lời.
"Hầu hết các đập thủy điện điều có quy trình xả nước, chẳng qua quá ẩu mà bất chấp các quy trình xem thường mạng sống người dân. Cần xử lý thật nặng, đã ẩu thì không cần rút kinh nghiệm, cho nghỉ việc về vườn là vừa", chủ tài khoản QV lên tiếng.
"Không đâu có cái kiểu xả nước bát nháo như vậy. Bao nhiêu lần xả nước làm người dân khốn đốn mà không được đền bù rồi. Họ quá coi thường pháp luật, tính mạng, của cải của người dân", độc giả Doxuantuan bức xúc.
Từ câu chuyện trên, chủ tài khoản Athena Cruise cho rằng bên cạnh lãnh đạo nhà máy, cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý tại địa phương. "Phải xem xét ngay quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện, không thể để xảy ra rồi mới xử lý. Cần đánh giá khi mở cửa xả lũ thì phạm vi tác động đến đâu, phải có hệ thống cảnh báo đến khu vực đó. Thời buổi công nghệ hiện đại, phương tiện thông tin rất thuận lợi mà vẫn để xảy ra sai sót trong quá trình vận hành thì lỗi này chính là sự chủ quan của người vận hành và cơ quan quản lý", độc giả này viết.
Cũng cho rằng cần đánh giá một cách toàn diện và chính xác trách nhiệm của những người liên quan, anh Hoàng Nguyễn ủng hộ việc yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra.
Độc giả này bình luận: "Nếu có thiệt hại về người thì bị quy tội "Vô ý làm chết người", còn không chết người thì được xem là "đúng quy trình" sao? Công an cần vào cuộc làm rõ, vì nó ảnh hưởng đến tính mạng của người dân, chứ không phải xem xét quy trình gì ở đây nữa. Đây không phải lần đầu, rất nhiều thủy điện xả nước bát nháo. Mọi thứ đều là biện minh, vì nếu mực nước đến mức phải xả cũng phải có quá trình. Chỉ loa thông báo thì đúng là qua loa xong chuyện".
"Chơi chữ xả nước xả lũ. Cẩu thả vô trách nhiệm, xong xin lỗi, rút kinh nghiệm. Hết. Bài cũ soạn lại, huề cả làng", người dùng Anh Tran bức xúc.
Gợi ý lắp còi hú, loa công suất lớn gần hạ lưu
Từ câu chuyện trên, nhiều người cho rằng việc lắp thêm loa cảnh báo tại khu vực hạ du là rất cần thiết, đảm bảo cho sự an toàn về tài sản và sức khỏe, tính mạng của người dân cũng như du khách. Độc giả Kevin Nguyen nêu ý kiến: "Nên lắp còi hú công suất lớn và bật ngắt quãng trước khi xả nước 5 phút chứ loa thông báo làm sao truyền xa được vài km? May mà không có hậu quả nghiêm trọng chứ mấy câu xin lỗi thực sự là mấy câu vô nghĩa".
"Tôi không hiểu cái loa cảnh báo cách xa tận 2 km thì lắp cho ai? Cảnh báo để cho có, lấy lệ, cho đủ thủ tục và đúng quy trình hay sao? Để rồi nếu xảy ra vấn đề thì thoái thác trách nhiệm, cho rằng chúng tôi đã làm đúng quy trình?
Tôi cho rằng thời buổi hiện tại, ngoài việc lắp đặt thêm loa công suất lớn, có thể sử dụng thêm các ứng dụng mạng xã hội để cảnh báo cho người dân về việc xả lũ, giúp thông tin được lan tỏa và nhiều người được tiếp cận hơn", độc giả Hoàng Linh nêu phương án.
"Cứ loa cảnh báo, ai nghe được thì nghe, xong là cứ thế mà xả? Cái loa báo động là phương tiện để cảnh báo mà lại bảo cách xa dân, vậy để làm cảnh à? Xong xin lỗi cái rụp là hết chuyện sao? Các ông xả kiểu đó có ngày trôi cả nhà dân", độc giả Datduong bức xúc.
"Tôi ủng hộ việc lắp đặt hệ thống loa cảnh báo xả nước gần nơi người dân sinh sống. Điều này sẽ giúp tránh những tai nạn không đáng có", anh Phạm Văn Hùng bình luận.
"Quá tắc trách. Nếu có người nào bị làm sao thì ai chịu trách nhiệm? Đây cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá để tránh mắc sai lầm, nên đặt trạm phát thanh ở những nơi có người đến du lịch tắm, kết nối qua sóng phát thanh để mọi người được biết", anh Nguyen Quy gợi ý.