Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cảnh báo người dân cần thận trọng vì các nhóm lừa đảo qua mạng thường giả danh cơ quan Nhà nước.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kiến nghị cử tri chiều 23/5, phó đoàn Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ lo ngại về tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng tăng, số nạn nhân và số tiền ngày càng lớn, không ít người bị lừa nhiều tỷ đồng. Theo bà, thủ đoạn chủ yếu là sử dụng tài khoản ngân hàng và số điện thoại không chính chủ để liên hệ và nhận tiền. Bà đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp rà soát, kiểm tra và xử lý sim rác, còn Ngân hàng Nhà nước cần xử lý dứt điểm tài khoản không chính chủ vì đây là "kẽ hở cho loại tội phạm lợi dụng".
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận thực trạng đang diễn ra trên diện rộng, cả ở toàn cầu và là hệ lụy của chuyển đổi số. Theo ông, lừa đảo trực tuyến thường được thực hiện qua các cuộc gọi giả danh cơ quan Nhà nước.
Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng hiển thị tên cơ quan Nhà nước nếu liên hệ với người dân qua điện thoại di động. "Trường hợp người dân nhận cuộc gọi tại điện thoại bàn, có thể yêu cầu gọi lại qua số di động để kiểm tra tên cơ quan Nhà nước. Nếu không có tên, người dân không nên tin", ông Hùng nói.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chiều 23/5. Ảnh: Media Quốc hội
Về sim rác, ông Hùng cho biết 5 năm qua, Bộ đã xử lý, cắt hoạt động hàng chục triệu sim rác, sim không trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư. Nếu phát hiện sim rác, Bộ sẽ yêu cầu nhà mạng ngừng kinh doanh, ngừng phát triển thuê bao mới. "Đây là hình thức xử lý rất nặng đối với nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ", ông nói.
Đối với trang web giả mạo cơ quan Nhà nước, Bộ có sáng kiến gắn "nhãn xanh" cho các tổ chức đã được xác thực. Người dân khi vào trang web không có nhãn xanh phải cẩn trọng hơn.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết để hạn chế tình trạng tài khoản ngân hàng không chính chủ, NHNN đã yêu cầu người dân sử dụng căn cước gắn chip để mở tài khoản điện tử. NHNN cũng ban hành quyết định yêu cầu biện pháp xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch từ 20 triệu đồng mỗi ngày.
"Chúng tôi cũng phối hợp Bộ Công an thực hiện cơ chế đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán, kiểm tra, mở, sử dụng tài khoản thanh toán; yêu cầu tổ chức tín dụng kết nối dữ liệu công dân giúp khách hàng làm sạch dữ liệu, hạn chế lừa đảo qua mạng", bà Hồng nêu.