Phó Thủ tướng chỉ rõ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị về bảo vệ môi trường, nhưng nhiều nội dung thực hiện chậm, chưa hiệu quả, thiếu cơ chế giám sát và chế tài đủ mạnh.
Chỉ thị lần này phải bao quát được các vấn đề lớn, đặc biệt là gắn với trách nhiệm cụ thể; đồng thời tập trung vào các vấn đề môi trường bức xúc, chỉ ra được địa bàn đang ở mức báo động. Cụ thể, TP. Hà Nội, TPHCM là hai đô thị lớn đang chịu áp lực môi trường lớn nhất, bị quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng, mà nếu giải quyết được thì sẽ tạo tiền đề để nhân rộng ra các địa phương khác.
Trọng tâm là Hà Nội, TPHCM
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, coi đây là một trong ba trụ cột phát triển bền vững, tạo được những bước chuyển biến và kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát hiệu quả, có nơi còn rất nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, ô nhiễm môi trường đất, nước (sông, hồ, ven biển) tại các địa bàn tập trung đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề...
Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo
Chỉ thị, trong đó cần nêu rõ tình trạng ô nhiễm môi trường ở các thành phố
lớn như Hà Nội, TPHCM - Ảnh: VGP/Đình Nam
Bình quân hằng năm, lực lượng Công an phát hiện, xử lý hơn 600 vụ phạm tội hình sự và hơn 20.000 vụ vi phạm hành chính.
Bộ Công an đã xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết trong Dự thảo Chỉ thị có những nội dung đang được Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai như: Rà soát, đấu tranh, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đảm bảo thực thi pháp luật nghiêm minh, quy rõ trách nhiệm các ngành, các cấp.
Đáng chú ý, khi xây dựng Dự thảo Chỉ thị, Bộ Công an đã có các cuộc làm việc với UBND TP. Hà Nội để thống nhất một số nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện ngay.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu - Ảnh: VGP/Đình Nam
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết Chỉ thị lần này tập trung vào các giải pháp trước mắt nhằm ứng phó với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở các khu vực sau: ô nhiễm không khí và nước thải tại Hà Nội; ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; ô nhiễm tại các lưu vực sông; và ô nhiễm tại một số cơ sở sản xuất công nghiệp, để ngăn chặn tình trạng lan rộng và kéo dài.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quá trình xây dựng Dự thảo Chỉ thị theo hướng tập trung vào xử lý những vấn đề thực tiễn nổi cộm như ô nhiễm không khí và nguồn nước mặt. Bộ cũng đang hoàn thiện quy chuẩn về khí thải đối với xe mô tô, xe máy đang lưu hành; kiến nghị bổ sung trách nhiệm cụ thể của Bộ Xây dựng trong việc kiểm soát bụi, khí thải từ công trường xây dựng và Bộ Công Thương trong kiểm soát nguồn thải từ nhà máy nhiệt điện, xi măng, sắt thép- những nguồn phát thải lớn hiện nay.
Thống nhất cao với nội dung Dự thảo Chỉ thị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã báo cáo thêm về lộ trình hạn chế phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hoá thạch; đề nghị bổ sung nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố, ngoài khí thải giao thông còn có các nguồn từ hoạt động xây dựng, nông nghiệp, xử lý rác, công nghiệp, làng nghề; xác định lại trách nhiệm của thành phố trong công bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm, xây dựng hệ thống quan trắc.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết thành phố sẽ tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị như xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước, hệ thống quan trắc không khí tự động, xác định vùng phát thải thấp; kiến nghị phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã/phường để nâng cao hiệu quả giám sát, xử lý vi phạm môi trường; xây dựng hệ thống thông tin môi trường quốc gia thống nhất; hỗ trợ người dân, chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ xanh, sạch…
Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu - Ảnh: VGP/Đình Nam
Phân công rõ ràng, tránh chồng chéo, không chờ đợi
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội, TPHCM chủ động xây dựng và thực hiện các
phương án cụ thể để giảm ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện
thực tế - Ảnh: VGP/Đình Nam
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Chỉ thị, trong đó cần nêu rõ tình trạng ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, đặc biệt là ô nhiễm không khí, ô nhiễm lưu vực sông, ô nhiễm do chất thải rắn, làng nghề và khu công nghiệp… với tình hình ngày càng nghiêm trọng. Từ đó chỉ rõ những nhiệm vụ cấp bách, cần tập trung thực hiện ngay, bên cạnh các nhiệm vụ bảo vệ môi trường vẫn thực hiện thường xuyên.
Đồng ý với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để giải quyết ô nhiễm môi trường không khí ở một số thành phố lớn, đô thị, ô nhiễm môi trường lưu vực sông, làng nghề… được nêu trong Dự thảo Chỉ thị, Phó Thủ tướng lưu ý, các nhiệm vụ, giải pháp này không thay thế cho các văn bản chỉ đạo, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có về giải quyết ô nhiễm trong từng lĩnh vực cụ thể.
"Các đồng chí phải tiếp tục nghiên cứu những nhiệm vụ, giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường vẫn còn giá trị trong các Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhưng chưa triển khai được thì phải tiếp tục nhắc lại, nêu lại, hệ thống lại; làm rõ phạm vi, đối tượng cụ thể và phân công trách nhiệm rõ ràng, không chồng chéo, dẫm chân lên nhau", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, chưa cần có thêm giải pháp, biện pháp mới, trước hết các địa phương phải thực hiện ngay và nghiêm các quy định xử lý ô nhiễm môi trường không khí, lưu vực sông, chất thải rắn… đã có đầy đủ cơ sở chính trị, hành lang pháp lý. Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công an phải thanh tra, kiểm tra, giám sát báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xử lý những nơi làm chưa đúng.
Về cách làm, Phó Thủ tướng nêu ví dụ, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí của TP. Hà Nội, thì đầu tiên là cần xác định cụ thể nguồn gây ô nhiễm (60% từ giao thông, 40% từ xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp…), thời điểm ô nhiễm, tiếp đó là xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn để đánh giá tình trạng, mức độ ô nhiễm; đặt ra lộ trình, mục tiêu cụ thể. Từ đó giao nhiệm vụ cho TP. Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Công an... như: Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, phát triển giao thông công cộng, hạn chế giao thông ở một số khu vực ô nhiễm không khí nghiêm trọng… và phải rất rõ mốc tiến độ, thời gian.
Về công tác kiểm tra, thanh tra, rà soát, đánh giá, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải chủ trì xây dựng hệ thống dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia, kết nối và chia sẻ với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công an; chuyển hồ sơ cho Bộ Công an theo dõi, giám sát đặc biệt, xử lý ở mức cao hơn đối với các khu vực, doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng đã thanh tra xử lý hành chính nhiều lần, không để "một việc hai người"; nghiên cứu cơ chế sử dụng kinh phí xử phạt hành chính để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra môi trường.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế điều chỉnh thuế, phí dịch vụ môi trường; chính sách khuyến khích xã hội hóa, đầu tư cho môi trường.
Phó Thủ tướng cũng giao các bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương khẩn trương hoàn thiện, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về từng lĩnh vực môi trường, mục tiêu, thời gian để các địa phương xây dựng lộ trình triển khai.
Nhắc lại nhiệm vụ cấp bách phải giảm nhanh ô nhiễmkhông khí, Phó Thủ tướng yêu cầu TP. Hà Nội, TPHCM xây dựng đề án tổng thể với giải pháp mạnh hơn, chặt chẽ hơn như phân vùng hạn chế phương tiện gây ô nhiễm, tổ chức lại giao thông công cộng…, phù hợp với cơ chế, chính sách, quy định pháp luật đặc thù dành cho địa phương, có sự tham gia hỗ trợ của các bộ Nông nghiệp và Môi trường, Công an, Xây dựng, Công Thương.
Trong quá trình triển khai Chỉ thị, Phó Thủ tướng yêu cầu phải rõ thời gian thực hiện, tiến độ, mục tiêu và tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm.