Chưa từng có tiền lệ
Ngày 4/1/2022 đã ghi một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hoạt động của Quốc hội khi kỳ họp bất thường đầu tiên – việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 76 năm của Quốc hội - chính thức khai mạc tại thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp bất thường đầu tiên được tổ chức trong bối cảnh rất đặc biệt khi cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII, các nghị quyết kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp được tổ chức nhằm có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển.
Những nội dung bàn thảo tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt cho năm 2022, năm 2023, mà còn có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Một năm sau thành công của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ hai.
Kỳ họp được chuẩn bị và diễn ra một cách nhanh chóng, khẩn trương, ngay sát dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù thời gian kỳ họp rất ngắn, từ ngày 5-9/1/2023, nhưng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn.
Trong đó, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 3 nghị quyết gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024; việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội cũng xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất rất cao.
Ngay sau thành công của kỳ họp bất thường lần thứ hai, đã diễn ra liên tiếp hai kỳ họp bất thường thứ ba (ngày 18/1/2023) và kỳ họp bất thường thứ tư (ngày 2/3/2023) của Quốc hội khóa XV, hai kỳ họp tập trung vào vấn đề hết sức hệ trọng của đất nước đó là công tác nhân sự. Đây là vấn đề rất lớn, mang tầm quốc gia, có tác động trực tiếp đến toàn xã hội mà không thể chậm trễ.
Mới đây nhất, kỳ họp bất thường thứ năm diễn ra từ ngày 15-18/1/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi)tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Đánh giá về kỳ họp này, tại họp báo sau phiên bế mạc, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, những nội dung được Quốc hội quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ năm có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, là minh chứng cho tinh thần lập pháp vì dân.
Có thể khẳng định, việc tăng cường hợp lý số lượng kỳ họp của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn là hoàn toàn phù hợp với mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tiến tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng cao nhất các yêu cầu của đất nước, đồng thời cũng bám sát định hướng về yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Kỳ họp bất thường đã dần thực sự trở thành hoạt động bình thường của Quốc hội.
Quốc hội chủ động, linh hoạt, vì nhân dân, vì nước
Quan sát hoạt động của Quốc hội qua nhiều nhiệm kỳ, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, bối cảnh đất nước thời gian qua đã đặt ra rất nhiều những vấn đề cấp bách, quan trọng đòi hỏi phải có những quyết sách nhanh chóng, kịp thời mà chỉ Quốc hội mới có thể quyết định được. "Có những vấn đề chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra trong lịch sử, nếu Quốc hội không đổi mới, không hoạt động năng động, tích cực, chủ động thì không thể giải quyết được vấn đề" - ông Nguyễn Túc nói.
Khẳng định những kỳ họp Quốc hội bất thường vừa qua là sự đổi mới quan trọng và tạo ra giải pháp hết sức cần thiết để giải quyết những thực tiễn nảy sinh trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và những vấn đề bức bách mà cuộc sống xã hội đặt ra, ông Nguyễn Túc cho rằng thành công của các kỳ họp bất thường đã minh chứng cho một Quốc hội hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tạo ra một khí thế mới, một sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân cả nước đối với các hoạt động của Quốc hội.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hậu Giang khẳng định: "Thực tế đặt ra rất nhiều vấn đề cấp bách mà không thể chờ đến kỳ họp Quốc hội thường lệ để xem xét, quyết định. Hoạt động của Quốc hội thời gian qua đã có hiệu quả lớn, được cử tri và nhân dân cả nước ủng hộ, đánh giá cao".
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, các nội dung được quyết định tại kỳ họp bất thường đã lan tỏa tinh thần quyết liệt, chủ động từ sớm, từ xa của Quốc hội, đáp ứng được với những phức tạp, đổi thay nhanh chóng của bối cảnh hiện nay. PGS - TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh:
"Để triển khai hiệu quả những kết luận, quyết định quan trọng từ kỳ họp bất thường, sau khi các quyết định đã ban hành, chúng ta phải triển khai một cách hết sức quyết liệt để tinh thần của Quốc hội được truyền tải vào các hành động của Chính phủ. Nếu làm được như vậy thì những nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội mới có thể được lan tỏa vào trong đời sống xã hội".