Phạt nguội xe máy: Nên làm!
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nhấn mạnh người di chuyển bằng xe máy là đối tượng cần được quan tâm. Bởi lẽ, tỷ lệ người đi xe máy rất cao nhưng ý thức chấp hành giao thông của một bộ phận còn hạn chế.
Theo ông Công, trong các đô thị lớn tồn tại nhiều vi phạm phổ biến của người đi xe máy như vượt đèn đỏ, đi sai làn, leo lên vỉa hè… Đây đều là một trong nhiều nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và tai nạn.
Hầu hết ô tô không dám đi vào làn xe buýt BRT vì gần đó có camera phạt nguội, trong khi xe máy ngang nhiên vi phạm (Ảnh: Tiến Nguyên).
"Vì vậy, việc xử phạt các hành vi này là cách để chúng ta kiểm soát tình trạng ùn tắc, tai nạn. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh, việc xử phạt các chủ phương tiện vi phạm vẫn đang diễn ra hàng ngày, ở từng địa phương, không phải điều gì mới mẻ. Điểm mới là chúng ta ứng dụng khoa học công nghệ vào để tăng cường xử lý", ông Công nói.
Theo vị thượng tá, trước đây, cảnh sát giao thông (CSGT) thường có những chuyên đề kiểm tra, xử lý xe máy thường xuyên. Nhưng hiện nay, cùng với ứng dụng khoa học công nghệ, Bộ Công an cũng đã đầu tư rất nhiều hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống giám sát.
Ngoài hệ thống giám sát, lực lượng chức năng có thể xử lý vi phạm căn cứ vào những hình ảnh được người dân ghi lại bằng điện thoại, camera hành trình, hoặc thậm chí từ hình ảnh do chính người vi phạm đăng tải. Vụ người mẫu Ngọc Trinh "làm xiếc" trên mô tô là một ví dụ.
"Vì vậy, tôi nghĩ việc thu nhận dữ liệu và xử lý vi phạm với xe máy hoàn toàn làm được và có tính khả thi, kể cả xu thế và thực tế đều hợp lý", ông Công đánh giá.
Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhìn nhận các quy định hiện hành cũng không có vướng mắc gì đối với đề xuất trên. Quan trọng nhất, theo ông Công, việc xử phạt nguội xe máy phải trở thành chuyên đề, giống như việc xử lý nồng độ cồn, mũ bảo hiểm. Từ đó, người dân có ý thức tự giác chấp hành cao hơn, và cơ quan chức năng cũng được tạo điều kiện để làm việc, xử lý.
Nhấn mạnh mục tiêu của việc phạt nguội không phải là "đè người dân ra để phạt", ông Công cho biết chế tài này giúp nâng cao ý thức của người dân, điều chỉnh lại các hành vi tham gia giao thông cho phù hợp, đúng quy định.
Cần giải "bài toán" chính chủ
Đồng quan điểm với Thượng tá Phạm Việt Công, TS Phan Lê Bình cho rằng đề xuất phạt nguội đối với xe máy vi phạm là ý tưởng tốt và ai cũng mong muốn. Ở góc nhìn lý tưởng, đề xuất này nếu được triển khai có thể góp một phần nhỏ trong việc hạn chế xe cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Ông Bình phân tích sự tiện lợi của xe máy cũng dẫn tới tâm lý "tùy tiện" của người điều khiển. Tạt ngang tạt ngửa, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, dừng đỗ tùy tiện... trở thành những lỗi rất phổ biến. Do đó, một thành phố có thể có đến 5-6 triệu chiếc xe máy là điều tất yếu.
Dù mang mục đích tốt, TS Phan Lê Bình nhìn nhận việc phạt nguội xe máy khó khả thi trong thời điểm hiện tại. Khi không có gắn kết nào giữa xe máy vi phạm với chủ xe, người vi phạm hoàn toàn có thể chây ì 5-10 năm không nộp phạt.
Ông Bình nêu quan điểm muốn thực hiện được, các cơ quan liên quan cần kèm theo nhiều giải pháp tổng thể, trong đó có thay đổi căn bản về cơ chế pháp luật, cũng như công nghệ, kỹ thuật.
"Trước khi bàn đến chuyện phạt nguội, tôi nghĩ lực lượng CSGT cứ đẩy mạnh việc xử phạt với những hành vi vi phạm tràn lan như vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều… Xử lý trực tiếp và mạnh tay được những hành vi này cũng đã là tốt rồi, chứ còn chuyện phạt nguội xe máy với bối cảnh hiện nay ở Việt Nam thì vẫn hơi xa vời", ông Bình thẳng thắn.
Tâm lý "đối phó" với lực lượng chức năng trở lên phổ biến trong nhóm người đi xe máy (Ảnh minh họa: Trần Thanh).
Trong khi đó, liên quan quy trình phạt nguội, Thượng tá Phạm Việt Công cho biết cơ quan quản lý đang hướng tới đưa vào luật các quy định về kiểm soát khí thải xe máy, dẫn tới việc xe máy cũng phải đi đăng kiểm như ô tô. Việc này có thể làm song song cùng với đề xuất phạt nguội.
"Nhất là khi Bộ Công an cũng đang thực hiện giải pháp định danh biển số. Theo lộ trình, khi chúng ta đồng bộ các giải pháp này, rất phù hợp để triển khai phạt nguội với xe máy", ông Công nhận định.
Ngoài ra, ngay cả khi chưa có cơ chế "đăng kiểm cho xe máy", ông Công cho biết việc định vị các phương tiện vi phạm hiện nay cũng được thực hiện dễ dàng thông qua công nghệ giám sát. Vì vậy, ông khẳng định việc xử phạt nguội cho chủ xe máy vi phạm không hề khó khăn.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta cứ phải làm đi đã, rồi từ đó thấy các vướng mắc thực tế thì mới có giải pháp tháo gỡ, đừng chưa làm mà đã đặt ra những mục tiêu cao quá hay kỳ vọng phải đạt hiệu quả 100%", theo Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.