Nâng hạn mức chỉ định thầu tạo “thông thoáng”, thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh

Việc sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã thể hiện đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, khuyến khích đổi mới sáng tạo, giải phóng nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, bám sát thực tiễn, không cầu toàn, không nóng vội, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Một trong những sửa đổi quan trọng được doanh nghiệp quan tâm là nâng hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm.

Các trường hợp áp dụng và hạn mức chỉ định thầu theo Luật Đấu thầu năm 2023

Chỉ định thầu là một trong 09 hình thức lựa chọn nhà thầu[1]. Đây là thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản và thời gian thực hiện ngắn nên nhiều chủ đầu tư muốn sử dụng hình thức này để tiết kiệm thời gian và giảm thiểu rủi ro cho gói thầu và cho bản thân nhà thầu[2].

Chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây[3]:

(i) Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, sự cố, thảm họa hoặc sự kiện bất khả kháng khác.

(ii) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề.

(iii) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường.

(iv) Gói thầu cần thực hiện để bảo vệ bí mật nhà nước.

(v) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó hoặc từ hãng sản xuất, đại lý của hãng sản xuất do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền với các trang thiết bị, máy móc, phần mềm, dịch vụ sẵn có hoặc do các điều kiện bảo hành của nhà thầu, hãng sản xuất mà không thể mua được từ nhà thầu khác, hãng sản xuất khác.

(vi) Gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm, mua bản quyền sở hữu trí tuệ, mua bản quyền chương trình phát sóng; gói thầu vận chuyển hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ trong trường hợp phải giao hàng ngay.

(vii) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của phương án kiến trúc trúng tuyển khi tác giả đó có đủ điều kiện năng lực về xây dựng; gói thầu thi công xây dựng, phục chế tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình; gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập quy hoạch xây dựng được chỉ định cho tác giả của ý tưởng hoặc đồ án quy hoạch xây dựng đã trúng tuyển thông qua thi tuyển.

(viii) Gói thầu tư vấn, thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu tư vấn, rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công.

(ix) Gói thầu chỉ có duy nhất một nhà thầu thực hiện được trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ.

(x) Gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo nghị quyết của Quốc hội khi quyết định chủ trương đầu tư dự án.

(xi) Gói thầu thuê kho lưu giữ hàng tạm giữ; gói thầu thuê vận chuyển, bốc xếp hàng tạm giữ tại các cảng biển, địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung trong trường hợp chỉ có duy nhất một đơn vị cung cấp dịch vụ trong cảng; gói thầu nhập khẩu vũ khí thể thao phục vụ các câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo huấn luyện thể thao tập luyện, thi đấu hằng năm.

(xii) Gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, “đối với gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm chịu trách nhiệm quyết định việc mua sắm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, không phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật”[4].

Việc áp dụng chỉ định thầu cần lưu ý một số điểm như sau:

- Đối với gói thầu quy định tại các trường hợp (i), (ii), (iii), chủ đầu tư quyết định, chịu trách nhiệm việc chỉ định thầu theo quy trình rút gọn cho nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện ngay gói thầu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện gói thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu bao gồm các bước sau: chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu; hoàn thiện hợp đồng; trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.

- Việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu tại các trường hợp từ (iv) đến (xii) phải đáp ứng đủ 04 điều kiện: có quyết định đầu tư được phê duyệt đối với dự án (trừ gói thầu tư vấn phục vụ công tác chuẩn bị dự án); có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt; đã được bố trí vốn để thực hiện gói thầu; có dự toán được phê duyệt (trừ gói thầu thiết kế và cung cấp hàng hóa - EP; thiết kế và xây lắp - EC; thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp - EPC; gói thầu lập dự án, thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp - chìa khóa trao tay).

- Trường hợp gói thầu từ (i) đến (xii) đáp ứng đủ 04 điều kiện nêu trên nhưng vẫn có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác (đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp) thì khuyến khích quyết định áp dụng hình thức khác để lựa chọn nhà thầu.

Về hạn mức chỉ định thầu:

Trong các trường hợp áp dụng chỉ định thầu, điểm e khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định: “e) Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”. Bên cạnh đó, Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Nghị định số 63/2014/NĐ-CP) quy định về hạn mức chỉ định thầu như sau: “Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm: 1. Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; 2. Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên”.

Như vậy có thể thấy, về cơ bản, hạn mức chỉ định thầu theo Luật Đấu thầu năm 2023 cũng có các mức tương tự như Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (không quá 01 tỷ đồng, không quá 500 triệu đồng, đến 100 triệu đồng), mặc dù cũng có một số thay đổi nhất định về nội dung áp dụng. Về gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định, hạn mức áp dụng chỉ định thầu là không quá 100 triệu đồng. Theo Luật Đấu thầu năm 2023, một trong các trường hợp áp dụng chỉ định thầu là “gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng”; còn trường hợp chỉ định thầu “đối với gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng” thì “không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, không phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ”.

Bất cập khi áp dụng hạn mức chỉ định thầu chỉ “đến 100 triệu đồng”

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (dự án Luật) được đưa vào Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Ngày 06/11/2024, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật này.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh) phản ánh bất cập khi các hạng mục được ghi vốn từ kinh phí chi thường xuyên phải thực hiện đấu thầu[5]. Theo đó, các công việc mua sắm, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng các hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng sử dụng kinh phí chi thường xuyên có giá trị trên 100 triệu đồng thuộc loại sẽ phải đấu thầu (vì theo Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023, chỉ áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm khi có hạn mức “đến 100 triệu đồng”). Đại biểu cho rằng, đây là quy định đã có từ khá lâu, không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với sự trượt giá vật tư, nguyên liệu, chi phí nhân công. Chẳng hạn như, lợp lại mái nhà, trám tường nứt và sơn lại, thay gạch lót nền bong tróc có tổng giá trị trên 100 triệu đồng phải làm thủ tục đấu thầu. Không chỉ trong việc mua thiết bị hay xây lắp, thậm chí nếu tổ chức một hội thảo chuyên ngành kinh phí trên 100 triệu đồng cũng phải đấu thầu. Thậm chí, có những khoản mua sắm trên 100 triệu, hằng năm mua giống hệt nhau nhưng năm nào cũng phải đấu thầu lại, vừa không thực tế, mất thời gian, công sức mà kinh phí tăng thêm. Đại biểu còn tính toán, đối với gói thầu xây lắp, mua sắm thiết bị, dịch vụ phi tư vấn có giá trị trên 100 triệu đồng khi sử dụng phương thức chào hàng cạnh tranh cũng phải qua các bước lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, đăng tải hồ sơ mời thầu điện tử, tiếp đó là đánh giá, lựa chọn nhà thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và cả quy trình ấy mất ít nhất 31 ngày với 11 triệu đồng. Với gói thầu tư vấn phải tổ chức đấu thầu với phương thức một giai đoạn, hai túi hồ sơ thông thường phải mất ít nhất 48 ngày do phải thêm một số bước như đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính, thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật... Đại biểu nhấn mạnh, với những công việc đơn giản, chi phí không nhiều mà phải đấu thầu sẽ vừa gây tốn kém mà có thể còn phát sinh tiêu cực, thực hiện chỉ mang tính hình thức trong đấu thầu. Do đó, đại biểu đề nghị nâng định mức phải tổ chức đấu thầu với các công việc sử dụng chi thường xuyên.

Từ ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu trên cho thấy, việc quy định hạn mức chỉ định thầu thấp đối với những gói thầu mua sắm nhỏ, đơn giản gây ra những khó khăn, bất cập, tạo sự “gò bó”, thiếu “thông thoáng”, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, việc sửa đổi tăng hạn mức này là phù hợp và cần thiết.

Nâng hạn mức chỉ định thầu từ 100 triệu đồng lên 300 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm

Tại phiên họp chiều ngày 29/11/2024, báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 119 điều, khoản và 3 phụ lục của 4 luật; bổ sung 01 điều mới và bỏ 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý nâng hạn mức chỉ định thầu từ 100 triệu đồng lên 300 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm không hình thành dự án, đồng thời, không phân biệt hạn mức chỉ định thầu giữa các gói thầu sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên và vốn đầu tư công; bổ sung trường hợp chỉ định thầu đối với gói thầu khai quật khảo cổ, phục hồi di tích cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, bảo đảm linh hoạt trong điều hành, dự thảo Luật chỉnh lý Điều 29 Luật Đấu thầu năm 2023 theo hướng quy định nguyên tắc áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án đặc thù, không thể thực hiện qua đấu thầu thông thường, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 34a quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết, điều này nhằm bảo đảm linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, dự thảo Luật còn sửa đổi quy định bảo đảm cạnh tranh giữa nhà thầu tham dự thầu và nhà thầu tư vấn trong cùng gói thầu đối với các gói thầu thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ, công ty con; áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ cho các gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, công nghệ cao; cho phép cơ sở y tế công lập tự quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế và vaccine dịch vụ…[6].

Những sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nói chung, về hạn mức chỉ định thầu nói riêng là thực sự cần thiết nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có tính chất cấp bách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giải phóng và huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực đột phá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Với kết quả 444/446 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 92,69% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu với tỷ lệ tán thành cao. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2025, trừ một số trường hợp được quy định cụ thể tại Điều 5 của Luật này.


[1] Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Đấu thầu năm 2023, các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm: đấu thầu rộng rãi; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp; tự thực hiện; tham gia thực hiện của cộng đồng; đàm phán giá; lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

[2] Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/cong-dong-dan-luat/chi-dinh-thau-la-gi-khi-nao-thi-duoc-ap-dung-hinh-thuc-chi-dinh-thau-208806.aspx, truy cập ngày 30/11/2024.

[3] Theo khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023.

[4] Theo khoản 4 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023.

[5] Minh Minh, Đề xuất nâng định mức đấu thầu và mở rộng hình thức mua sắm công, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/de-xuat-nang-dinh-muc-dau-thau-va-mo-rong-hinh-thuc-mua-sam-cong-post357490.html#google_vignette, truy cập ngày 30/11/2024.

[6] Hoàng Giang, Nâng hạn mức chỉ định thầu từ 100 triệu lên 300 triệu đồng với gói thầu mua sắm, https://baochinhphu.vn/nang-han-muc-chi-dinh-thau-tu-100-trieu-len-300-trieu-dong-voi-goi-thau-mua-sam-102241129164328332.htm, truy cập ngày 30/11/2024.

Theo Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử Copy link

Bình luận bài viết

5.0 (0 đánh giá)
5
0
4
0
3
0
2
0
1
0
Chưa có file đính kèm
Đánh giá bài viết

Các bài viết khác

Bộ Tư pháp thông báo thu hồi gần 9.800 tỷ đồng từ án tham nhũng, kinh tế sau 6 tháng

Trong 6 tháng qua, kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt kết quả đáng khích lệ. Theo đó, cơ quan chức năng đã thi hành xong 2.061 việc với số tiền hơn 9.781 tỷ đồng.
03/04/2025

Thu hồi 11 thửa đất để làm đường tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên): Luật Đất đai quy định như thế nào?

Viện KH Chính sách & Pháp luật nhận được câu hỏi tư vấn pháp luật từ 11 hộ dân tại xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên về việc đất ở được giao từ năm 1976 tới nay, đã sinh sống ổn định và không có tranh chấp, hiện tại dự án làm đường mở rộng yêu cầu thu hồi đất và không có phương án đền bù. Pháp luật quy định thế nào về trường hợp này?
01/04/2025

Hoãn tòa, tạo điều kiện cho ông Trịnh Văn Quyết khắc phục hậu quả

Sau thời gian hội ý, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Trịnh Văn Quyết và 24 bị cáo khác.
25/03/2025

Sắp xử vụ kiện trường ĐH đòi 36 tỷ đồng do bị giữ bằng cử nhân 30 năm

Vụ ông Dương Thế Hảo (66 tuổi) khởi kiện đòi Trường Đại học Kinh tế quốc dân bồi thường 36 tỷ đồng do giữ bằng cử nhân và nhiều giấy tờ gốc suốt 30 năm sẽ được tòa án xét xử vào ngày 9/4 tới.
24/03/2025

Cựu Chủ tịch tỉnh An Giang nhận tiền tỷ, tiếp tay khai thác cát lậu

“Bảo kê” cho Công ty Trung Hậu khai thác cát trái phép, cựu Chủ tịch và Phó chủ tịch tỉnh An Giang đã nhận tiền cám ơn từ công ty này hàng tỷ đồng.
24/03/2025

Hậu 'Pháo' chi 132 tỷ đồng cho những ai trong đại án Phúc Sơn?

Ông chủ Tập đoàn Phúc Sơn đã chi 132 tỷ đồng cho nhiều quan chức để được nhận dự án ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi rồi thực hiện chuỗi sai phạm nhằm hưởng lợi hơn 963 tỷ.
20/03/2025

Sai phạm trong dự án ở Đền Hùng khiến hai cựu Bí thư Phú Thọ vướng lao lý

Hai cựu Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh bị cáo buộc 17 năm trước đã tạo điều kiện cho Hậu "Pháo" trúng thầu dự án ở Đền Hùng rồi bán lại, hưởng lợi 55 tỷ đồng.
19/03/2025

Cơ quan chức năng có thể khởi tố hình sự vụ án khi không có yêu cầu từ bị hại hay không?

Theo điều 155, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, có 9 trường hợp chỉ khởi tố khi có yêu cầu của bị hại. Ngoài ra, các trường hợp khác, cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể khởi tố hình sự vụ án nếu đủ căn cứ.
13/03/2025

‘Sa mạc’ giấy phép và lời than ‘làm kinh doanh không còn thấy niềm vui’

Một nữ doanh nhân gần đây liên hệ với tôi than phiền việc kinh doanh của chị đang gặp vô vàn khó khăn, phần vì các đơn hàng suy giảm, phần vì thêm nhiều thủ tục hành chính, rào cản về thuế, các quy chuẩn mới rất khó vượt qua.
12/03/2025

Thông tư 29 về dạy thêm có hiệu lực: 'Tiết học 0 đồng' được khởi động

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, nhất là kỳ thi vào lớp 10, tốt nghiệp THPT đã cận kề, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã triển khai việc ôn tập cho học sinh cuối cấp miễn phí sau khi Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có hiệu lực.
12/03/2025

Viện KH-CS&PL công bố các quyết định về công tác nhân sự

Chiều 7/3, tại Hà Nội, Viện Khoa học Chính sách và Pháp luật tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ. Đồng chí Doãn Hồng Dương - Phó Viện trưởng, Tổng phụ trách Đặc san KH Chính sách Pháp luật dự và chủ trì buổi lễ.
11/03/2025

Viện KH-CS&PL ra mắt quỹ "Vì ngày mai tươi sáng"

Ngày 7/3/2025, Đặc san Khoa học Chính sách Pháp Luật (Viện Khoa học Chính sách và Pháp luật) tổ chức buổi lễ giới thiệu và ra mắt quỹ "Vì ngày mai tươi sáng", đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình phát triển của đặc san nói riêng và Viện nói chung.
07/03/2025