Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam hiện được coi là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất toàn cầu và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Năm 2023, tổng doanh thu từ giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử đã đăng ký tại Việt Nam đạt khoảng 498.900 tỷ đồng. Nhưng với sự tăng trưởng "chóng mặt" này, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Khi tham gia các hoạt động nêu trên, tổ chức, cá nhân thường mua hàng qua hệ thống giao dịch điện tử, hoạt động vận chuyển được thực hiện bởi các công ty chuyển phát nhanh. Tùy từng trường hợp, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử gửi về Việt Nam được thực hiện thủ tục hải quan theo các loại hình khác nhau của cơ quan hải quan. Chính sự thông thoáng về chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa, hành lý đã bị nhiều đối tượng lợi dụng để vi phạm pháp luật.
Mặt khác, thương mại điện tử đang góp phần giúp các mục tiêu kinh tế số của Chính phủ đạt những bước tiến xa hơn, giúp doanh nghiệp Việt gia tăng phạm vi tiếp cận thị trường quốc tế, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới; người tiêu dùng trong nước cũng được tiếp cận nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú hơn từ thị trường nước ngoài.
Sự tăng trưởng rất nhanh của thương mại điện tử tại Việt Nam đã đặt ra yêu cầu làm sao phải có một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ thông suốt để vừa bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như các nhà cung cấp, các bên tham gia, đồng thời phải bảo đảm công tác quản lý nhà nước, vì vậy, ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025.
Sau hơn 4 năm ban hành Quyết định số 645, đây là thời điểm Tổng cục Hải quan cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo chính sách về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử để tham mưu Chính phủ ban hành.
Trong đó, cần thể hiện rõ nét mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, xây dựng thị trường này lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý về chính sách thương mại điện tử, chính sách mặt hàng, thanh toán đối với giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển, bảo đảm sự vận hành thông suốt giữa người mua, sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà sản xuất, đơn vị vận chuyển nhưng vẫn bảo đảm được việc quản lý của các cơ quan nhà nước.
Vấn đề trọng tâm nữa là xây dựng một hệ thống kiểm soát giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu trên nền tảng cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro đối với các đối tượng có tham gia hoạt động giao dịch thương mại điện tử.