Các giao dịch điện tử được trao đổi, thỏa thuận qua zalo, facebook... vẫn có hiệu lực pháp luật nhưng cần đảm bảo các quy định về nội dung, hình thức.
LTS: TAND tỉnh Hưng Yên vừa giải quyết vụ án kinh doanh thương mại trong đó các bên nguyên đơn và bị đơn có thỏa thuận, giao dịch qua các tin nhắn zalo. Điều này khiến nhiều người băn khoăn về hiệu lực pháp luật của các thỏa thuận qua zalo, facebook... trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển.
PLO xin giới thiệu góc nhìn của luật sư Nguyễn Văn Thái (Đoàn luật sư Hà Nội) về vấn đề này.
***
Việc thống nhất các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại trên các nền tảng mạng xã hội là xu hướng của xã hội phát triển.
Việc này đã và đang diễn ra và cũng có những tranh chấp phát sinh từ các giao dịch trên các nền tảng điện tử như zalo, email... được các cơ quan chức năng giải quyết như các vụ lừa đảo qua mạng xã hội, các trường hợp vay tiền bạn bè qua tin nhắn zalo, facebook, khi phát sinh tranh chấp phải kiện tới toà án...
Giao dịch trên các nền tảng điện tử như zalo, email... vẫn có giá trị
Theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thì các giao dịch trên các nền tảng điện tử như zalo, email... vẫn có giá trị pháp lý và pháp luật vẫn bảo vệ quyền lợi của các bên. Do đó, các giao dịch thông thường không đòi hỏi về điều kiện đặc biệt, nếu được thỏa thuận trên môi trường số thì vẫn có hiệu lực và được pháp luật bảo hộ.
Luật Giao dịch điện tử vừa có hiệu lực ngày 1-7 dành riêng một chương quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Theo đó, Điều 35 quy định giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử.
Điều 36 quy định nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận sử dụng thông điệp dữ liệu, phương tiện điện tử một phần hoặc toàn bộ trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.
Theo Điều 39, trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng văn bản giấy.
Những giao dịch yêu cầu về hình thức vẫn cần tuân thủ
Tuy nhiên, cần lưu ý, những giao dịch thuộc các lĩnh vực yêu cầu đáp ứng về mặt hình thức phải lập thành văn bản, công chứng, đăng ký... thì vẫn phải tuân thủ để đảm bảo về hiệu lực.
Những giao dịch như chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giao dịch pháp luật yêu cầu phải lập thành văn bản, công chứng và đăng ký, thì các bên phải tuân thủ. Nếu không đáp ứng các điều kiện này, giao dịch vẫn có thể bị toà án tuyên là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về mặt hình thức.
Bên cạnh đó, cũng như các giao dịch truyền thống, các giao dịch qua phương tiện điện tử phải đảm bảo các quy định như phù hợp với pháp luật nội dung, các bên tham gia phải đảm bảo về năng lực pháp luật, tự nguyện tham gia giao kết, các bên bình đẳng, không bị lừa dối, ép buộc tham gia giao kết...
Về cơ bản, giao dịch qua phương tiện điện tử chỉ khác giao dịch truyền thống là các bên xác nhận đồng ý nội dung giao kết, các điều khoản liên quan thông qua phương tiện điện tử, thay vì ký tươi, xác nhận trực tiếp lên văn bản vật lý.
Nếu các giao dịch trên môi trường điện tử không đảm bảo các quy định của pháp luật, các điều kiện cơ bản của giao dịch, thì vẫn bị tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.
Dù giao kết trên môi trường điện tử thì vẫn cần có đầy đủ nội dung của hợp đồng, thoả thuận như giao dịch bằng giấy thông thường, tức vẫn cần soạn file Word, PDF hoặc hình thức tương tự để xác lập và các bên xác nhận chấp thuận các điều khoản giao kết cụ thể.
Lưu ý, cần lựa chọn giao kết thông qua phương tiện điện tử mà một hoặc các bên không thể thu hồi, xoá, thay đổi lịch sử giao kết (như xoá, thu hồi lịch sử trao đổi), để khi phát sinh tranh chấp vẫn có thể trích xuất nội dung (lập Vi bằng) để bảo vệ quyền lợi của mình.
Vô hiệu do nội dung tin nhắn, bản chất của giao dịch
Trong các năm 2017-2019, Công ty Tuệ Minh thỏa thuận sẽ chuyển nhượng cho Công ty Thiên Ngọc An, Công ty Nijia 13.000 m2 đất trong dự án Nhà máy sản xuất nhựa Plastic.
Sau đó, các bên không tiến hành chuyển nhượng được do Dự án được cấp đất theo hình thức trả tiền hằng năm. Thay vào đó, các bên thống nhất trên nhóm chat Zalo, Công ty Tuệ Minh sẽ nhận lại 13.000 m2 với giá 2,5 triệu đồng/m2.
Nhưng Công ty Tuệ Minh chỉ trả một phần rồi không trả nốt mà khởi kiện đề nghị tòa án tuyên Biên bản thỏa thuận 3 bên và trên hội nhóm zalo là vô hiệu.
Phía Công ty Thiên Ngọc An, Công ty Nijia yêu cầu tòa án công nhận Biên bản thỏa thuận 3 bên và thỏa thuận trên hội nhóm zalo có hiệu lực pháp luật, buộc Công ty Tuệ Minh phải trả theo đúng thỏa thuận trên hội nhóm zalo.
Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều xác định Biên bản thỏa thuận 3 bên và các tin nhắn trên hội nhóm zalo vô hiệu, buộc Công ty Tuệ Minh trả lại cho 2 bị đơn số tiền đã nhận.
Cụ thể, bản án sơ thẩm xác định thỏa thuận giữa ba công ty và việc chuyển tiền là có thật nhưng vô hiệu vì đây là đất thuê trả tiền hàng năm, không phải đất của Công ty Tuệ Minh, không được chuyển nhượng.
Các tin nhắn trên Zalo thể hiện ông Chiến, đại diện Công ty Tuệ Minh, xin mua lại đất với giá 2,5 triệu/m2. Nhưng ngoài các tin nhắn này không có văn bản nào xác nhận 13.000 m2 thuộc sở hữu Công ty Thiên Ngọc An hoặc Nijia. Thêm nữa, thỏa thuận trên Zalo không thể hiện vị trí, diện tích đất nên tòa cũng tuyên vô hiệu.
|