Giả shipper 'gửi hàng ở chỗ cũ' để lừa người mua chuyển khoản

Sau khi chuyển khoản thanh toán tiền mua hàng cho "shipper rởm", chị Hoa tiếp tục bị chúng "dàn trận dụ dỗ", thao túng tâm lý để rồi bị rút mất gần 100 triệu đồng trong thẻ tín dụng.

Hơn bốn tháng qua, mỗi khi nghĩ đến câu chuyện của mình, chị Hoa, trú tại Hà Nội, luôn bắt đầu bằng câu "không thể tưởng tượng nổi, khó tin nhưng có thật". "Dù rất cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo qua mạng thiên biến vạn hóa nhiều năm nay nhưng tôi vẫn bị chúng dẫn dụ, đánh đúng vào tính thương người", chị nói.

Một ngày đầu tháng 6, chị Hoa đang làm việc ở cơ quan thì nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ báo giao đơn hàng 267.000 đồng. Trùng hợp cách đó vài ngày chị có đặt món đồ trên một sàn thương mại điện tử cũng đơn giá 267.000 đồng nên nghĩ đây là "shipper thật".

Như mọi khi, chị dặn nhân viên giao hàng gửi đồ chỗ lễ tân của toà nhà rồi nhắn số tài khoản để chuyển tiền. Với đơn hàng này, nửa tiếng sau khi chuyển tiền, chị thấy shipper nhắn tin: "Chị ơi chết em rồi bạn em gửi nhầm số tài khoản đăng ký hội viên nên chị rảnh vào Facebook hủy giúp em được không. Nếu không mỗi tháng em bị trừ 3,5 triệu đồng, trong vòng 3 năm. Em xin lỗi chị vì sơ suất của em".

Ngay sau đó, người này gọi điện thoại trình bày nhưng chị Hoa từ chối làm theo đề nghị với lý do đây là lỗi của bên giao hàng, không muốn bị làm phiền. "Thế nhưng người kia than khóc, nói nếu tôi không giúp bạn ý sẽ mất cả tháng lương. Một lúc sau, có một người khác gọi đến nói là bạn của shipper kia và xin lỗi vì nhắn sai số tài khoản. Cả hai người đều nhận là sinh viên, nói bằng giọng rất đáng thương nên tôi đồng ý hỗ trợ", chị Hoa kể với VnExpress.

Tin nhắn của kẻ giả danh nhân viên giao hàng tiết kiệm gửi tới chị Hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tin nhắn của kẻ giả danh nhân viên giao hàng tiết kiệm gửi tới chị Hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Người giao hàng" sau đó gửi chị một đường link để truy cập, liên hệ với tổng đài hủy giao dịch, nhận lại tiền. Truy cập đường link, chị Hoa thấy hiện lên đoạn chat trên Facebook có tên Giaohangtietkiem nên nhắn tin nhờ hướng dẫn hủy giúp giao dịch.

Câu chuyện từ đây bắt đầu đưa đẩy "lắt léo". Người đầu tiên sau một hồi gọi điện hướng dẫn không thể hủy được giao dịch nên giới thiệu "trưởng nhóm ra tay". Khi làm theo các hướng dẫn của "trưởng nhóm" này thì tài khoản ngân hàng bị treo do chưa đăng ký sinh trắc học.

Nhóm này đề nghị chị lấy tài khoản ngân hàng khác để hướng dẫn cách hủy đăng ký thành viên cho chị nhận lại 267.000 đồng. Lúc này thấy mất thời gian nên Hoa bảo chúng tự hủy giúp và sẽ không lấy lại khoản tiền đó. Thế nhưng, chúng lại nói chị không hủy thì "cậu sinh viên nghèo giao hàng sẽ bị trừ 3,5 triệu đồng mỗi tháng".

Chị Hoa kể thấy thương nên nói có thẻ visa của Sacombank, "trả qua đây được không". Cuộc gọi video qua Facebook vẫn diễn ra nhưng đầu dây bên kia tắt camera. Theo hướng dẫn, chị Hoa chụp ảnh hai mặt thẻ visa gửi đi để thực hiện các thao tác.

Lúc đó, ở phía bên kia có các tiếng động như kiểu đang giao dịch ở ngân hàng nên khiến chị phân tâm. Vài phút sau, điện thoại hiện lên tin nhắn có mã OTP nên chị ngớ người, vội ngắt cuộc gọi. Cùng lúc, chị nhận được thông báo đã rút ba lần tiền qua thẻ visa, tổng gần 100 triệu đồng.

Chị Hoa gọi lại, kẻ lừa đảo vẫn nghe máy và đáp "rút tạm để làm thủ tục, lát sẽ chuyển trả lại". "Tôi chợt tỉnh ngộ, biết đã bị lừa nên gọi điện tới ngân hàng nhờ khóa thẻ", chị kể.

Nhóm lừa đảo dù lấy được tiền song vẫn không dừng lại. Chiều hôm sau chúng tiếp tục gọi lại bảo thao tác thêm bên tài khoản ngân hàng để lấy lại tiền nhưng chị Hoa đã từ chối.

"Sau sự việc này, tôi hy vọng mọi người sẽ cảnh giác hơn trước các chiêu trò đánh vào tâm lý thương người. Tôi khuyên không làm theo lời người lạ để rồi như tôi", chị Hoa nói.

Trao đổi của kẻ gian với Thanh Quỳnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trao đổi của kẻ gian với Thanh Quỳnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Giả danh shipper lừa đảo" là cụm từ được truyền tai nhau nhiều thời gian gần đây. "Con mồi" mà chúng hướng đến là những người hay mua hàng online song lại không có thời gian nhận, kiểm tra hàng trực tiếp.

Chị Thanh Quỳnh, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, vào chiều 9/10 nhận được cuộc gọi từ số máy lạ xưng là nhân viên giao hàng. Đơn của chị là một chiếc thắt lưng giá 133.000 đồng.

Rất cảnh giác bởi nghe kể về nhiều trường hợp bị lừa đảo bởi nhân viên giao hàng rởm song lần hàng và giá trị tiền đúng với đơn chị vừa đặt trên ứng dụng mua sắm trực tuyến cách đây 5 ngày, chị Quỳnh tin ngay.

Như thường lệ, Quỳnh bảo gửi hàng ở lễ tân sảnh tòa nhà giúp và chuyển khoản sau. Chị vừa chuyển tiền thành công được chừng 30 phút, đầu dây bên kia gọi lại giọng hốt hoảng: "Chị ơi, đầu tiên cho em xin lỗi chị ạ, em nhắn nhầm số tài khoản nhận tiền, cái này là lỗi của em. Chị bớt chút thời gian nhắn cho bên chăm sóc khách hàng để được hoàn tiền lại chị nhé. Chị mà không giúp đỡ em sẽ bị mất hết KPI tháng này ạ".

Thương "cậu nhân viên giao hàng", Quỳnh nhận lời giúp đỡ, bảo tối liên lạc lại. Tối cùng ngày, chị do bận chưa xuống lễ tân lấy hàng. Đúng hẹn, số máy của người giao hàng gọi lại rồi nhắn tin gửi cho Quỳnh một đường link. Anh ta hướng dẫn chị truy cập và nhắn tin xin hủy thẻ hội viên, nhận lại tiền.

Làm theo hướng dẫn, chị truy cập vào một Fanpage trên Facebook có tên Giaohangtietkiem. Thấy nghi ngờ bởi Page vừa lập, không có bài viết song Quỳnh vẫn nhắn tin theo đề nghị.

Lập tức, chủ tài khoản gọi video call nói chị đã có thẻ hội viên với chi phí duy trì là 3,5 triệu đồng một tháng, 42 triệu đồng một năm. "Họ nói với giọng điệu năn nỉ, xin tôi chuyển 3,5 triệu đồng để hủy giúp thẻ hội viên. Đến lúc này tôi tỉnh ra vì thấy kịch bản giống như chiêu lừa mình đã biết", Quỳnh kể.

Thế nhưng kẻ lừa đảo không dừng lại, đe dọa sẽ đưa hồ sơ của Quỳnh lên hệ thống để truy soát để trừ tiền trong các tài khoản ngân hàng của chị. Chúng còn dọa, nếu không có tiền trong tài khoản để hệ thống trừ thì hồ sơ sẽ chuyển qua Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia (CIC) và chị thành người có nợ xấu. Sau một hồi "đuổi cùng giết tận" vẫn không lừa được, chúng đe dọa sẽ để "tổ chức xử đẹp" chị.

Theo tìm hiểu của VnExpress, nhóm giả danh nhân viên giao hàng thường sẽ có chung một kịch bản, lừa tiền theo từng cấp độ. Đầu tiên, chúng gọi điện báo "con mồi" có đơn hàng đang giao đến, với giá xxx đồng và nói: "Anh/chị có nhận được không. Em vẫn gửi ở chỗ mọi lần rồi anh/chị chuyển khoản cho em nhé ạ". Một điểm rất đặc biệt là chúng thường đọc đúng giá trị đơn hàng mà khách vừa đặt mua qua một sàn thương mại điện tử đang phổ biến hiện nay.

Nếu khách trả lời sẽ trực tiếp xuống nhận, chúng sẽ ngắt liên lạc. "Tôi xuống sảnh chờ hàng tại vị trí đã hẹn nhưng nhìn quanh 10 phút mà không thấy ai, gọi lại cả chục cuộc cũng không thấy bắt máy", một phụ nữ tới 4 lần "xuống nhận hàng" kiểu này trong một tháng cho hay.

Nếu khách chuyển khoản, sau khi nhận được khoản tiền lừa đảo đầu tiên, chúng bắt đầu bước thứ hai. Đó là nhắn tin, gọi điện đến khóc, xin lỗi vì đã nhắn nhầm số tài khoản và thông báo người chuyển tiền đã vô tình nộp lệ phí trở thành hội viên... Lúc này sẽ có ít nhất 4 người khác nhau cùng phối hợp để tạo thành hai nhóm, lấy sự tin tưởng của con mồi. Một người sẽ là nhân viên giao hàng với giọng điệu đáng thương, năn nỉ "con mồi" hỗ trợ. Một người trong vai chuyên viên công ty để hướng dẫn cách hủy giao dịch. Vai trò của người này khá quan trọng khi dẫn dắt mọi người tin và làm theo các thao tác...

Mới đây, Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội, bắt giữ Phan Văn Tùng với cáo buộc giả danh nhân viên giao hàng gọi cho khách hàng lừa chuyển khoản, chiếm đoạt 130 triệu đồng của hàng trăm người trong nhiều tháng. Tùng khai từng là nhân viên giao hàng của một công ty ở Hà Nội, biết nhiều khách mua hàng online nhưng không có thời gian nhận hàng trực tiếp, mà đề nghị shipper gửi hàng ở chỗ quen rồi chuyển khoản thanh toán.

Nhận thấy kẽ hở này, Tùng dùng sim rác gọi cho "con mồi" thông báo "là nhân viên giao hàng của Viettel, anh/chị có đơn hàng". Nếu khách bảo không nhận được Tùng liền gợi ý "gửi hàng ở chỗ cũ" và đề nghị chuyển khoản thanh toán. Lừa được tiền xong, Tùng chặn liên lạc.

Trước thực trạng trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của công an nhiều tỉnh, thành liên tiếp phát các cảnh báo để người dân tránh mắc bẫy. Công an nhận định đây là thủ đoạn mới, tội phạm theo dõi các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok để xác định khách hàng có đặt mua sản phẩm.

Chúng sau đó lấy thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận, tin nhắn công khai để thu thập thông tin người mua hàng. Có "data" trong tay, nhóm kẻ xấu gọi điện thoại xưng là nhân viên giao hàng để lừa đảo.

Kẻ xấu sẽ thường chọn thời điểm giờ hành chính, khách hàng không ở nhà để gọi điện. Nếu khách bảo không có nhà, chúng sẽ nói để hàng ở sảnh, trong sân hoặc gửi nhà người quen để yêu cầu thanh toán đơn hàng. Để tránh bị phát hiện, chúng sẽ liên tục gọi điện thúc ép khách chuyển tiền thanh toán. Nhận được tiền với các đơn hàng "ảo" giá trị cao, nhóm lừa đảo sẽ chặn số, cắt liên lạc với nạn nhân.

Còn nếu số tiền thấp, chúng sẽ gửi tin nhắn chứa đường link dẫn đến trang web giả mạo của đơn vị giao hàng để yêu cầu nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng và nhập mã OTP...

Công an khuyến cáo người dân cần chú ý trước chiêu trò lừa đảo này. Trước khi chuyển khoản thanh toán đơn hàng cần kiểm tra kỹ thông tin của người gọi điện và xác nhận lại với đơn vị bán hàng hoặc dịch vụ giao hàng chính thức.

Ngoài ra, người dân cần bảo mật thông tin, hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội hoặc trong các buổi livestream. Mọi người nên dùng các kênh tin nhắn riêng tư hoặc hệ thống bảo mật để trao đổi nội dung đặt hàng với các đơn vị bán hàng.

* Tên nạn nhân đã thay đổi

Theo Vnexpress Copy link

Bình luận bài viết

5.0 (0 đánh giá)
5
0
4
0
3
0
2
0
1
0
Chưa có file đính kèm
Đánh giá bài viết

Các bài viết khác

Yêu cầu chống thất thu từ chuyển nhượng bất động sản hai giá

Thủ tướng yêu cầu cơ quan thuế đẩy mạnh chống thất thu từ chuyển nhượng bất động sản hai giá để có nguồn lực cho đầu tư phát triển.
02/12/2024

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025 để bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
30/11/2024

Hà Nội dự kiến cấp thẻ hành nghề cho xe ôm

Người hành nghề chở khách hay hàng hóa bằng môtô, xe gắn máy, xe thô sơ sẽ phải đăng ký với phường, xã để được cấp thẻ hoạt động.
30/11/2024

Đề nghị điều chỉnh chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Cử tri đề nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
29/11/2024

Thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục ở Việt Nam và giải pháp phòng, chống

Theo số liệu thống kê của Chính phủ tại Báo cáo về thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ngày 14/5/2020, số lượng trẻ em trên toàn quốc là 24.776.773
24/11/2024

CSGT sẽ kiểm tra lý thuyết, thực hành với tài xế bị trừ hết điểm bằng lái

Bộ Công an giao lực lượng cảnh sát giao thông chủ trì tổ chức kiểm tra kiến thức để phục hồi điểm giấy phép lái xe cho tài xế đã bị trừ hết điểm.
23/11/2024

Sẽ tự động hoàn thuế thu nhập cá nhân từ năm 2025

Ứng dụng kê khai thuế điện tử đang được nâng cấp, dự kiến tự động hỗ trợ khâu quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm sau.
22/11/2024

Thay đổi lương hưu từ năm 2025 người lao động cần biết

Chính sách lương hưu từ năm 2025 có nhiều thay đổi so với Luật BHXH hiện hành và người lao động cần nắm rõ.
20/11/2024

Doanh nghiệp vẫn chưa biết sợ khi mua hoá đơn khống

Không ít chủ doanh nghiệp phải trả giá bằng rất nhiều tiền để xử lý hóa đơn bất hợp pháp đã sử dụng trong quá trình hạch toán. Có kế toán dính vòng lao lý khi xử lý hóa đơn cho doanh nghiệp.
20/11/2024

Sàn thương mại điện tử có thể phải nộp thuế thay người bán từ đầu 2025

Từ 1/1/2025, các sàn thương mại điện tử, nền tảng số dự kiến phải khai, nộp thuế thay người bán trên các nền tảng này, theo dự thảo sửa đổi một số điều Luật Quản lý thuế.
19/11/2024

Giáo viên mong được hợp pháp dạy thêm tại nhà

Hơn 63% trong số 12.500 giáo viên muốn được hợp pháp dạy thêm tại nhà và dạy thêm online để tăng thu nhập chính đáng, theo khảo sát của Đại học Quốc gia TP HCM.
19/11/2024

Quốc hội chốt chưa tăng lương hưu, lương công chức năm 2025

Năm 2025 chưa tăng lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, song việc này sẽ được cân nhắc nếu tình hình kinh tế xã hội năm sau thuận lợi.
13/11/2024