Để chuyển tiền từ nước ngoài và nhận về Việt Nam hơn 106.000 tỉ đồng cho bà Trương Mỹ Lan, cơ quan điều tra xác định có 23 công ty trong nước và nước ngoài.
Giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao truy tố bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 33 bị can với các tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới".
Ở hành vi: "Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới", cơ quan công tố cáo buộc, từ ngày 27.10.2012 đến ngày 7.10.2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp; Tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và Công ty ở nước ngoài;
Thông qua các hợp đồng này thực hiện chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam và chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài, tổng số hơn hơn 4,5 tỉ USD, tương đương hơn 106.000 tỉ đồng. Trong đó, số tiền chuyển đi là hơn 1,5 tỉ USD (tương đương hơn 35.000 tỉ đồng), nhận về hơn 3 tỉ USD (tương đương hơn 71.000 tỉ đồng).
Bà Trương Mỹ Lan khai, thông qua các hợp đồng “khống” tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB.
Theo cơ quan công tố, kết quả điều tra xác định từ năm 2012, các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát đã sử dụng 23 công ty, để thực hiện việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Trong số đó, có 21 công ty đã thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định pháp luật với tổng số tiền hơn 4,5 tỉ USD.
Cơ quan công tố làm rõ trong số 23 công ty, có 12 doanh nghiệp được thành lập ở trong nước gồm: Công ty CP Đầu tư Golden Hill; Công ty CP Blue Pearl; Công ty TNHH MTV Đầu tư VinaLand Việt; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Eastern View;
Công ty TNHH Capitaland Tower; Công ty CP Đầu tư Trade Wind; Công ty Đầu tư và Môi giới bất động sản Eland; Công ty Thương mại và Xây dựng Thành Hiếu; Công ty CP Phát triển Đông Sài Gòn; Công ty CP Sài Gòn Helios; Công ty An Đông và Công ty SPG.
Và nhóm 11 công ty thành lập ở nước ngoài, trong đó có 10 công ty được thành lập và hoạt động tại Quần đảo Virgin, Vương quốc Anh gồm:
Công ty Galaxy Capital Invesment Development Công ty Noble Capital Group Limited; Công ty Glory Capital Investment Limited; Công ty Day Glory Development Limited; Công ty Vinaland Investments Limited; Công ty Leader Vision Capital Invesment Limited;
Công ty Golden Hill Investment Company Limited; Công ty City Charm Investment Company Limited; Công ty Prominent Group Limited; Công ty Starlight Development Limited;
Và Công ty Dragon Fund Investment Limited hoạt động tại Quần đảo Cayman.
Ngoài các công ty trên, Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo tổ chức, thành lập hàng trăm công ty “ma” không có hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho hoạt động tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như vay tín dụng, phát hành trái phiếu, chuyển nhượng cổ phần...
Trong vụ án, cơ quan công tố xác định hai bị can người nước ngoài gồm Chen Yi Chung - cựu quyền Tổng Giám đốc SCB đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với tổng số hơn 708 triệu USD (tương đương hơn 16.000 tỉ đồng);
Bị can Chiu Bing Keung Kenneth - luật sư, được giao quản lý các công ty nước ngoài, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới tổng cộng gần 1,4 tỉ USD (tương đương hơn 34.000 tỉ đồng).
“Hành vi của Chen Yi Chung và Chiu Bing Keung Kenneth phạm vào tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, cáo trạng cáo buộc. Song hai bị can này đã xuất cảnh, không rõ đang ở đâu. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự với hai bị can và tạm đình chỉ điều tra với họ.