Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi có nhiều điểm mới liên quan đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), mức hưởng trợ cấp thất nghiệp và quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên...
Mở rộng đối tượng tham gia hiểm thất nghiệp
Trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHTN để phù hợp hơn với thực tế.
Cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng tham gia BHTN gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên.
Người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu vùng cao nhất do Chính phủ công bố.
Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Như vậy, việc bổ sung nhóm đối tượng có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng được tham gia BHTN là điều rất cần thiết, vì nhóm này có nguy cơ mất việc làm cao, cần được hưởng một số chính sách hỗ trợ của BHTN khi mất việc.
Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp giúp người lao động giảm bớt khó khăn khi chưa tìm được việc làm mới. Ảnh minh hoạ: Hoàng Minh
Dự thảo Luật cũng quy định nhóm đối tượng không phải tham gia BHTN gồm: Người lao động đang làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ; người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu; người lao động là người giúp việc gia đình.
Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi quy định mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hằng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi lao động thôi việc, tối đa không quá 5 lần lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp.
Góp ý cho dự thảo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% bình quân tiền lương tính đóng BHTN trước khi nghỉ việc. Bởi vì phần lớn doanh nghiệp đóng cho lao động theo mức lương tối thiểu vùng nên tiền hưởng rất thấp.
Với mức lương bình quân đóng BHTN khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022-2023, tiền trợ cấp thất nghiệp cho người lao động là 3,3 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, theo thống kê của Công đoàn, chi tiêu bình quân của gia đình lao động vào giữa năm 2023 vào khoảng 11,7 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp như trên chưa đáp ứng 30% chi phí sinh hoạt thực tế của gia đình lao động.
Dù trên đây mới chỉ là ý kiến đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhưng đã nhanh chóng được người lao động, đặc biệt là những người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp quan tâm, ủng hộ.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị sửa đổi thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng không quy định cứng tối đa 12 tháng mà hưởng tương ứng với thời gian đóng. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho người lao động nhiều năm đóng BHTN được hỗ trợ kinh phí duy trì cuộc sống, việc làm.
Có nên quản lý giờ làm thêm của sinh viên?
Các vấn đề liên quan đến quản lý việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên cũng được đề cập trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi.
Cụ thể, Điều 30 của dự thảo Luật quy định: Học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.
Về vấn đề này, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị ban soạn thảo xem xét lại việc khống chế thời gian làm việc không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học, hoặc không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ đối với học sinh, sinh viên.
Bởi vì đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nội dung trên không phù hợp với Bộ luật Lao động, gây khó khăn cho sinh viên xa nhà, gia đình có thu nhập thấp, ảnh hưởng đến trang trải sinh hoạt và học tập.
Đồng thời đề xuất, cần giới hạn sàn tối thiểu về mức lương, không thấp hơn lương tối thiểu giờ, tránh người sử dụng lao động trả lương quá thấp.