Nhiều người băn khoăn khi bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tạm giữ giấy phép trên ứng dụng VNeID có được sử dụng bản cứng để tiếp tục tham gia giao thông.
Thông tư 28/2024/TT-BCA quy định, từ ngày 1.7.2024, lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các loại giấy tờ như bằng lái xe, giấy đăng ký xe... thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản VNeID.
Việc tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID… Khi tạm giữ giấy tờ, cảnh sát giao thông thực hiện tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử; Cập nhật về việc này trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính; Đồng bộ vào VNeID để người vi phạm, chủ phương tiện biết, chấp hành quy định về trật tự, an toàn giao thông, phục vụ việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Trong đó, các loại biên bản, quyết định về việc tạm giữ, trả lại giấy tờ sẽ được lập, gửi bằng phương thức điện tử trên VNeID, ứng dụng, hệ thống thông tin điện tử khác khi đủ điều kiện kỹ thuật thực hiện.
Sau một tuần thực hiện (từ ngày 1.7 đến 7.7), lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm soát 26.961 trường hợp thông qua ứng dụng VNeID, lập biên bản đối với 6.892 tài xế vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tạm giữ gần 2.000 giấy phép lái xe các hạng.
Trong số đó có 499 trường hợp bị tước bằng lái xe trên môi trường điện tử thông qua việc tích hợp thông tin vào ứng dụng VNeID. Giúp người dân thuận tiện hơn khi tham gia giao thông, tránh phải mang theo quá nhiều giấy tờ bản cứng.
Tuy nhiên, nhiều người ngạc nhiên và chưa phân biệt được việc tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) và tước GPLX thì trường hợp nào vẫn được phép điều khiển khiển phương tiện.
Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Nguyễn Duy Phúc (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đặt câu hỏi: "Nếu tôi bị tạm giữ GPLX trên VNeID thì có được phép lái xe hay không?".
Theo đại diện Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), khi cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ sẽ kiểm tra GPLX và các loại giấy tờ khác của người dân trên ứng dụng VNeID. Khi người vi phạm giao thông xuất trình giấy tờ qua ứng dụng VNeID, trong trường hợp phải tạm giữ giấy tờ thì cảnh sát giao thông sẽ tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử. Đồng thời cảnh sát cập nhật thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ ứng dụng VNeID, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để người vi phạm, chủ phương tiện biết.
Trường hợp lái xe đã bị tạm giữ giấy phép trên ứng dụng VNeID thì sẽ không được sử dụng bản cứng để tiếp tục tham gia giao thông.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Đức Toàn (Công ty Luật TNHH Vimax Châu Á, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng việc xử lý vi phạm giao thông trên ứng dụng VNeID sẽ làm lành mạnh hóa các thủ tục hành chính. Cùng đó, người dân sẽ không phải mang theo mình các giấy tờ tránh bị mất mát, hư hỏng và phù hợp với xu thế công nghệ thế giới.
Căn cứ theo Luật Thương mại Điện tử việc xử phạt hành chính trên ứng dụng VNeID là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, thuận tiện cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và người dân về tiến trình xử phạt vi phạm.
“Mã QRCode in trên giấy phép lái xe bằng thẻ cứng vật lý giống y hệt mã QRCode trên ứng dụng VNeID. Vì vậy, khi người dân vi phạm và đã bị cảnh sát giao thông xử phạt thì không thể tiếp tục dùng thẻ cứng vật lý để tham gia giao thông”, luật sư Toàn cho biết.