Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng tham ô, tham nhũng quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Đây là câu trả lời của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng khi các đại biểu Quốc hội chất vấn vào chiều 5/6 về quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
300 tỷ không phải là quỹ để hỗ trợ phát triển du lịch
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) nêu vấn đề: Sau đại dịch Covid-19, Quốc hội cũng như Chính phủ rất quan tâm hỗ trợ để ngành du lịch sớm phục, phát triển và đã bố trí 300 tỷ đồng ngân sách cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Tuy nhiên, đến nay, số kinh phí này vẫn nằm trong tài khoản tiền gửi ngân hàng, tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý quỹ.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục tình trạng trên.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng thông tin: 300 tỷ đồng không phải là quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Theo Luật Du lịch, đây là vốn điều lệ, được bảo tồn bằng cách gửi ngân hàng, phần lãi lấy ra cho chi phí tổ chức bộ máy, còn phần xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp thông qua các hoạt động theo tỷ lệ phần trăm theo phí, vé.
Bộ trưởng cho biết, thời gian qua được nhận 2 lần (mỗi lần 150 tỷ đồng), số lãi sau khi gửi ngân hàng thì chủ yếu chi cho bộ máy hành chính. Số tiền còn lại được lưu giữ tại kho bạc.
"Bộ tiếp tục đề xuất với cơ quan có thẩm quyền phối hợp để hình thành trích lập các quỹ theo quy định. Đây là mô hình mới, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập", ông Hùng nói.
Điều hành có chỗ này, chỗ kia chưa được thì chấn chỉnh
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) phát biểu rằng, nếu giao quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho Bộ VH-TT&DL, rồi Bộ lại gửi số tiền này vào ngân hàng thì không cần ban quản lý quỹ.
Việc quản lý tiền của quỹ nên giao cho Bộ VH-TT&DL (có thể giao Văn phòng Bộ) với nguyên tắc không làm thất thoát tiền của Nhà nước.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cũng đề nghị Bộ trưởng đánh giá rõ hơn hiệu quả hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Nhiệm vụ của quỹ có trùng với nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước hay không?
Giải đáp các vấn đề đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật Du lịch có hiệu lực từ 2018 còn quỹ hình thành từ 2021. Quỹ này phải có bộ máy và điều lệ hoạt động do Thủ tướng phê duyệt, hoạt động theo mô hình vừa là doanh nghiệp, vừa là đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhận thấy còn nhiều bất cập, nhưng Bộ trưởng khẳng định: Số tiền 300 tỷ đồng là vốn điều lệ của quỹ, không được phép chi cho các hoạt động xúc tiến du lịch, mà phải gửi tại Kho bạc Nhà nước.
Khoản lãi từ tiền gửi này dành chi cho hoạt động bộ máy, tổ chức hoạt động. Còn tiền chi cho hoạt động xúc tiến du lịch được trích từ khoản thu tiền vé tại các khu di tích hằng năm, khoảng 5-10%.
"Năm nào thu được nhiều thì Bộ Tài chính cấp nhiều, năm nào thu ít thì Bộ Tài chính cấp ít", tư lệnh ngành VH-TT&DL giải thích thêm.
Tuy vậy, Bộ trưởng Hùng nhìn nhận bộ máy vận hành, điều hành của quỹ này vừa qua chưa ổn "có tiền mà không tiêu được". Phần tiền quỹ được chi nhưng không tiêu hết và không được chuyển nguồn sang năm sau.
Bộ trưởng cũng khẳng định, đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng tham ô, tham nhũng quỹ. "Cách điều hành của anh em chỗ này, chỗ kia chưa được thì chúng tôi sẽ chấn chỉnh; trước mắt tập trung xúc tiến quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch để phát huy hiệu quả quỹ", ông Hùng nói.