Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dự thảo luật quy định về hành vi cấm với cơ quan thuế trong thực hiện VAT và hành vi chịu trách nhiệm của cơ quan, cán bộ thuế và doanh nghiệp rõ ràng, rạch ròi theo nguyên tắc 'ai làm sai thì người đó chịu'.
Chiều 17.6, đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có dự án luật Thuế VAT (sửa đổi) với nhiều chính sách mới.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, bày tỏ băn khoăn về việc quy định các loại quà biếu, quà tặng, hàng hóa trong định mức miễn thuế nhập khẩu thì không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT).
Thực tế, theo ông Hùng, những hàng hóa qua chuyển phát nhanh và có giá trị dưới 1 triệu đồng cũng nằm ngoài quy định chịu thuế VAT.
"Những giao dịch nhỏ lẻ dưới 1 triệu và nằm trong diện được miễn thuế xuất nhập khẩu và miễn thuế giá trị gia tăng, đang được giao dịch qua các sàn giao dịch điện tử với số lượng vô cùng lớn", đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Ông Hùng cũng dẫn chứng có 2 người con trong lứa tuổi phổ thông trung học, mỗi ngày mua khoảng 7 - 10 gói hàng trị giá vài chục nghìn đến vài trăm nghìn. Đó là trong một gia đình, nếu tính cả nước thì giao dịch lớn đến như thế nào.
Do đó, đại biểu Hùng cho rằng cần cân nhắc thu thuế với đối tượng này để có thêm nguồn thu nhất định. Bởi, giá trị từng đơn hàng bé thế nhưng số lượng giao dịch thì lại vô cùng lớn, đặc biệt là những hàng hóa qua biên giới nhập khẩu từ Trung Quốc hay một số nước xung quanh như Thái Lan.
Giải trình thêm ý kiến của các đại biểu trong thảo luận tổ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước đây, khi thực hiện Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (năm 1973) mà Việt Nam ký kết, luật quy định giá trị nhỏ tối thiểu thì không thu thuế hải quan và thuế khác.
Tuy nhiên, hiện một số quốc gia trong EU đã bỏ miễn thuế VAT với lô hàng dưới 22 euro, Anh bỏ quy định miễn thuế VAT nhập khẩu có giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống từ 1.1.2021. Còn Thái Lan thu thuế VAT 7% với tất cả hàng nhập khẩu, không phân biệt giá trị.
Theo ông Phớc, dự thảo luật quy định về hành vi cấm với cơ quan thuế trong thực hiện VAT và hành vi chịu trách nhiệm của cơ quan, cán bộ thuế và doanh nghiệp rõ ràng, rạch ròi theo nguyên tắc "ai làm sai thì người đó chịu".
"Không thể doanh nghiệp làm sai, bắt công chức thuế phải chịu và ngược lại. Dựa trên hồ sơ hoàn thuế, doanh nghiệp đưa hóa đơn giả vào, cơ quan thuế không thể kiểm tra lần tới nguồn gốc từng hóa đơn được, trong khi bị khống chế thời gian kiểm tra hồ sơ, hoàn thuế và hậu kiểm. Nên cuối cùng cán bộ thuế phải chịu hết trách nhiệm", ông Phớc nêu và cho rằng, cần phải quy định rõ chức năng, phạm vi công tác, giới hạn trách nhiệm mới làm chặt chẽ được.
Trước tình trạng gian lận hóa đơn để hoàn thuế, cơ quan công an khởi tố nhiều vụ. Ông Phớc cho hay, "muốn rạch ròi" để những người làm gian dối phải chịu trách nhiệm. Nếu cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ không đúng thì người kiểm tra phải chịu trách nhiệm, còn người tạo ra tài liệu giả cũng phải chịu trách nhiệm.
"Điều này tránh mập mờ, người nọ đổ lỗi cho người kia. Chúng tôi mong được ủng hộ, để khi ban hành quy định của luật thì có độ dài trong thực hiện", Bộ trưởng Tài chính nêu.
Nên ủy quyền cho Chính phủ quy định doanh thu chịu VAT
Giải thích thêm về doanh thu tính thuế VAT với hộ kinh doanh, ông Phớc cho rằng, nên phân quyền quyết định doanh thu tính thuế này cho Chính phủ. Theo đó, khi đồng tiền mất giá, mức độ không còn phù hợp và chưa sửa được luật, thì Chính phủ quyết định phù hợp thực tế.
Hiện quy định doanh thu dưới 100 triệu đồng thì không tính thuế VAT, nhưng trong trường hợp thu nhập tăng lên, ngưỡng này có thể nâng lên 120 triệu đồng. Trường hợp này nếu vẫn giữ nguyên quy định cũ sẽ khiến người kinh doanh phản đối, do mức doanh thu tính thuế thấp, trong khi thực tế thu nhập đã tăng. Do đó, ủy quyền cho Chính phủ quyết định mức doanh thu tính thuế VAT với hộ kinh doanh là hợp lý.
Bộ trưởng Tài chính cũng dẫn chứng, thuế là công cụ điều tiết, các nước phát triển dùng công cụ này rất linh hoạt và ủy quyền cho tổng thống, mà đại diện là Bộ Tài chính, áp giá. Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng tới nền sản xuất trong nước thì họ quyết định áp thuế ngay.
Ví dụ, trong một đêm, Bộ trưởng Tài chính Mỹ có thể ký quyết định tăng thuế suất với hàng nhập khẩu, ví dụ thép nhập từ Trung Quốc, ảnh hưởng tới sản xuất trong nước. Do đó, nếu phân cấp, ủy quyền, tăng rà soát thì công cụ điều tiết này sẽ linh hoạt, hiệu quả hơn.