Tuy nhiên, Facebook lại phản ứng rất chậm, quan liêu và làm theo ý mình... Vì vậy, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp gọi điện cho đại diện Facebook và tuyên bố: Đã đến lúc Việt Nam không còn kiên nhẫn với Facebook nếu Facebook tiếp tục không tuân thủ luật pháp Việt Nam như họ đã cam kết.
Cũng theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, trong khoảng 2 tuần gần đây, các cơ quan chức năng của Bộ đã phối hợp yêu cầu các mạng xã hội trong và ngoài nước gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật kích động bạo lực trên các nền tảng, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube (Google). Tuy nhiên, thực tế chỉ có Google và YouTube ngăn chặn, gỡ bỏ và rút ngắn thời gian từ khi cơ quan nhà nước Việt Nam gửi yêu cầu đến khi gỡ bỏ các vi phạm.
Riêng Facebook vẫn thực hiện theo quy trình cũ vừa mất thời gian, hiệu quả rất thấp. Chẳng hạn các yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông gửi thì họ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, trong khi đó, với vụ việc chống người thi hành công vụ ở Đồng Tâm có những video livestream (phát trực tiếp) dài đến vài tiếng đồng hồ, kêu gọi bạo lực, nhưng họ vẫn làm theo quy trình cũ là dịch toàn bộ sang tiếng Anh sau đó đưa đi thẩm định thường từ 2 đến 3 ngày...
Như vậy, với những vụ việc khẩn cấp, nghiêm trọng như Đồng Tâm, việc vẫn áp dụng cách làm quan liêu là không phù hợp, góp phần dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, để các đối tượng xấu phát tán các thông tin sai sự thật, kích động, khiến nhiều người hiểu sai; một số trang tin tiếng Việt ở nước ngoài lợi dụng vụ việc để kích động bạo loạn.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin thêm, Bộ đã khẳng định, nếu Facebook không thay đổi cách làm việc, thì không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới không còn đủ kiên nhẫn với Facebook.
"Sau khi có những phản ứng và yêu cầu cương quyết từ Bộ Thông tin và Truyền thông, phía Facebook đã cam kết đưa yêu cầu từ Bộ gửi ở mức giải quyết cao nhất” - đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đồng thời khẳng định: "Chúng tôi cũng trao đổi rõ với đại diện Facebook, như thế đã là quá muộn và Facebook phải nhận thấy một phần trách nhiệm của mình để phối hợp chặt chẽ giải quyết, không được tắc trách như thời gian qua”.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay chúng ta đã có các quy định rất rõ, không chỉ có các cơ quan chức năng của Nhà nước mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong và ngoài nước và từng người dân đều phải có trách nhiệm chung tay xây dựng một môi trường mạng xã hội an toàn lành mạnh. Luật An ninh mạng các nghị định của Chính phủ đã nêu ra rất rõ.
Trong đó có hai điểm cần nhấn mạnh là các công ty cung cấp các dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới đến Việt Nam thu tiền hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh thì phải có trách nhiệm bảo vệ người dùng người dân Việt Nam và chống lại những tác hại đến cộng đồng người dân Việt Nam và tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Với người dân, qua các sự việc như thế này, cần tỉnh táo trước các thông tin không được kiểm chứng tung ra với mục đích phá hoại sự ổn định của đất nước.
Nguồn: Báo Hà Nội Mới