Cử tri kiến nghị Bộ Nội vụ khi cải cách tiền lương, cần đảm bảo các chế độ cho giáo viên để hạn chế tình trạng giáo viên bỏ nghề.
Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị khi điều chỉnh chính sách lương mới cần đảm bảo các chế độ cho giáo viên như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… để đảm bảo trang trải cuộc sống, an tâm công tác, hạn chế tình trạng giáo viên bỏ nghề như thời gian qua.
Trong công văn trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Bộ Nội vụ cho hay, căn cứ Kết luận số 83-KL/TW ngày 21.6.2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024 và Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, thì từ ngày 1.7.2024 khi thực hiện điều chỉnh tiền lương khu vực công theo Nghị định số 73 của Chính phủ:
Nâng mức lương cơ sở từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng (tăng 30%) và thực hiện chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì vẫn tiếp tục thực hiện các chế độ phụ cấp hiện hành (trong đó có phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo).
Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện các chế độ phụ cấp nhất là chế độ phụ cấp thâm niên nghề, nếu phát sinh bất hợp lý, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bên cạnh đó, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 1.8.2021 của Chính phủ.
Nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.