Hơn 1 năm qua, bà Nguyễn Thị Hồ và con trai út Nguyễn Phan Bắc ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã nỗ lực trong tuyệt vọng nhằm ngăn chặn hành vi của ông Nguyễn Phan T - con trai cả bà Hồ, người đã chiếm dụng và hủy hoại tài sản là ngôi nhà số 159 đường Trung Kiên, Tổ dân phố Trung 5, phường Tây Tựu.
Căn nhà và thửa đất số 159 đường Trung Kiên là tài sản của vợ chồng bà Hồ, sau khi chồng qua đời, bà lập di ngôn để lại cho con trai út là Nguyên Phan B. thừa kế, phụng dưỡng mẹ già và thờ cúng. Tuy nhiên, con trai cả của bà là Nguyên Phan T. đã chiếm dụng một thời gian dài và không cho bà Hồ cũng như ông Nguyễn Phan B. vào nhà và sử dụng. Theo chia sẻ của bà Hồ, căn nhà được xây dựng với chi phí 2,5 tỷ đồng thời điểm năm 2012.
Không ngăn chặn được hành vi của ông T. cũng như chưa nhận được sự trợ giúp cần thiết từ phía các cơ quan chức năng, đến ngày 29/7/2024, căn nhà số 159 đường Trung Kiên đã bị ông T. san phẳng. Sự việc có dấu hiệu vi phạm hình sự theo Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi và bổ sung năm 2017) về “Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Các cơ quan chức năng cần xem lại các quy định, sớm vào cuộc, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm hình sự trong trường hợp này.
Có căn cứ xác định “Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”?
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Hồ, chiều ngày 29/7/2024, khi con trai Nguyễn Phan B. đi qua số nhà 159 đường Trung Kiên thì phát hiện Nguyễn Phan T. thuê 03 người và 02 máy xúc đang tiến hành san phẳng căn nhà 159. Khi ông B. cố gắng ngăn chặn hành vi sai trái của T., thì T. dùng máy bơm nước công suất mạnh, bơm nước vào thẳng người ông B. đồng thời lớn tiếng đuổi ông B. Ông T. còn đưa một nhóm người vào ngăn cản không cho B. thực hiện quyền bảo vệ tài sản hợp pháp của mình.
Hiện tại, ngôi nhà 4 tầng ở số 159 đường Trung Kiên chỉ còn lại đống đổ nát của gạch và xi măng. Toàn bộ tài sản là căn nhà mà bà Nguyễn Thị Hồ (86 tuổi) và con trai Nguyễn Phan B. gây dựng từ năm 2012 trên diện tích hơn 90 mét vuông này, đã bị phá hủy toàn bộ. Toàn bộ tài sản có trong nhà được sắm sửa, trang trí từ năm 2012 đến nay cũng đã bị phá hủy. Bà Hồ cho rằng chắc chắn đống đổ nát sẽ sớm được thu dọn, khiến căn nhà không còn dấu tích, qua đó ông T. sẽ chiếm đoạt thửa đất nơi căn nhà 159 từng được xây dựng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chiều ngày 29/7/2024, ông B. đã yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng về hành vi phá hủy toàn bộ căn nhà. Đồng thời, ông cũng đã có yêu cầu Công an phường Tây Tựu, Công an quận Bắc Từ Liêm ghi nhận hiện trường, ghi nhận hành vi hủy hoại căn nhà của ông T. và các đối tượng giúp sức. Ông cũng có các căn cứ, nhân chứng và vật chứng có giá trị chứng minh việc ông và mẹ là Nguyễn Thị Hồ đã xây dựng nhà 159 từ năm 2012. Như việc căn nhà 159 xác lập hợp đồng cung cấp nước mang tên Nguyễn Phan B., ông vẫn nhận tin nhắn thường xuyên, để thông báo lượng nước tiêu thụ và tiền nước phải trả. Kể từ khi T. chiếm dụng nhà 159 (giữa năm 2023) đến nay, ông B. hàng tháng vẫn trả hóa đơn nước này.
Với việc trình báo cơ quan chức năng, đồng thời có các căn cứ, bằng chứng như Vi bằng, giấy tờ liên quan, bà Hồ và ông B. hi vọng các cơ quan chức năng sẽ mang lại công bằng cho gia đình theo các quy định của pháp luật.
Theo Điều 178, Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định mức hình phạt tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản cụ thể:
* Khung 1: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
- Tài sản là di vật, cổ vật.
* Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Tài sản là bảo vật quốc gia;
- Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
- Để che giấu tội phạm khác;
- Vì lý do công vụ của người bị hại;
- Tái phạm nguy hiểm.
* Khung 3: Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
- Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
* Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
|
Với hành vi nói trên, việc xâm hại đến tài sản thuộc sở hữu của người khác, khiến tài sản mất hoàn toàn giá trị có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng tới 100.000.000 đồng, đồng thời bị tù tới 10 năm.
Bà Hồ và ông B. đã gửi rất nhiều đơn thư tới cơ quan chức năng kể từ khi ông T. ngăn chặn không cho gia đình ông sử dụng, tuy nhiên tới thời điểm này, vụ việc vẫn chưa được xử lý triệt để, gây bức xúc, ảnh hưởng tới an ninh và đời sống của nhân dân quanh căn nhà. Một lần nữa, bà Hồ hi vọng thông qua cơ quan ngôn luận, đơn thư sẽ được gửi tới các cơ quan chức năng địa phương để xem xét các hành vi của T. cùng những người liên quan hỗ trợ để xử lý vấn đề, tránh xung đột trong gia đình đẩy lên đỉnh điểm.
Với sự việc trên, chúng tôi hi vọng cơ quan chức năng, các lãnh đạo UBND phường Tây Tựu, Quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) sớm vào cuộc xác minh và làm rõ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân theo đúng quy định pháp luật. Tránh để sự việc ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn công cộng, gây xáo trộn cuộc sống và tạo tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Có hay không dấu hiệu thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý để dẫn tới những hành vi trên?
Trước khi xảy việc đập phá căn nhà 159 đường Trung Kiên, ông T. đã nhiều lần gây xôn xao dư luận tại khu vực như sự việc xây tường chắn cửa không cho mẹ và em trai vào nhà. Điều đáng nói là những hành động trên xảy ra nhưng không hề có một cơ quan chức năng nào xử lý, hòa giải.
Bà Hồ và ông B. hi vọng rằng bên cạnh việc xử lý vi phạm trong việc tranh chấp đất đai, các cơ quan chức năng sẽ thanh kiểm tra để có hình thức xử lý nếu phát hiện vi phạm trong việc xử lý phản ánh của nhân dân. Điều này nhằm mang lại niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan có thẩm quyền. Bà cho biết cũng sẽ sớm gửi đơn khiếu nại hành vi không thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tới các cơ quan chức năng tại phường Tây Tựu và quận Bắc Từ Liêm.
“Bởi từ khi sự việc phá dỡ nhà 159 manh nha khởi phát (từ giữa năm 2023) đến nay, tôi và con Bắc đã rất nhiều lần trình báo bằng các hình thức như: Đơn thư, phản ánh trực tiếp, tin nhắn tố giác tội phạm, tin nhắn/cuộc gọi trình báo,… nhưng sự việc của tôi chỉ nhận được sự im lặng khó hiểu hoặc sự giải quyết chiếu cố cho có lệ. Tôi chưa thực sự nhận được sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nêu trên”, bà Nguyễn Thị Hồ cho biết.