Tình trạng này xuất phát từ tỷ số giới tính khi sinh gia tăng, một chỉ số quan trọng đo lường số lượng bé trai so với bé gái được sinh ra. Tỷ số giới tính này thường dao động trong khoảng 104-106 bé trai trên 100 bé gái.
Từ đầu những năm 2000, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt, từ năm 2006, tỷ số này đã vượt mốc 109 bé trai trên 100 bé gái, cho thấy một xu hướng đáng lo ngại. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, vào năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam là 112,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái, không thay đổi so với hai năm trước đó. Tại một hội thảo về mất cân đối tỷ lệ sinh, lãnh đạo Cục Dân số (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh rằng, mặc dù xuất hiện muộn hơn so với nhiều quốc gia khác, nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng và lan rộng.
Theo Bộ Y tế, tất cả sáu vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam đều đang trải qua tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt, hai khu vực như đồng bằng Sông Hồng và vùng miền núi trung du phía Bắc có tỷ số giới tính cao hơn mức trung bình. Hiện có 21 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính cao hơn trung bình cả nước, trong đó Sơn La đạt 117 và Nghệ An là 116,6. Ngược lại, một số tỉnh miền Tây Nam Bộ có tỷ số dưới 108.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng theo các chuyên gia, nguyên nhân gốc rễ chính là định kiến giới và tư tưởng "trọng nam khinh nữ" đã ăn sâu vào văn hóa Việt Nam. Tư tưởng này bắt đầu từ khi chuẩn bị kết hôn, có con, cho đến khi qua đời. Việt Nam với nền văn hóa truyền thống và ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo, coi việc sinh con trai là một giá trị quan trọng để nối dõi tông đường và phụng dưỡng tổ tiên.
Khi quy mô gia đình ngày càng nhỏ, nhiều cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con nhưng lại mong muốn có ít nhất một con trai. Điều này dẫn đến việc sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh, làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính. Thực tế, lạm dụng công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi đã diễn ra phổ biến và trở thành một nguyên nhân chính.
Quy định của pháp luật nhằm đảm bảo mức cân bằng sinh
Pháp luật của Việt Nam đã quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Mục đích của việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh là để bảo đảm cân bằng giới tính giữa nam và nữ, bảo đảm cho sự ổn định và phát triển xã hội lành mạnh. Việc cấm lựa chọn giới tính khi sinh có ý nghĩa, tác dụng là:
- Bảo đảm sự bình đẳng giữa nam và nữ;
- Tạo dư luận xã hội ủng hộ và xoá dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong tiềm thức của nhân dân;
- Ngăn chặn tình trạng phá thai vì lý do lựa chọn giới tính;
- Bảo đảm sự cân đối về số lượng giữa nam và nữ;
- Tạo sự ổn định và phát triển bền vững.
Năm 2003, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XI đã ban hành Pháp lệnh Dân số trong đó quy định: “Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”[1] và “Nhà nước có chính sách và biện pháp cần thiết ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi để bảo đảm cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên; điều chỉnh mức sinh nhằm tạo cơ cấu dân số hợp lý về giới tính, độ tuổi”.
Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng có một số quy định liên quan đến vấn đề giới và lựa chọn giới tính. Điều 4 của Luật này quy định: “Mục tiêu của bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”. Điều 40 quy định các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, trong đó có nội dung: “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi” là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới”.
Nhằm cụ thể hoá những quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số, trong đó đã quy định các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi bị nghiêm cấm gồm:
1. Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức: tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi.
2. Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm,....
3. Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.
Nghị định 114/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em. Điều 9 Nghị định này quy định mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi. Cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Bắt mạch, xác định qua triệu chứng, bói toán hoặc bằng các hình thức khác không được pháp luật cho phép để xác định giới tính thai nhi mà các hành vi này có tính chất trục lợi.
+ Nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi âm, ghi hình hoặc các hình thức khác không được pháp luật cho phép để tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Siêu âm, xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào hoặc các biện pháp khác không được pháp luật cho phép để xác định giới tính thai nhi;
+ Cung cấp hoá chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
+ Nghiên cứu hoặc áp dụng phương pháp nhân tạo để tạo nên giới tính thai nhi theo mong muốn.
+ Tàng trữ, lưu hành các loại tài liệu, phương tiện chứa đựng nội dung về phương pháp tạo giới tính thai nhi.
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây
+ Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
+ Phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu những hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu phương tiện, tang vật được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 đến tháng đến 03 tháng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định số 114/2006/NĐ-CP; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Nghị định số 114/2006/NĐ-CP;
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1, điểm d khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định số 114/2006/NĐ-CP.
Đồng thời, Nghị định số 114/2006/NĐ-CP còn quy định các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu huỷ các loại tài liệu, phương tiện chứa đựng nội dung về phương pháp tạo giới tính thai nhi được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 9 Nghị định này.
Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi tại Việt Nam vẫn chưa phát triển đầy đủ. Ở nhiều khu vực nông thôn, nhiều người già không có lương hưu hay trợ cấp xã hội, trong khi họ cần sự chăm sóc y tế. Theo quan niệm truyền thống, trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già chủ yếu thuộc về con trai, điều này càng làm tăng thêm áp lực lên nam giới trong gia đình.
Tình trạng dư thừa nam giới và thiếu hụt nữ giới có thể dẫn đến một xã hội với nhiều đàn ông sống độc thân. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ có 1,5 triệu đàn ông dư thừa vào năm 2034 và 2,5 triệu vào năm 2039. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc dân số mà còn gây ra những hệ lụy xã hội nghiêm trọng, bao gồm tình trạng gia tăng bạo lực, tội phạm và sự bất ổn xã hội.
Mục tiêu và thách thức trong việc đưa tỷ số giới tính về cân bằng
Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tức là dưới 109. Tuy nhiên, theo Cục Dân số, mục tiêu này đang gặp nhiều khó khăn. Để đạt được mục tiêu này, mỗi năm Việt Nam cần giảm tỷ số giới tính khi sinh 0,4 điểm phần trăm. Trong khi đó, trong những năm qua, với nhiều nguồn lực và sự can thiệp, tỷ số này chỉ giảm được 0,1 điểm phần trăm mỗi năm.
Tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình đang là một vấn đề cấp bách tại Việt Nam, đặc biệt là với dự báo dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034. Để khắc phục tình trạng này, cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và hành động ở cả cấp độ cá nhân và xã hội. Các chính sách cần được thực hiện để giảm thiểu định kiến giới, đồng thời phát triển hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi nhằm đảm bảo sự công bằng và bình đẳng giữa nam và nữ.
Chỉ khi nào xã hội nhận thức rõ ràng về giá trị của cả hai giới và thực hiện các giải pháp đồng bộ, chúng ta mới có thể hướng đến một tương lai bền vững và công bằng hơn.
Vụ Gia đình - Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du lịch phối hợp thực hiện
Tài liệu tham khảo:
(1) Tổng Cục Thống kê, 2022. Báo cáo Tình hình dân số, lao động và việc làm
(2) Pháp lệnh Dân số 2003, số 06/2003/PL-UBTVQH11
(3) Luật số 73/2006/QH11 của Quốc hội: Luật Bình đẳng giới
(4) Nghị định số 104/2003/NĐ-CP của Chính phủ: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số
(5) Nghị định số 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em