Khu bảo tồn Sao la có vị trí ở Tây - Bắc tỉnh Quảng Nam, với diện tích vùng lõi là 15.486,46 ha trải dài trên 2 huyện Đông Giang và Tây Giang, vùng đệm trên 35.135,44 ha. Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam có hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên đai địa hình đất thấp vùng Trung Trường Sơn với hệ động thực vật phong phú đa dạng, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm đã được ghi nhận trong “Sách đỏ Thế giới” và “Sách đỏ Việt Nam” như Sao la, Mang Trường sơn, Thỏ vằn,…; thực vật như Kiền kiền, Gõ, Giỗi, Sơn huyết,… Với hệ động thực vật phong phú, quý hiếm như vậy nên đây là nơi thường xuyên bị tác động bởi người dân địa phương và người từ các nơi khác đến để khai thác gỗ và săn, bắt động vật nên cần ưu tiên bảo vệ.
Để bảo vệ hệ động, thực vật đang bị đe dọa, thời gian qua Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao la đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 06/KH-BQL ngày 03/01/2023 về tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023; Kế hoạch số 119/KH-BQL ngày 05/5/2023 về truyền thông công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động - thực vật hoang dã, bảo tồn đa dang sinh học đến các hộ gia đình vùng đệm Khu bảo tồn loài Sao la; tổ chức triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt Luật Lâm nghiệp và thực hiện tốt các Nghị định của Chính phủ về công tác quản lý bảo vệ thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Kết quả, tổ chức 32 đợt tuyên truyền tại 06 xã vùng đệm với 3.802 người tham gia; tổ chức 36 đợt truyền thông đến 216 hộ gia đình tại các xã vùng đệm; tổ chức 05 Hội nghị tuyên truyền Hướng dẫn 13-HD/BTGTW ngày 19/7/2021 của Ban Tuyên Giáo TW tại 05 xã vùng đệm.
Công tác thực hiện Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học giữa Ban Quản lý - Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang - Hạt kiểm lâm huyện Đông Giang có hiệu quả. Cụ thể, tổ chức 17 đợt tuần tra phối hợp với các Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang, Tây Giang thu giữ 113 bẫy chữ A (thực hiện theo Quyết định số 379/QĐ-NNPTNT ngày 29/7/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam).
Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BQL ngày 03/01/2023 của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao la về tuần tra bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường trong lâm phận Khu bảo tồn loài Sao la, các Tổ tuần tra thuộc Ban Quản lý tổ chức 180 đợt tuần tra, tháo dỡ và phá hủy 1.232 các loại bẫy; phá hủy 19 lán trại; đẩy đuổi 05 lượt người vào rừng trái phép; thả 04 cá thể Rùa về môi trường tự nhiên,phối hợp với các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng cung ứng DVMTR tổ chức 75 đợt tuần tra tháo gỡ, thu giữ 298 bẫy các loại.
Đối với công tác bảo tồn thiên nhiên, Ban Quản lý phối hợp với Dự án Quản lý rừng bền vững & Bảo tồn đa dạng sinh học thiết lập và thu hồi 50 bẫy ảnh tại 25 điểm trong lâm phận Khu bảo tồn loài Sao la và lưu dữ liệu trên công cụ Smart Mobile nhằm đánh giá đa dạng sinh học của Khu bảo tồn. Kết quả, đã ghi nhận sự xuất hiện nhiều loài động vật hoang dã với tần suất ngày càng nhiều như các loài: Sơn dương, Mang Trường Sơn, Thỏ vằn, Tê tê, Voọc Chà vá chân nâu, các loài Cầy… Cùng với đó, Ban Quản lý đã tổ chức thiết lập 45 bẫy ảnh tại tiểu khu 14 nhằm ghi nhận hình ảnh của loài Sao la; thực hiện dự án “Giải cứu Sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng”, Ban Quản lý phối hợp với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) tổ chức thiết lập 224 bẫy ảnh tại 14 ô khảo sát, thu 28 mẫu vắt (20 cá thể/mẫu) và 28 mẫu nước nhằm bảo vệ môi trường.
Có thể nói, những kết quả đạt được như trên là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của toàn thể viên chức, người lao động thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao la đã và đang ngày đêm ăn ngủ với rừng, tổ chức tuần tra, gỡ bẫy giải cứu các loài động vật, góp phần bảo vệ sự bình yên của những cánh rừng. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian đến, Ban Quản lý sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; bảo vệ và phục hồi các loài đặc hữu và các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm khác.… Từ đó góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.