Trong chuyên đề tháng 9 của Viện Khoa học Chính sách và Pháp luật, chúng tôi đã có mặt tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024. Lễ hội năm nay bắt đầu diễn ra từ sáng 21/9 (tức ngày 19/8 Âm lịch) với nhiều điểm mới.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đồ Sơn Trần Khắc Kiên cho biết bán đảo Đồ Sơn là vùng đất địa linh, trung tâm du lịch của cả nước. Đến với Đồ Sơn, du khách không chỉ thưởng ngoạn cảnh quan "sơn thủy hữu tình" gắn với huyền thoại, truyền thuyết và tìm hiểu về bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc của địa phương, mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa, không khí náo nức trong những lễ hội truyền thống độc đáo của người dân miền biển. Nổi bật nhất là Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Lễ hội này gắn liền với tục thờ cúng thủy thần và hiến sinh đã có từ lâu đời, lưu giữ những nét đẹp văn hóa tâm linh, bản sắc văn hóa mang tính cộng đồng, thể hiện tinh thần thượng võ của người Đồ Sơn với khát vọng chinh phục thiên nhiên, làm chủ biển cá.
Qua đó, người dân cầu mong "phong điều vũ thuận, quốc thái dân an," mùa màng bội thu, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đây là Lễ hội gắn liền với sự phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của vùng đất và con người Đồ Sơn.
Ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng ban Tổ chức giải cho biết, năm 2024, sẽ có 16 "ông" trâu tham gia vòng đấu chung kết, trong đó mỗi phường trên địa bàn được đăng ký 2 suất trâu, riêng 4 chủ trâu có trâu đạt giải nhất, nhì và đồng giải ba năm 2023 mỗi người được đăng ký tham gia 1 suất trâu chọi.
Ông Tuấn khẳng định: Do sân vận động diễn ra lễ hội chỉ có sức chứa tối đa 2 vạn người nên không thể đủ cho toàn bộ người dân và du khách, Ban Tổ chức sẽ hạn chế số khách vào khoảng 1,8 vạn người để đảm bảo an toàn và an ninh trật tự. Lễ hội chọi trâu năm 2024 sẽ không bán vé mà phát giấy mời.
Ban tổ chức cũng bố trí lắp màn hình lớn ở ngay ngoài sân vận động để người dân đến xem vẫn được hưởng không khí lễ hội.
Khu vực khán đài sân vận động diễn ra chọi trâu sẽ được bố trí mái che. Cùng với đó, số lần kiểm tra trâu cũng được tăng lên thành 3 lần.
Lễ hội là sự giao thoa giữa các yếu tố văn hóa nông nghiệp của cư dân miền biển với cư dân vùng đồng bằng, tưởng nhớ công ơn các vị thần, cầu nguyện quốc thái dân an. Mặc dù trải qua thời gian có sự biến đổi song Lễ hội vẫn được duy trì, tồn tại song song cùng đời sống văn hóa tinh thần của người dân Đồ Sơn từ nhiều năm nay.
Trải qua 35 năm khôi phục và phát triển, Lễ hội không ngừng hoàn thiện, nâng cao về quy mô, nâng tầm về chất lượng; đồng thời vẫn giữ nguyên những yếu tố dân gian, những giá trị văn hóa truyền thống, trở thành di sản văn hóa quý báu, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn của cả nước và vùng đất Đồ Sơn, Hải Phòng nói riêng.
Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vào danh mục "Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia."
Theo Ban Tổ chức, 16 ông trâu tham gia Lễ hội đến từ các phường Hợp Đức, Vạn Hương, Bàng La, Hải Sơn, Ngọc Xuyên và Minh Đức; được chia thành 8 kháp đấu.
Sau 8 kháp đấu, các ông trâu thắng cuộc tiếp tục vào vòng tứ kết, bán kết, chung kết. Trâu số 04 và 07 đã đấu chung kết.
Kết quả là trâu số 04 của ông Lưu Đình Khang (phường Hải Sơn) giành giải Nhất với tiền thưởng 100 triệu đồng.
Trâu 07 của ông Nguyễn Ngọc Hùng (phường Ngọc Xuyên) giành giải Nhì với tiền thưởng 60 triệu đồng. Trâu số 10 trâu số 13 cùng giành giải Ba, mỗi giải trị giá 30 triệu đồng.
Ban Tổ chức còn trao giải trâu chọi hay nhất cho ông Trâu 13 và 14 được bình chọn là cặp trâu có miếng đánh hay nhất./.