Theo quy định, các quán game chỉ được hoạt động từ 8 - 22h hàng ngày, nhưng thực tế, nhiều hệ thống game lớn vẫn hoạt động xuyên ngày đêm.
"Combo" xuyên đêm
Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi có mặt tại cơ sở kinh doanh Internet có tên Vikings Cyber - Esports Arena địa chỉ ngõ 165 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Thời điểm 0h sáng nhưng bên trong quán, hệ thống gần 200 máy tính màn hình lớn, cấu hình cao vẫn đang sáng đèn.
Bên trong khu vực game rộng hàng trăm mét vuông, trải rộng trước mắt chúng tôi là hàng trăm game thủ, hầu hết còn khá trẻ đang say sưa chiến đấu với những tựa game bạo lực.
Giữa những lối đi nhỏ hẹp, nhân viên quán chạy đi chạy lại phục vụ đồ ăn đêm cho các "thượng đế". Tiếng tranh cãi, chửi thề, tiếng game bắn súng vang lên chát chúa.
4h30 sáng, sau nhiều giờ "chinh chiến" liên tục, nhiều game thủ "đổ gục" trước những màn hình máy tính khổ lớn. Một số lại vừa thức dậy sau những giấc ngủ vội, tiếp tục cuộc chơi...
"Chỉ cần bỏ ra khoảng 100.000 đồng là tôi đã có một cốc nước, một phần cơm và "combo" giờ chơi tới sáng", Hưng (20 tuổi), một game thủ quen mặt tại quán cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên, tại quán game này bán "thẻ combo" giá 35.000 đồng cho các game thủ, với giờ chơi từ 23h - 6h sáng hôm sau.
Tại đây có đầy đủ dịch vụ ăn uống với nhiều mức giá, người chơi không cần phải ra ngoài mà có thể gọi trực tiếp tại bàn. Chỉ cần 1 click chuột và thanh toán, tất cả đồ ăn đồ uống sẽ được phục vụ tận bàn. Không những vậy người chơi còn có thể nạp giờ chơi và mua thẻ game tại chỗ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Vikings Cyber - Esports Arena (165 Cầu Giấy) chỉ là một chi nhánh nằm trong hệ thống quán game quy mô lớn có các cơ sở ở Hà Nội và TPHCM.
Tại một quán game khác cũng của hệ thống trên tại số 713 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội), chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng hoạt động xuyên ngày đêm.
Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 72/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15.7.2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng không được hoạt động từ 22h đêm đến 8h sáng hôm sau.
Tuy vậy, thực tế hiện nay, nhiều phòng game ở Hà Nội hoạt động xuyên ngày đêm. Tình trạng này phổ biến ở các hệ thống game lớn (gồm nhiều cơ sở, đặt rải rác trên địa bàn các quận, mỗi cơ sở có hàng trăm máy game) như Game Home, Spartcus Gaming Center.
Mối nguy hiểm từ việc "cày" game thâu đêm suốt sáng
Tình trạng nghiện game online và chơi game liên tục trong thời gian dài đã từng được các chuyên gia y tế và cơ quan báo chí, truyền thông cảnh báo nhiều lần.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, người sử dụng Internet 5-6 giờ mỗi ngày sẽ không có sức khỏe để tham gia các hoạt động xã hội như học tập hoặc chơi thể thao. Khi tập trung quá lâu vào màn hình máy tính sẽ khiến cho mắt mệt mỏi và nhức đầu.
"Khi đã nghiện game thì sẽ khó có thể thoát ra ngoài môi trường bình thường được", bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.
TS.BS Ngô Anh Vinh - Phó trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, nghiện game online sẽ để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe tinh thần của trẻ như: Rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, mất tập trung và giảm trí nhớ, mắc các bệnh lý về mắt, cơ xương khớp do cường độ làm việc lớn của đôi mắt và ngồi một tư thế quá lâu.
Đặc biệt, trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn hình thành nhân cách. Vì vậy, nghiện game có thể gây tác động xấu đến tương lai của trẻ. Một số trò chơi mang tính chất bạo lực có thể khiến trẻ có xu hướng hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời.