Việc xây nhà trên đất do bố mẹ vợ tặng có thể phát sinh tranh chấp khi ly hôn. Tài sản được xác định là chung hay riêng sẽ căn cứ vào thỏa thuận tặng cho và sự đóng góp của hai vợ chồng.
Việc xây nhà trên đất được bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng tặng cho tưởng chừng đơn giản nhưng lại tiềm ẩn nhiều tranh chấp pháp lý khi vợ chồng ly hôn. Nếu không làm rõ ngay từ đầu về quyền sở hữu, việc phân chia tài sản sẽ trở nên phức tạp, dễ gây tổn thương cho các bên.
Thực tế, nhiều người vì tin tưởng nhau trong lúc hôn nhân hạnh phúc mà không ràng buộc giấy tờ rõ ràng, đến khi rạn nứt mới vỡ lẽ, tranh chấp không chỉ tài sản mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm gia đình hai bên.
Anh Nguyễn Văn Cường, 35 tuổi, trú tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) băn khoăn: "Vợ chồng tôi kết hôn năm 2015. Năm 2017, bố mẹ vợ cho chúng tôi một mảnh đất để xây nhà ở. Thủ tục sang tên đất chỉ ghi tên vợ tôi, vì khi đó tôi nghĩ chuyện vợ chồng thì không cần tính toán. Cả hai cùng dành dụm, vay mượn thêm để xây căn nhà 3 tầng trên đó. Nay, do mâu thuẫn, chúng tôi đang tiến hành ly hôn. Tôi muốn hỏi, với căn nhà và mảnh đất này, pháp luật sẽ xử lý việc chia tài sản như thế nào? Tôi có được quyền với căn nhà đã cùng vợ gây dựng hay không?".
Xây nhà trên đất của bố mẹ vợ cho, ly hôn sẽ chia tài sản thế nào? Ảnh minh hoạ.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định của pháp luật thì tài sản vợ chồng có thể là tài sản riêng hoặc tài sản chung. Điều 33, Luật hôn nhân và gia đình quy định tài sản chung của vợ chồng bao gồm:
1. “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung".
Ngoài ra, điều 43 luật hôn nhân và gia đình cũng quy định tài sản riêng vợ chồng như sau:
1. “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này".
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, với bất động sản nguồn gốc của cha mẹ nếu đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và làm thủ tục để tặng cho, sang tên đứng tên cả hai vợ chồng thì bất động sản đó là tài sản chung vợ chồng theo quy định của pháp luật, ngôi nhà được xây dựng bằng tài sản chung trên thửa đất đã được bố mẹ cho thì cả nhà và đất đều là tài sản chung vợ chồng, nếu ly hôn thì tài sản này sẽ chia đôi theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thửa đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bố mẹ tặng cho đứng tên một mình vợ hoặc chồng, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên vợ hoặc chồng thì đây là tài sản riêng vợ/chồng. Nếu ngôi nhà được xây dựng bằng tài sản do hai vợ chồng tích cóp dành dụm hoặc cùng nhau vay mượn thì ngôi nhà là tài sản chung còn thửa đất là tài sản riêng.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì ngôi nhà được tạo lập do tài sản chung của hai vợ chồng (Số tiền xây dựng ngôi nhà là tài sản do vợ chồng tích góp, vay mượn) thì đó là tài sản chung vợ chồng. Còn đối với thửa đất, nếu đã được cấp giấy chứng nhận hợp pháp đứng tên hai vợ chồng thì thửa đất là tài sản chung vợ chồng.
Trường hợp thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên một người thì chưa đủ cơ sở để xác định đó là tài sản chung đối với đất.