Ca bệnh nữ 30 tuổi tại phúc Thọ - Hà Nội là bệnh nhân mới nhất bị nhiễm dịch covid 19, theo đó, ngày 1/8, chị được test nhanh, cho kết quả âm tính.
Ngày 6/8, chị bị sốt nên cơ quan y tế tiếp tục lấy mẫu dịch hầu họng gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội). Sớm 7/8, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR-RT cho thấy chị này dương tính với nCoV. Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.
Tuy vậy, đây là ca bệnh được cộng đồng đánh giá cao trong phòng chống dịch covid 19. Cụ thể, cả gia đình nữ bệnh nhân đã chủ động cách li tại nhà, thông báo tới chính quyền địa phương sau khi biết tin Đà Nẵng có dịch covid 19 và hạn chế tiếp xúc tối đa với người ngoài, qua đó cũng nhận được lời khích lệ, khen ngợi từ cộng đồng mạng. Nhiều thành viên của mạng xã hội facebook đánh giá, gia đình nữ bệnh nhân ý thức trách nhiệm đến cộng đồng và xã hội.
Bệnh cạnh đó nhiều thắc mắc về xét nghiệm âm tính lại dương tính covid 19? chúng ta cần tìm hiểu rõ về cơ chế lây của loại virus này.
Vì sao test nhanh Âm Tính vẫn có thể Dương tính ?
Theo BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, nếu người bệnh mới mắc COVID-19, cơ thể chưa sinh ra kháng thể hoặc cũng có thể có liên quan tới nồng độ virus trong máu. Do vậy, khi xét nghiệm nhanh ở thời điểm này có thể không tìm thấy kháng thể (cho ra kết quả âm tính). Trong khi xét nghiệm khẳng định bằng Realtime RT-PCR, mẫu bệnh phẩm được lấy từ vùng dịch hầu họng để tìm virus, độ nhạy và độ đặc hiệu sẽ cao hơn.
Cùng quan điểm này, BS Đồng Phú Khiêm - Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận định, không phải người nhiễm virus SARS-CoV-2 nào cũng sinh ra kháng thể, và kháng thể cũng không phải được tạo ra ngay sau khi bị nhiễm virus.
Nhiều nghiên cứu về COVID-19 cho thấy chỉ có 23% người nhiễm SARS-CoV-2 có kháng thể IgM sau 1 tuần bị nhiễm, 58% người mới có kháng thể sau 2 tuần; và 75% người bị nhiễm sau 3 tuần mới có kháng thể.
Theo một nghiên cứu về diễn biến của virus SARS-CoV2 và kháng thể sinh ra trong cơ thể người bệnh, virus có thể xuất hiện trong dịch mũi họng (xét nghiệm bằng Realtime RT-PCR) 1 tuần trước khi triệu chứng xuất hiện và kéo dài tới nhiều ngày sau, một số vẫn còn biểu hiện ít nhất dưới dạng “xác virus” kéo dài như chúng ta đã thấy.
Test nhanh chỉ thấy kháng thể sớm nhất từ tuần thứ 2 sau khi tiếp xúc với người bệnh trước, khả năng test nhanh dương tính cao nhất là sau 2 -3 tuần.
Điều này có nghĩa là, nếu ngày đầu tiên tiếp xúc người bệnh là thứ Hai tuần này, thì ít nhất, tới thứ Hai tuần sau, khi test nhanh mới có thể tìm ra kháng thể. Trong những ngày từ thứ Ba tới Chủ nhật đó, nếu thấy test nhanh âm tính, chớ vội mừng.
Vì thế test nhanh âm tính chỉ cơ bản yên tâm khi người dân đã về từ vùng dịch quá 14 ngày. Nếu kết quả xét nghiệm nhanh âm tính khi về từ vùng dịch chưa đủ 14 ngày thì người bệnh vẫn có thể vẫn có virus nhân lên trong cơ thể và tới 40% là không biểu hiện ra bên ngoài.
Do đó, Bộ Y tế yêu cầu tất cả những trường hợp test nhanh âm tính nhưng có yếu tố dịch tễ (trở về từ vùng dịch, đi đến các điểm cảnh báo Bộ Y tế đã thông báo...) vẫn phải tuân thủ cách ly 14 ngày theo đúng quy định.
Tại sao có người bị lây người không bị?
Theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng, virus corona không tự lây truyền qua không khí mà được bao bọc bên trong môi trường là các dịch cơ thể của người bệnh khi ho, hắt hơi, nói chuyện.
Những người có tiếp xúc gần, bao gồm đi, làm việc chung và tiếp xúc trong bán kính 2 m phải lập tức cách ly tạm thời, theo dõi thời gian ủ bệnh để hạn chế sự lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, một số trường hợp tiếp xúc hoặc nghi ngờ tiếp xúc vẫn cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona (nCoV).
Con đường lây truyền của virus corona
Trương Hoàng Hưng, bác sĩ Nhi khoa và giảng dạy lâm sàng tại Texas Tech University (TTU), Texas, Mỹ, cho biết virus corona lây nhiễm từ người sang người theo hai con đường chính:
- Trực tiếp qua các giọt chất tiết cực nhỏ từ đường hô hấp của người bệnh. Mỗi lần người bệnh ho hay hắt hơi, hàng chục nghìn các giọt nhỏ li ti này sẽ bay lơ lửng trong môi trường xung quanh khiến người xung quanh hít phải trong phạm vi 1-2 m.
Ngoài ra, các giọt chất tiết này có thể bám vào quần áo, đồ vật xung quanh và trở thành con đường thứ hai. Do đó, nên phải ho, hắt hơi đúng cách (che bằng khuỷu tay hay khăn giấy và rửa tay
- Gián tiếp qua tiếp xúc với các chất tiết của người bệnh qua đồ vật, môi trường xung quanh. Ví dụ như người bệnh lấy tay che miệng khi ho hay hắt hơi, bàn tay đầy mầm bệnh đó cầm lấy tay nắm cửa và để lại một tay nắm cửa đầy virus trên đó.
Người kế tiếp cầm vào tay nắm cửa, đem virus để lên tay mình, sau đó cho vào miệng, chùi lên mắt, chăm sóc con cái, gieo rắc mầm bệnh cho mình và cả người xung quanh. Vì vậy, rửa tay bằng xà phòng là phương pháp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đơn giản mà hiệu quả.
Trong các con đường lây nhiễm trên, cách thứ nhất ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường, người bệnh vừa hắt hơi thì người ngồi kế bên sẽ dính nhiều dịch tiết hơn cả.
Con đường thứ hai sẽ bị tác động bởi môi trường rõ ràng hơn. Đó là vì mức độ lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với đồ vật trong môi trường tuỳ thuộc việc con virus sống được bao lâu trong môi trường đó. Nó sống càng lâu, càng dai dẳng, khả năng lây nhiễm càng cao.
Điều kiện để lây nhiễm nCoV trong môi trường
Bác sĩ Hưng cho biết trong các nghiên cứu về khả năng tồn tại trong môi trường của virus gây bệnh SARS, người ta nhận thấy môi trường càng lạnh và càng khô (độ ẩm thấp) thì virus càng sống lâu.
Ở 4 độ C, virus sống hơn một tháng trong môi trường. Ở nhiệt độ phòng 22-25 độ C, độ ẩm 40-50%, virus sống khoẻ tới 5 ngày, sau đó giảm từ từ.
Ở nhiệt độ vừa phải 28-33 độ C, độ ẩm không ảnh hưởng tới virus đáng kể, nó cũng có thể sống trong môi trường tới 4-5 ngày. Chỉ khi nhiệt độ đạt tới 38 độ C và độ ẩm đạt tới 80-90%, virus sẽ giảm mạnh sau 24 giờ. Nhiệt độ đạt tới 56 độ C, virus bị tiêu diệt sau 15 phút.
Điều này giải thích những nơi không quá nóng và có độ ẩm thấp như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), dễ có dịch hơn các vùng nóng và ẩm như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Nếu điều kiện nhiệt độ ở Hà Nội là 12 độ C, độ ẩm 76%, virus SARS sẽ sống tốt trong 4-5 ngày bên ngoài cơ thể. Ở TP.HCM là 24 độ C, độ ẩm 91%, SARS sẽ sống tốt khoảng một ngày. nCoV cũng là biến chủng của virus corona, do đó, khả năng sống sót sẽ không thua kém SARS.
Về vấn đề những người có tiếp xúc gần với người mang virus corona nhưng vẫn cho kết quả xét nghiệm âm tính, bác sĩ Hưng cho rằng virus chỉ có thể lây truyền qua tiếp xúc dịch tiết và không thể lơ lửng trong không khí. Người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh nhưng không tiếp xúc dịch tiết, khả năng nhiễm bệnh không cao.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội kiêm điều hành khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết virus corona có kích thước nhỏ, không thể nào bay lơ lửng ra môi trường không khí. Loại virus này phải được bao bọc trong môi trường mà nó phát tán.
Môi trường này chính là những giọt dịch tiết từ cơ thể người phát ra ngoài khi nói chuyện, ho, hắt hơi… hoặc tiếp xúc các dịch tiết bám trên bề mặt, tay chân, quần áo… Người lành sẽ nhiễm bệnh tiếp xúc các dịch tiết phát ra từ người mắc bệnh.
Vì vậy, để phòng lây nhiễm bệnh, người dân nên đeo khẩu trang để che chắn đường hô hấp, tránh hít phải các giọt bắn có nCoV; thay khẩu trang thường xuyên, không tiếp xúc với mặt ngoài của khẩu trang. Duy trì rửa tay thường xuyên để giảm tiếp xúc với virus gây bệnh và tránh mút tay, đưa tay lên miệng, mắt.
Nếu nghi ngờ tiếp xúc người nhiễm bệnh, cần tuân thủ việc khai báo y tế, tự cách ly 14 ngày để phát hiện dấu hiệu bất thường của cơ thể trong thời gian ủ bệnh.
Theo TTXVN