Sau một gian thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi, doanh nghiệp đã đổi tên một số sản phẩm thành thực phẩm chức năng để tránh phải thuộc đối tượng thực hiện các biện pháp bình ổn giá.
Bộ Tài chính đã gửi Chính phủ tờ trình, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giá (Dự thảo).
Về thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện bình ổn giá, dự thảo quy định Bộ Công thương chủ trì thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi. Tuy nhiên, Bộ Công thương đề xuất chuyển cho Bộ Y tế.
DN sữa đã đổi tên sản phẩm để tránh phải bình ổn giá?
Tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đánh giá, theo Bộ Công thương hầu hết các sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ em dưới sáu tuổi đang lưu hành trên thị trường thuộc diện kê khai giá đều lấy tên là sản phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung...nên theo quy định sẽ thuộc nhóm sản phẩm chức năng do Bộ Y tế quản lý….
Hơn nữa sau thời gian thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi, doanh nghiệp (DN) đã đổi tên một số sản phẩm sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi thành thực phẩm chức năng để tránh phải thuộc đối tượng thực hiện các biện pháp bình ổn giá.
Việc phân công Bộ Công thương chủ trì bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi sẽ dễ xảy ra bất cập.
Trong khi đó, Bộ Y tế đề nghị giao mặt hàng sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi cho Bộ Công thương, UBND cấp tỉnh tiếp nhận kê khai giá, do theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP sản phẩm sữa chế biến thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương.
Và thực tế Bộ Công thương đã triển khai việc tiếp nhận kê khai giá sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi từ ngày 1-1-2017 đến nay không có vướng mắc.
Bộ Công thương không có kiến thức để biết sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi
Do chưa thống nhất, và trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, ngày 24-6 Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp giữa hai Bộ để thống nhất việc giao cơ quan chủ trì thực hiện bình ổn giá.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho rằng mình chỉ chủ trì một phần đối với sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi theo Thông tư 30/2013 quy định gồm: Sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành.
Sữa và các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng có công bố sử dụng cho trẻ em dưới sáu tuổi, nhưng không theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định tại Thông tư 30/2013.
Nhóm còn lại là sữa công bố sử dụng cho trẻ em dưới sáu tuổi không theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định tại Thông tư 30/2013, không thuộc thẩm quyền chủ trì của Bộ Y tế.
Bộ Công thương vẫn bảo lưu quan điểm cơ quan chủ trì bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi là Bộ Y tế do hiện nay việc công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn, danh mục sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi do Bộ Y tế ban hành theo Thông tư 30/2013.
Bộ Công thương không có kiến thức để biết sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi gồm các thành phần gì. Hiện cũng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn thực phẩm đối với sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi.
Theo Bộ Tài chính, qua rà soát Nghị định 15/2018, Bộ Công thương được chủ trì quản lý đối với một số mặt hàng trong đó có sữa chế biến nhưng không gồm sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi.
Thực tế hiện nay các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi DN đang kê khai giá đều lấy tên là sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ.
Không phải sữa đơn thuần mà đã bổ sung vi chất dinh dưỡng, Bộ Y tế là cơ quan chủ trì đối với sản phẩm sữa chế biến bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Căn cứ cơ sở pháp lý, thực tiễn trên, theo quan điểm của Bộ Tài chính, Bộ Y tế chủ trì bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi là có cơ sở.
Vì vậy, dự thảo Nghị định trình Chính phủ quy định Bộ Y tế chủ trì thực hiện bình ổn giá mặt hàng này.