Trên địa bàn TP Hà Nội có rất nhiều cơ sở thu mua phế liệu tập trung đồ dễ cháy như giấy, thùng xốp, chai nhựa... Đa phần các cơ sở này nằm trong khu dân cư, điều kiện quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hầu hết là thiếu. Với điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, tại các kho phế liệu này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Nằm xen lẫn trong khu dân cư đông đúc, từ nhiều năm nay, hoạt động của cơ sở thu gom phế liệu tại tổ dân phố 22A, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội để lại những hình ảnh thiếu thiện cảm. Căn nhà lụp xụp, thiếu ánh sáng, dây điện mắc chằng chịt, hàng hóa chất ngổn ngang. Rất nhiều thùng xốp vứt ngay cạnh trụ điện, chai lọ nhựa xếp kín từ trong nhà ra tới ngoài đường. Trong khi đó, bình cứu hỏa bị rỉ sét, vứt một góc, không biết có còn sử dụng được hay không. Ông Vũ Hồng Hưng, Tổ trưởng tổ dân phố 22A cho biết: “Hoạt động của cơ sở thu mua phế liệu này đang khiến người dân rất bức xúc. Tuy nhiên, khu dân cư cũng chỉ có thể tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở thu gom phế liệu phải bảo đảm an toàn PCCC”.
Tại thôn Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), nghề thu gom, tái chế phế liệu đã có từ lâu. Thôn Triều Khúc có gần 3.000 hộ dân, trong đó 70% số hộ dân làm nghề thu gom phế thải để tái chế. Người dân Triều Khúc thường thu gom rác thải nhựa ở khắp nơi. Quy trình sản xuất của làng nghề này vẫn theo phương pháp thủ công. Những bãi tập kết có mặt bằng chật hẹp, vỉa hè, lòng đường biến thành nơi phơi hạt nhựa, tập kết phế liệu. Các công xưởng tái chế thường có nhà xưởng tạm bợ, mái tôn sát nhau, nếu xảy ra cháy rất dễ lan sang hộ liền kề. Từ năm 2017 đến nay, tại đây đã xảy ra 5 vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống cháy nổ.
Chủ một cơ sở thu mua phế liệu tại thôn Triều Khúc cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cháy nổ chủ yếu là do chập điện, hút thuốc lá tại nơi sản xuất... Còn hàng hóa phế liệu, nhập về đến đâu là bán đến đó, không để lưu cữu nên khó xảy ra tình trạng cháy nổ. Tuy nhiên, một số công nhân làm việc tại các cơ sở thu mua này lại tỏ ra lo lắng vì sự lơ là, chủ quan của chủ cơ sở. Bản thân những công nhân này cũng chưa từng được tập huấn, sử dụng bình chữa cháy nên nếu xảy ra hỏa hoạn cũng khó có thể là lực lượng chữa cháy ban đầu. Ông Nguyễn Văn Lăng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết: “UBND xã cũng đã xây dựng kế hoạch đưa ra các biện pháp PCCC tại các thôn có tập trung nhiều cơ sở thu mua phế liệu. Chúng tôi đã mở lớp tuyên truyền cho các hộ kinh doanh dễ gây cháy nổ và thành lập các tổ liên gia PCCC. Việc quy định quản lý vẫn còn chồng chéo, các cơ sở kinh doanh này do địa phương quản lý, thế nhưng việc quản lý chuyên môn về PCCC lại thuộc đơn vị chuyên ngành PCCC. Do đó, địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc ra quân nhắc nhở”.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phan Anh, Phó trưởng khoa Phòng cháy, Trường Đại học PCCC cho biết: “Các cơ sở thu mua phế liệu chủ yếu là lán tạm, đất trống nằm rải rác trong khu dân cư nên nguy cơ cháy nổ phế liệu là rất lớn. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức rà soát, yêu cầu các chủ cơ sở thu mua phải phân loại vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao để xa khu có nguồn nhiệt, nguồn điện; tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở này, đồng thời buộc họ phải chấp hành các quy định của Nhà nước, nhất là đối với công tác PCCC trong thời điểm mùa nắng nóng”.
Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, các chủ cơ sở phế liệu cũng cần nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, các biện pháp chống cháy lan. Sắp xếp hàng hóa gọn gàng, không để hàng hóa, vật dụng trên lối thoát nạn, gần nơi đun nấu, thờ cúng, sát đường dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện. Thường xuyên kiểm tra, khắc phục các sai phạm, thiếu sót của hệ thống điện. Các thiết bị bảo vệ, hệ thống dây dẫn, ổ cắm phải bảo đảm chất lượng, không để xảy ra quá tải gây cháy.