Tại Nghị quyết chất vấn kỳ họp thứ 8 được thông qua ngày 30/11, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025 để bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa thuốc lá điện tử là sản phẩm có hệ thống phân phối điện tử dạng thiết bị hay tách riêng các bộ phận, được thiết kế không cháy, chỉ làm hóa hơi dung dịch mà người dùng hít vào. Dung dịch này có thể chứa nicotine hoặc không chứa nicotine, cùng các chất độc hại khác như hạt mịn (PM), propylene glycol, glycerin, formaldehyde, acetaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs), nitrosamine (TSNAs), kim loại, hạt silicate, các chất dicarbonyl (glyoxal, methylglyoxal, diacetyl) và hydroxycarbonyl (acetol). Người hút thuốc lá điện tử sẽ hít phải những hóa chất nêu trên, gây hại cho chính mình và người xung quanh.
Ghi nhận của VnExpress cho thấy các sản phẩm thuốc lá điện tử rao bán trên thị trường hiện nay dao động 100.000 đồng đến 200.000 đồng một cái. Không chỉ có thiết kế đa dạng, nhiều hình thù ngộ nghĩnh, chúng có hàng chục mùi hương khác nhau, đặc biệt thu hút học sinh.
Chị Mai Phương ở Đà Nẵng cho biết thuốc lá điện tử hình con vật rất được ưa chuộng nhờ thiết kế dễ thương và có hơn 10 loại mùi đặc trưng. Giá lẻ là 130.000 đồng, còn mua sỉ từ 20 chiếc chỉ 110.000 đồng mỗi cái.
Chuyên bán các sản phẩm thuốc lá điện tử ẩn dưới dạng móc khóa hình gấu bông, nhân vật hoạt hình hoặc hộp sữa, ông Hoàng, một đầu mối tại Gò Vấp, TP HCM, cho biết hàng có thể vận chuyển toàn quốc. Bên cạnh thuốc lá, ông còn bán cả tinh dầu đủ loại. "Tôi đã tiêu thụ hàng nghìn chiếc với đủ kích thước và mẫu mã", ông nói.
Không chỉ bán công khai trên các trang mạng xã hội, sản phẩm còn xuất hiện tràn lan trên TikTok và YouTube qua các video giới thiệu và hướng dẫn sử dụng. Nhiều hội nhóm mua bán sỉ với hơn 10.000 thành viên cũng rao bán sản phẩm này hàng ngày. Người bán khẳng định có thể đáp ứng mọi yêu cầu về mẫu mã. Một số sản phẩm tích hợp tới 12 mùi hương trái cây, thu hút mạnh nhóm khách hàng trẻ.
Một đầu mối tại quận 12, TP HCM, cho biết mỗi lô hàng thường nhập từ 500 đến 1.000 chiếc, chủ yếu qua đường xách tay hoặc đường bộ. "Năm nay, lượng hàng tăng 20% nhờ mẫu mã bắt mắt hơn. Khách đặt số lượng lớn phải cọc trước 30%," ông nói. Trong số các mẫu mã, hàng dùng một lần có giá siêu rẻ giúp người sử dụng dễ dàng cập nhập xu hướng, mùi vị mới thay vì dùng loại tái sử dụng. Với loại tái sử dụng phải mua thêm lọ tinh dầu để nạp khi hết và thay cục dây hoặc đầu pod sau một thời gian sử dụng.
Theo Cục Quản lý Thị trường TP HCM và Hà Nội, phần lớn sản phẩm thuốc lá điện tử trên thị trường là nhập lậu. Trong hai ngày 13-14/11, lực lượng quản lý thị trường quận Hoàn Kiếm đã xử lý nhiều vụ buôn bán, tạm giữ 170 sản phẩm, gồm 150 thiết bị dùng một lần và 50 lọ tinh dầu không hóa đơn chứng từ.
Tại TP HCM, hai tháng qua, nhiều vụ vi phạm đã bị xử lý với mức phạt hàng trăm triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, hơn 16.000 sản phẩm, phụ kiện và tinh dầu thuốc lá điện tử trị giá 5,4 tỷ đồng đã bị tịch thu và tiêu hủy.
Còn trên địa bàn Thái Nguyên, Tổng cục quản lý thị trường cho hay từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng xử lý 7 vụ vi phạm về mặt hàng thuốc lá thế hệ mới. Tổng số tiền xử phạt hơn 30 triệu đồng, buộc tiêu hủy 232 máy làm nóng tinh dầu và 80 lọ tinh dầu có tổng trị giá hơn 70 triệu đồng.
Trong phiên chất vấn về y tế hôm 11/11, thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho hay tỷ lệ sử dụng sản phẩm này tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ lớn với sức khỏe, đặc biệt ở giới trẻ. Khảo sát năm 2020 cho thấy tỷ lệ người dùng sản phẩm này trong nhóm tuổi 15-24 cao nhất, tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6%.
Theo các chuyên gia y tế, Nicotine trong thuốc lá điện tử vẫn gây nghiện, ảnh hưởng xấu đến tim mạch, hệ thần kinh và hơi vape tiềm ẩn nguy cơ tổn hại phổi. Ngoài ra, hàng dùng một lần còn gây lượng rác thải điện tử lớn, khó tái chế.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết triệu chứng bệnh nhân nhập viện do hút sản phẩm này chủ yếu là dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp, nguy hiểm nhất là tình trạng thuốc lá điện tử trộn ma túy. Điểm chung của các bệnh nhân là tình trạng đều rất nặng với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, không kiểm soát được hành vi, tổn thương não và nhiều cơ quan khác. Các mẫu xét nghiệm cho thấy thuốc lá điện tử được trộn 3-4 loại ma túy, trong khi trước đây chỉ có một.
Số liệu của Bộ Công an chỉ ra 6 tháng đầu năm, liên quan đến thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy, công an cả nước phát hiện, bắt giữ, khởi tố 35 vụ với 83 bị can; xử lý 24 vụ, 31 can phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy. Thuốc lá mới không chỉ được nhập lậu vào Việt Nam, mà đã xuất hiện từ một doanh nghiệp nhập linh kiện, tinh dầu và tổ chức gia công, sản xuất với số lượng lớn.
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, bao gồm các quy định cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO ở Việt Nam, cũng từng nhận định Việt Nam hiện chưa có thị trường thuốc lá điện tử, chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và qua Internet. "Do đó, rất khả thi khi ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường", ông Lâm nói.