Sau hơn 40 năm khai hoang, lập hộ và sở hữu đầy đủ giấy tờ công nhận đất sử dụng hợp pháp trước năm 1993, bà Phan Thị Thanh chỉ được cấp chứng nhận một phần diện tích đất ở. Điều đáng nói là, bà đã nộp thuế chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất làm nhà từ những năm 1992, song vẫn chưa được công nhận toàn bộ diện tích đất đã sử dụng lâu đời.
Từ năm 1982, gia đình bà Thanh sử dụng thửa đất hỗn hợp rộng 6.652m2, trong đó có 1.000m2 đất được xác định là đất để ở. Đến năm 1992, gia đình đã hoàn thành nghĩa vụ đóng phí chuyển đổi 1.000m2 đất vườn lên đất thổ cư đối với toàn bộ diện tích trên.
Tuy nhiên, khi được cấp sổ lần đầu tiên vào năm 2002, diện tích đất ở ghi trên sổ chỉ còn 200m2, trong khi đó diện tích còn lại được ghi là đất vườn. Việc này đã gây ra nhiều tranh cãi và khiếu nại của gia đình bà Thanh trong suốt nhiều năm qua.
Trong hồ sơ của bà Thanh đã có đầy đủ hồ sơ gồm giấy xác nhận diện tích đất ở, phiếu thu chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Xã Lương Sơn được thành lập năm 1953 và được sáp nhập vào thành phố Thái Nguyên năm 1976, vẫn giữ tên xã Lương Sơn, cho tới ngày 15/05/2015, xã này được sáp nhập về Thị xã Sông Công (nay là TP Sông Công - Thái Nguyên) và nhận quyết định thành lập phường Lương Sơn. Là một xã mang đậm dấu ấn "nông thôn", theo thông tin tại Cổng thông tin điện tử Thành phố Sông Công, hiện tại phường Lương Sơn có tổng số hộ là 3.192 hộ với 12.650 nhân khẩu, phân bố ở 24 TDP, có 70% dân số làm nông nghiệp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 4,4%, chính vì vậy bà Thanh cho rằng ở thời điểm năm 2002, khu đất bà đang sinh sống chỉ được coi là đất nông thôn, không thể tính là đất đô thị.
Theo Điều 54, Luật đất đai 1993 quy định về Đất khu dân cư nông thôn:
Điều 54
Căn cứ vào quỹ đất đai của địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức đất mà mỗi hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng để ở theo quy định của Chính phủ đối với từng vùng nhưng không quá 400 m2; đối với những nơi có tập quán nhiều thế hệ cùng chung sống trong một hộ hoặc có điều kiện tự nhiên đặc biệt, thì mức đất ở có thể cao hơn, nhưng tối đa không vượt quá hai lần mức quy định đối với vùng đó.
|
Với hộ gia đình có nhiều thế hệ sinh sống như nhà bà Phan Thị Thanh, diện tích 200m2 để cấp quyền sử dụng đất ở là điều bất hợp lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong công văn số: 75/BC-UBND - Thái Nguyên ngày 4/12/2006 về việc "Báo cáo phương án xử lý những trường hợp đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất ở có vườn, áp nhưng không tách đất ở và đất vườn, ao mà ghi chung là “Thổ cư” hoặc chữ “T” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên", nguyên nhân của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định là:
1. Cơ quan chuyên môn của UBND các huyện, thành phố, thị xã khi thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã không nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về đất đai, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất ở có vườn, ao tại thời điểm đó.
2. Do các huyện, thành phố, thị xã khi triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách ồ ạt, mang tính chất phong trào.
3. Thiếu sự kiểm tra của cơ quan chuyên môn các cấp trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
4. Năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ các cấp còn hạn chế.
Công văn trên cũng chỉ rõ:
Tại văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Ban quản lý ruộng đất và Đo đạc bản đồ Bắc Thái đã quy định rõ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở được thực hiện như sau:
- Khu vực nông thôn: Các huyện Phổ Yên, Phú Bình, thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công mỗi hộ tối đa không quá 300m2. Các huyện còn lại của tỉnh mỗi hộ tối đa không quá 400m2.
|
Do hồ sơ lưu về trường hợp của gia đình bà Thanh đã chuyển đi chuyển lại từ nhiều nơi, từ Tỉnh Bắc Thái (được tách ra thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên năm 1997) Thành Thái Nguyên, Thị Xã Sông Công, TP Thái Nguyên, nên đến nay hồ sơ cấp sổ hộ Ông Bà Phan Thị Thanh và Dương Văn Hồng vẫn chưa được cấp đổi theo đúng quy định của pháp luật.
Chúng tôi đã có buổi làm việc với cán bộ phòng địa chính xã Lương Sơn (nay là Phường Lương Sơn, TP Sông Công, Thái Nguyên) để nắm rõ hơn tình hình. Chính quyền địa phương cho biết đây là trường hợp đặc biệt, phức tạp và kéo dài nhiều năm nay mà địa phương chưa giải quyết được dứt điểm. "Chúng tôi vẫn đang tiếp tục gửi hồ sơ lên TP Thái Nguyên và các cấp cao hơn về trường hợp này. Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để rà soát lại toàn bộ hồ sơ, đối chiếu với các quy định pháp luật nhằm tìm ra hướng xử lý phù hợp nhất, đảm bảo quyền lợi cho người dân", đại diện phòng địa chính Lương Sơn cho biết.
Như vậy, với tình huống hi hữu này, gia đình bà Thanh đang trong tâm trạng thấp thỏm chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng với diện tích đất ở mà gia đình được công nhận và hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế năm 1992. Đây là vụ việc vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương với các cơ quan chức năng tỉnh để tìm ra hướng xử lý cuối cùng, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.
Bài viết được đăng tải trên Đặc san Khoa học Chính sách Pháp luật số 03