Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi được Quốc hội thảo luận trên hội trường trong phiên họp sáng 9/5, với nhiều ý kiến trái chiều về việc nhiều mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nhưng riêng với thuốc lá, hầu hết ý kiến phát biểu đều ủng hộ việc tăng thuế với mặt hàng này để hạn chế những tác động tiêu cực.
Đề nghị tăng ngay, tăng mạnh, tăng thường xuyên
Điều 8 dự thảo luật đưa ra mức thuế suất đối với thuốc lá là 75% và theo lộ trình tăng dần và thuế tuyệt đối là ít nhất 2.000 đồng/bao vào năm 2027 và tăng dần đạt 10.000 đồng/bao vào năm 2031.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Ảnh: Hồng Phong).
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới, thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. WHO cũng khuyến cáo thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm tiêu thụ các sản phẩm này, theo ông Trí.
Ở nhiều quốc gia, ông Trí cho rằng việc điều chỉnh tăng thuế thuốc lá là một giải pháp mang lại lợi ích kép, vừa tăng thu, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, nguồn thu ổn định từ thuế thuốc lá đảm bảo nguồn tài chính cho các chương trình y tế cộng đồng.
Ví dụ, tại Philippines sau khi tăng thuế thuốc lá mạnh năm 2012, tỷ lệ hút thuốc lá giảm từ 27% xuống còn 19,5%, trong khi nguồn thu thuế thuốc lá tăng từ 680 triệu USD năm 2012 đã lên 2,9 tỷ USD năm 2022.
Ở Thái Lan, từ năm 1993 đến năm 2017 tăng thuế thuốc lá 11 lần và kết quả giảm tỷ lệ hút thuốc từ 32% xuống còn 19,1% và thu ngân sách tăng 4 lần, tức là 500 triệu USD lên 2,3 tỷ USD.
"Vậy tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên được các quốc gia trên thế giới đánh giá là một chính sách cùng thắng, thắng trong bảo vệ sức khỏe và thắng trong nguồn thu ngân sách của Nhà nước", ông Trí nói.
So với các nước ASEAN, vị đại biểu nhận định Việt Nam đang ở mức thuế rất thấp, thuế tính trên giá bán lẻ thuốc lá khoảng 36%, thấp hơn nhiều quốc gia như Thái Lan là 78,6%, Philippines là 71,3%, Singapore là 67,5%.
Điều này khiến giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn thuộc loại hàng rẻ nhất Đông Nam Á, theo lời ông Trí.
"Đề nghị Quốc hội xem xét để tăng ngay, tăng mạnh và tăng thường xuyên thuế thuốc lá", ông Trí nêu quan điểm.
Từ số liệu của Bộ Y tế, ông Trí thông tin Việt Nam hiện có hơn 15 triệu người hút thuốc, nằm trong top 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới, ước tính mỗi năm có hơn 100.000 ca tử vong do các bệnh gây ra do hút thuốc chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
Theo báo cáo nghiên cứu của Hội Kinh tế Y tế năm 2022, chi phí y tế cho điều trị và mất sức lao động do bệnh tật và tử vong sớm liên quan đến sử dụng thuốc lá hàng năm ở Việt Nam ước tính lên đến 108.000 tỷ đồng, tức là khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương 1,14% GDP. "Vì sinh mạng nhân dân xin đừng chần chừ và nương nhẹ", ông Trí nhấn mạnh.
Tăng thuế nhưng cần kiểm soát chặt thuốc lá lậu
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) đánh giá điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là bước đi đúng đắn, cần thiết và cấp bách nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, nhất là trong giới trẻ.
"Việc tăng thuế không nhằm gây khó khăn cho ngành sản xuất mà là một chiến lược toàn diện để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tăng cường trách nhiệm xã hội và hướng đến phát triển bền vững", bà Uyên nói.
Nữ đại biểu cho rằng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam còn thấp và với mức giá bán lẻ hiện tại, người có thu nhập thấp, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên cũng dễ tiếp cận.
Vì vậy, bà Uyên đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ngay từ đầu năm 2026 với mức tăng theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, để đạt mức thuế tuyệt đối là 15.000 đồng/bao và thuế tỷ lệ là 75%.
Cùng với đó, theo đại biểu, cần kiểm soát chặt chẽ đối với buôn lậu thuốc lá, gian lận thương mại và thất thu thuế, đặc biệt tại các khu vực biên giới.
Nếu không có sự giám sát nghiêm ngặt, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có thể vô tình thúc đẩy hoạt động buôn lậu, làm thất thoát nguồn thu ngân sách và gây bất ổn cho thị trường trong nước, theo lời đại biểu Uyên.
"Tăng thuế thuốc lá không chỉ là một quyết định kinh tế, mà đó là một lựa chọn về sức khỏe cộng đồng, về tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam và chất lượng giống nòi", đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: Hồng Phong).
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng ủng hộ chính sách này bởi tác hại của thuốc lá với sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, thuốc lá còn gây tác hại với cả những người không hút thuốc, những người phải hút thuốc thụ động, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Trong bối cảnh đó, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ can thiệp chính sách rất hiệu quả.
Góp ý thêm, bà Nga nhấn mạnh cần tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá tại các khu vực biên giới để ngăn chặn thuốc lá lậu; sử dụng hiệu quả nguồn thu thuế từ thuốc lá; đẩy mạnh việc thực thi các quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ thuốc lá dưới mọi hình thức…