Sáng nay (15/5), Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trung tâm MOET-TSC) và trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải tổ chức Chương trình Tư vấn hướng nghiệp- tuyển sinh năm 2022.
Đại diện Bộ GD&ĐT, ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm MOET-TSC bày tỏ chương trình nhằm cung cấp các thông tin thiết thực, bổ ích, kịp thời cho học sinh, giúp các em chuẩn bị tâm thế, xác định được phương hướng chọn ngành trong tương lai.
Ngoài ra, các em sẽ là nguồn nhân lực tương lai, nên rất cần có định hướng đúng, tránh việc thừa thầy thiếu thợ và tỉ lệ thất nghiệp cao.
Đưa ra những lưu ý cho các sĩ tử về yếu tố kỹ thuật khi đăng ký thi THPT và xét tuyển đại học năm nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đánh giá rằng quy trình đăng ký xét tuyển năm nay diễn ra trực tuyến, việc này đã được thử nghiệm từ năm 2021 và không có nhiều khó khăn, hiện nay cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hỗ trợ rất tốt cho các em học sinh.
Để giảm thiểu yếu tố thí sinh ảo như mọi năm, mọi nguyện vọng sẽ đều đăng ký vào hệ thống chung của Bộ GĐ&ĐT.
“Đăng ký xét tuyển đại học và điều chỉnh trong cùng một đợt thay vì hai đợt như trước và thực hiện ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, giúp các em tập trung hơn vào kỳ thi và có kết quả tốt nhất”, bà Thủy bày tỏ.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ, năm nay các thi sinh không phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ. Thay vào đó, các cơ sở đào tạo có thể cập nhật kết quả học tập vào hệ thống chung để các trường đại học dễ dàng xử dụng kết quả.
Vụ trưởng đánh giá: “Các trường không mất đi quyền tự chủ và vẫn thực hiện quyền xét tuyển giống như các năm trước. Hệ thống của Bộ không tiến hành xét tuyển mà giúp sắp xếp nguyện vọng cho các thí sinh, dựa trên thứ tự ưu tiên”.
Xác định nghề nghiệp theo nhu cầu thị trường
Về việc định hướng nghề nghiệp PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN cho rằng các em cần chuẩn bị tâm lý đối diện sự bất định của nghề nghiệp, xác định hướng nghề nghiệp ở thời gian dài trong vòng 5 năm. Hướng đến thị trường lao động 5-7 năm không bó hẹp ở ngắn hạn.
Với các bạn sĩ tử đến thời điểm hiện tại nếu đã có những chọn lựa nghề nghiệp hãy kiểm tra nghề nghiệp đó có bị thay thế bởi robot hay không.
“Tương lai yêu cầu của nhà tuyển dụng với người lao động sẽ thay đổi sẽ có nhiều phẩm chất mới như năng lực thích ứng, tư duy phản biện, giao tiếp và hợp tác, sáng tạo đổi mới…
Các em nên tránh sai lầm khi chọn nghề đó là dựa vào duy nhất năng lực học tập, chọn nghề theo trào lưu, chọn nghề được xã hội trọng vọng, dành ít thời gian để tìm hiểu nghề nghiệp.
Quan tâm đến nguồn lao động đang cần, số liệu tỉ lệ thất nghiệp sau tốt nghiệp chia theo khu vực”, thầy Nam bày tỏ.
Theo thầy Nam, nếu chưa xác định nghề nghiệp, các em hãy lựa chọn nhóm ngành, suy nghĩ đến môi trường làm việc trong tương lai. Từ đó, dựa trên những ngành đấy sẽ chọn những trường phù hợp với điều kiện, địa lý, năng lực bản thân, gia đình, môi trường.
Trước câu hỏi, có nên theo học những nhóm ngành “hot”, Thầy TS.Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM đưa ra lời khuyên: “Chọn ngành “hot” nhưng phải phù hợp với năng lực sở trường của bản thân. Tiêu chí nhu cầu của thị trường lao động đối với nhóm ngành nghề mình chọn là hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, có nhiều em chăm chú vào các tiêu chí mà quên mất năng lực sở trường của bản thân không phù hợp với nghề nghiệp. Nếu chọn sai ngàng nghề sẽ rất lãng phí, không có đam mê, và không gắn bó với công việc. Không có ngành nào “hot” với tất cả các thí sinh”.
Nguyễn Hoa Trà
https://www.nguoiduatin.vn/si-tu-khong-nen-chay-theo-cac-nganh-hot-a553095.html