Năm 2018, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ (Cục C03, Bộ Công an) phát hiện tại An Giang có tổ chức buôn lậu từ Campuchia về Việt Nam với quy mô rất lớn, chuyên nghiệp do Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) và em ruột là Nguyễn Hoàng Út (Út Mạnh) cầm đầu. Giúp sức cho đường dây này là Võ Minh Phương, Trần Công Tới, Bùi Văn Miền và một số người khác.
Ngày 23/12/2018, tại khu Kênh Ruột, xã Phú Hội, huyện An Phú, C03 bắt quả tang Nguyễn Văn Dũng, Lê Văn Điện, Nguyễn Văn Lình, Trần Văn Tánh đang vận chuyển hàng lậu (gồm đường cát, quần áo, giày dép, túi xách cũ, có trị giá hơn một tỷ đồng) bằng ghe máy từ Campuchia qua biên giới về Việt Nam.
Gần một tuần sau, C03 khởi tố vụ án Buôn lậu và lệnh tạm giam Dũng, Điện, Lình, Tánh. Mở rộng điều tra, đầu năm 2019, đơn vị này tiếp tục bắt tạm giam Võ Minh Phương, Trần Công Tới và Bùi Văn Niên. Tuy nhiên, cả 3 bị can đã bỏ trốn nên nhà chức trách ra quyết định truy nã.
Từ phải sang: cựu trưởng phòng cảnh sát kinh tế Hồ Văn Tấn, Nguyễn Minh Trí và Lê Tấn Tài tại phiên tòa ngày 3/2.
Tháng 9/2019, C03 chuyển hồ sơ vụ án cho Công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra theo thẩm quyền, trong đó nêu: "có tài liệu xác định Nguyễn Hoàng Út, Nguyễn Thị Kim Hạnh đứng ra tổ chức, điều hành đường dây buôn lậu...".
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, lãnh đạo Công an tỉnh An Giang phân công Phòng cảnh sát Kinh tế (PC03) thụ lý điều tra. Lúc này ông Hồ Văn Tấn là Trưởng phòng.
Do các bị can Phương, Tới và Miền là những người trực tiếp giao dịch với Nguyễn Hoàng Út, Nguyễn Thị Kim Hạnh đang bỏ trốn và chưa thu thập được tài liệu chứng minh chủ sở hữu số hàng lậu bị bắt nên PC03 đã ra quyết định thay đổi tội danh đối với Dũng, Điện, Lình, Tánh từ tội Buôn lậu sang Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời tách hành vi Buôn lậu đối với các bị can Võ Minh Phương, Trần Công Tới, Bùi Văn Miền thành vụ án khác, khi bắt được sẽ xử lý sau.
Đầu năm 2020, TAND tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Dũng, Điện, Lình, Tánh, mỗi người 2 năm tù.
Trùm buôn lậu Mười Tường thao túng sếp công an
Tháng 4/2020, ba người đang trốn tại Campuchia là Phương, Tới và Miền có ý định về nước để đầu thú. Họ đã gọi điện cho người nhà, bảo đến gặp bà trùm Mười Tường nhờ giúp đỡ và xin được tại ngoại sau khi đầu thú.
Mười Tường sau đó điện thoại cho ông Lê Tấn Tài (Phó phòng PC03, em họ của chồng bà trùm) nhờ giúp cho các đàn em. Ông Tài báo cáo cấp trên Hồ Văn Tấn nhờ giúp đỡ.
Theo hồ sơ vụ án, ông Tấn cho rằng Mười Tường "có quan hệ thân thiết với thiếu tướng Bùi Bé Tư" (Giám đốc Công an tỉnh An Giang thời điểm đó) nên đến gặp và báo cáo với lý do: "Phương, Tới, Miền từ Campuchia trở về, nếu tạm giam sẽ bị lây bệnh Covid-19 trong trại tạm giam, do vậy đề xuất cho tại ngoại".
Ông Bùi Bé Tư chỉ đạo Tấn xin ý kiến ông Nguyễn Tấn Phước, Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang. Ông Phước yêu cầu Tấn trao đổi với VKSND An Giang và sau đó được lãnh đạo đơn vị này đồng ý cho các bị can Phương, Tới, Miền được tại ngoại.
Từ ngày 12 đến 20/4/2020, Miền, Phương, Tới trở về Việt Nam. Trước khi ra đầu thú, họ đến nhà Mười Tường và được bà trùm hứa cho tiền thuê luật sư bào chữa và căn dặn "khi làm việc với công an chỉ khai là chở hàng thuê cho người tên Hía ở Campuchia", không được tiết lộ tổ chức buôn lậu do Mười Tường và Nguyễn Hoàng Út cầm đầu.
Khi các bị can ra đầu thú, lãnh đạo Công an tỉnh An Giang phân công các ông Tấn, Tài và Trí tiếp nhận và phục hồi điều tra vụ án Buôn lậu. Tấn, Tài thống nhất chỉ đạo điều tra viên Nguyễn Minh Trí làm thủ tục đưa các bị can đi cách ly y tế; cấm đi khỏi nơi cư trú...
Khi lấy lời khai, Trí phát hiện 3 bị can này không thành khẩn, gian dối nên đề xuất bắt tạm giam để phục vụ điều tra nhưng cấp trên là Tấn và Tài không đồng ý.
Quá trình phục hồi điều tra vụ án, VKSND tỉnh An Giang đã hai lần ban hành văn bản yêu cầu làm rõ hành vi liên quan của Mười Tường và Út Mạnh. Trí nhiều lần báo cáo đề xuất nhưng thấy Tấn, Tài không muốn làm rõ hành vi phạm tội của Mười Tường, Út Mạnh và đồng phạm; không muốn mở rộng điều tra vụ án. Vì thế, Trí cho rằng các bị can có mối quan hệ với lãnh đạo của mình...
Sau đó, Trí nhận được rượu, quà, bánh từ Mười Tường... Cán bộ này đã không thực hiện các biện pháp điều tra theo kế hoạch, không sử dụng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ liên quan đến hành vi phạm tội của chị em bà trùm Mười Tường.
Đồng thời, ông Trí không thực hiện các biện pháp điều tra khác như đối chất, nhận dạng; không lấy lời khai của Mười Tường và không xác minh truy tìm Út Mạnh để làm rõ các mâu thuẫn, đánh giá vai trò của các cá nhân liên quan vụ án. Từ đó, kết luận điều tra vụ án theo hướng Miền, Phương, Tới chỉ là những người vận chuyển hàng lậu, không xác định được chủ mưu.
Dựa trên kết quả điều tra này, Trí đề xuất với Tấn, Tài họp với VKSND tỉnh An Giang thống nhất thay đổi quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can đối với Phương, Tới, Miền từ tội Buôn lậu sang Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đề xuất của Trí đã được cấp trên là Tấn và Tài đồng ý. Tấn sau đó ký Bản kết luận điều tra do Trí trình lên mà không báo cáo xin ý kiến Thủ trưởng Cơ quan CSĐT theo quy định. Từ đó đề nghị truy tố Phương, Tới, Miền về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; không có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của Mười Tường, Út Mạnh, theo đề xuất của Trí.
Ngày 5/11/2020, VKSND tỉnh An Giang ban hành cáo trạng truy tố Phương, Tới, Miền về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Cáo trạng cũng nêu "đối với hành vi liên quan của Nguyễn Thị Kim Hạnh, Nguyễn Hoàng Út sẽ yêu cầu tiếp tục điều tra làm rõ".
Thời điểm này, đường dây buôn lậu vàng do Mười Tường cầm đầu đã bị Công an tỉnh An Giang bắt đầu triệt xoá bằng việc vây bắt 4 đàn em của bà trùm đang vận chuyển trái phép 51 kg vàng từ Campuchia về TP Châu Đốc, trưa 30/10/2020. Một tuần sau, cơ quan điều tra phát thông báo truy tìm bà trùm Mười Tường.
Ngày 5/2/2021, TAND tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Phương, Tới, Miền về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tại đây, họ thay đổi lời khai, thừa nhận Út Mạnh là chủ mưu, cầm đầu đường dây buôn lậu hàng hóa nên tòa trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Đại tá Đinh Văn Nơi thay đổi lực lượng điều tra
Lúc này, đại tá Đinh Văn Nơi làm Giám đốc Công an tỉnh An Giang (từ 27/6/2020, thay thiếu tướng Bùi Bé Tư nghỉ hưu) đã giao vụ án cho Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC01) Công an tỉnh thụ lý. Kết quả điều tra đã làm rõ Mười Tường là chủ số hàng hàng lậu, chủ mưu, cầm đầu điều hành đường dây buôn lậu bị bắt ngày 23/12/2018, chỉ đạo trực tiếp Út Mạnh.
Còn Út Mạnh có trách nhiệm phụ trách vận chuyển hàng lậu từ Campuchia về Việt Nam. Út Mạnh chỉ đạo Phương, Tới, Miền thực hiện việc giao nhận hàng, canh đường lực lượng biên phòng ở trong nước. Trần Văn Phương, Nguyễn Tường Cẩm Tú được Mười Tường chỉ đạo tiếp nhận chở hàng lậu giao cho khách, ghi chép sổ sách, nhận tiền...
Căn cứ vào kết quả điều tra bổ sung, PC01 đã đổi từ tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới sang tội Buôn lậu đối với bị can Phương, Tới, Miền; đồng thời khởi tố Nguyễn Hoàng Út, Nguyễn Thị Kim Hạnh, Nguyễn Tường Cẩm Tú, Trần Văn Phương về hành vi Buôn lậu.
Kết quả điều tra xác định từ năm 2010 đến 2020, bà Hạnh buôn lậu hơn 200.000 tấn đường (trị giá gần 2.900 tỷ đồng) từ Campuchia về Việt Nam bán cho nhiều người tại An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và TP HCM...
Đến ngày 21/8/2023, tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh phạt 14 năm tù, Nguyễn Hoàng Út nhận 13 năm tù, 5 đàn em còn lại nhận mức án 7-8 năm tù.
Trên cơ sở kết quả điều tra bổ sung, Ban Giám đốc và Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh An Giang nhận thấy có dấu hiệu sai phạm của các điều tra viên nên cho kiểm tra. Kết quả xác định, Hồ Văn Tấn, Nguyễn Minh Trí, Lê Tấn Tài trong quá trình điều tra vụ án trên đã "có động cơ vụ lợi cá nhân, cố ý làm trái các quy định của pháp luật trong việc điều tra vụ án; cố ý không thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo quy định, dẫn đến bỏ lọt tội phạm và các đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm". Hành vi của các điều tra viên này có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nên chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao thụ lý theo thẩm quyền.
Từ cuối năm 2022 đến tháng 6/2023, lần lượt các ông Tàn, Tấn cùng Trí bị bắt tạm giam theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Đến ngày 3/2, TAND tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Tấn, Tài mỗi người 18 tháng tù; Trí 17 tháng tù.
Bà trùm Mười Tường cùng các đàn em tại phiên tòa ngày 13/8/2023 trong vụ án
Buôn lậu và V
ận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Đối với bà trùm Nguyễn Thị Kim Hạnh, ngày 18/12/2023 đã bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 19 năm tù về tội Trốn thuế, Rửa tiền. Trước đó, hôm 13/8/2023, bị cáo bị phạt 23 năm tù về tội Buôn lậu và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Ngoài ra, hồi tháng 11/2022, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên phạt bà Hạnh 8 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (470.000 USD). Tiếp đó, bà trùm bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 14 năm tù do buôn lậu hơn 200.000 tấn đường... Tổng hợp hình phạt bà Mười Tường phải chấp hành là 30 năm tù - mức cao nhất của hình phạt có thời hạn.