Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí.
Đây là thông tin được Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu tại báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Kỳ họp thứ bảy của Quốc hội.
Báo cáo vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội (số liệu từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/3/2024).
Về tình hình tội phạm, Viện trưởng đánh giá, trong sáu tháng đầu năm 2024, trên phạm vi cả nước, tình hình an ninh, chính trị cơ bản được bảo đảm, tuy nhiên, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp tục phát sinh nhiều loại tội phạm với phương thức, thủ đoạn tội phạm mới, hoạt động có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin, phạm tội trên không gian mạng liên quan đến nhiều lĩnh vực: đấu thầu, đất đai, tài chính, ngân hàng, giáo dục, xăng dầu, khai thác tài nguyên...
Trong bối cảnh đó, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều nỗ lực, bảo đảm các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kịp thời đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 50.160 vụ án hình sự (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023), Viện trưởng khái quát.
Theo báo cáo, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường đã khởi tố 19.810 vụ (tăng 1,31%), trong đó, phát sinh nhiều tội phạm với phương thức, thủ đoạn, hoạt động tinh vi, phạm tội có tổ chức, có sự cấu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nhà nước, liên quan đến các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đấu thầu, đất đai ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn; hành vi giả danh cán bộ công an, Kiểm sát để lừa đảo chiếm đoạt với hình thức tinh vi.
Điển hình, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 46 đối tượng làm việc tại 3 công ty của người Đài Loan; được đào tạo, hướng dẫn và cấp phát các thiết bị, máy móc, kịch bản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh tổng đài viễn thông, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản.
Hay vụ nhóm lừa đảo dùng công nghệ cao và xưng danh cơ quan bảo vệ pháp luật lừa bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai 170 tỷ đồng…
Tội phạm tham nhũng, chức vụ, Viện trưởng cho biết đã khởi tố mới 468 vụ (tăng 2%). Các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, có sự cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ nhà nước với các công ty, doanh nghiệp tư nhân, trong các lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, kinh doanh xăng dầu.
Báo cáo nêu một số vụ án điển hình, như vụ vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn lậu xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương, Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam và các đơn vị có liên quan. Vụ Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan. Vụ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, thành phố. Vụ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil...
Viện trưởng Lê Minh Trí nhìn nhận, nguyên nhân một số loại tội phạm mới khởi tố tăng là do ảnh hưởng tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn đã tác động tiêu cực dẫn đến gia tăng nhiều loại tội phạm. Công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực thiếu chặt chẽ, tạo kẽ hở để một số cán bộ lợi dụng phạm tội.
Nguyên nhân nữa là sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân. Mặt khác, công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm của các cơ quan chức năng được đẩy mạnh và ngày càng hiệu quả hơn, đặc biệt là nhiều tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ được phát hiện điều tra, xử lý, theo Viện trưởng.
Về đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, báo cáo nêu, trong kỳ, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 2.061 nguồn tin tội phạm (tăng 326,7%) về tham nhũng, chức vụ, kinh tế; đã giải quyết, xử lý 1.518 nguồn tin, trong đó Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố 854 vụ án (tăng 367%). Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 5.528 vụ/11.459 bị can (tăng 513,5% số vụ, 366% số bị can); Cơ quan điều tra đã giải quyết 3.128 vụ/6.329 bị can. Thực hành quyền công tố, kiểm sát trong giai đoạn truy tố 3.077 vụ/6.737 bị can, đã giải quyết 2603 vụ/5.231 bị can (đạt tỷ lệ 83,2%).
Thụ lý xét xử sơ thẩm 2.928 vụ/6.389 bị cáo, tòa án đã xét xử sơ thẩm 1.974 vụ/3.883 bị cáo. Trong kỳ đã thu hồi thông qua công tác thi hành án dân sự là 10.135.233 triệu đồng/53.672.334 triệu đồng (đạt tỷ lệ 18,8%); quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã áp dụng các biện pháp bảo đảm để thu hồi là 29.602.982 triệu đồng/701.214.791 triệu đồng (đạt tỷ lệ 4,22%). Ngoài ra, các cơ quan tố tụng còn tạm giữ, kê biên, tạm ngừng giao dịch nhiều tài sản khác.
Viện trưởng đánh giá, công tác giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng tiếp tục đạt kết quả tích cực; đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã thực hiện nghiêm, hiệu quả những nhiệm vụ, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế . Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao trong phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn.