Tuổi xế chiều là lúc những “cây cao bóng cả” tận hưởng cuộc sống an nhàn, hạnh phúc bên con, cháu. Thế nhưng có những người mẹ đã dành cả thanh xuân hy sinh vì gia đình, con cái lại ít nhiều bị chính cách đối xử của các con mình khiến bản thân những người làm mẹ đau như đứt từng khúc ruột. Và ước mong của họ, đơn giản chỉ là có một chỗ dựa tinh thần, con cháu hòa thuận, đùm bọc sẻ chia để cuộc sống tuổi già được xum vầy bên con cháu, sống vui, sống khỏe.
Hơn 80 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời lẽ ra được sống an nhàn, hạnh phúc được con cái chăm lo phụng dưỡng, cháu chắt sum vầy nhưng với bà Nguyễn Thị Hồ (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), đó lại là giấc mơ xa vời. Hàng ngày bà đều thức dậy trong sự lo lắng, thấp thỏm và sợ hãi bởi suốt thời gian qua bà đã phải chứng kiến nhiều sự việc đau lòng đến với gia đình bà. Bà Hồ sinh ra 4 người con, có 2 con trai và 2 con gái. Sau khi chồng bà là ông Phan Xuân Diệu qua đời, do không để lại di chúc nên hai người con trai của bà xảy ra mâu thuẫn. Suốt từ đó đến nay bà Hồ trong lòng nặng trĩu lo toan, tâm bất an và buồn bã.
Bà Nguyễn Thị Hồ (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội)
Sự việc bắt đầu vào khoảng giữa năm 2023, hai người con trai của bà là anh Nguyễn Phan Tuấn và anh Nguyễn Phan Bắc tự ý đổi nhà cửa cho nhau mà bà không được biết. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như việc trao đổi nhà cửa ấy có bà Hồ và đông đủ các con trai con gái trong gia đình bà. Từ đó anh Nguyễn Phan Bắc tới ở số nhà 67 đường Tây Tựu, tổ dân phố Thượng 4, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, còn anh Nguyễn Phan Tuấn tới sửa lại số nhà 159 phố Trung Kiên, tổ dân phố Trung 5, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Sau đó, do hai anh em không hiểu hết ý của nhau nên đã xảy ra nhiều cuộc cãi vã, tranh giành, đập phá đồ đạc tại số nhà 159 phố Trung Kiên, tổ dân phố Trung 5, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Theo Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm số 2347/TB-ĐTTH ngày 25/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm nhận được đơn tố cáo của anh Nguyễn Phan Tuấn, sinh năm 1965, HKTT: TDP Trung 5, Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội và anh Nguyễn Phan Bắc, sinh năm 1979, HKTT: TDP Trung 5, Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Nội dung tố giác: anh Tuấn tố giác anh Nguyễn Phan Bắc có hành vi Hủy hoại tài sản và chiếm giữ trái phép chỗ ở và làm nhục người khác còn anh Nguyễn Phan Bắc tố giác anh Nguyễn Phan Tuấn có hành vi Hủy hoại tài sản tại số 159 Trung Kiên, Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Kết quả quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với đơn tố giác nêu trên với lý do không có sự việc phạm tội.
Khi được hỏi về việc bà Hồ có nắm được việc hai người con trai trao đổi nhà đất, bà Hồ chia sẻ: “Nhà 159 có hai cái nhà gồm một căn nhà cấp bốn và một căn nhà xây kiên cố, anh em đổi cho nhau là đổi nhà cấp bốn, nay mai tôi cũng về nhà 159 ở, tôi muốn về nhà 159 ở nhưng Tuấn đã đổ bê tông chặn cửa không cho mẹ con tôi về”. Là người mẹ già phải chứng kiến sự bất hòa giữa các con, bà Hồ nghẹn đắng không biết sau này những năm tháng cuối cuộc đời của bà sẽ đi về đâu?
Trong khi mâu thuẫn giữa hai người con trai của bà còn chưa tìm được tiếng nói chung, chưa biết khi nào mới có hồi kết, thì một lần nữa bà Hồ lại bị khủng hoảng tinh thần từ những người lạ mặt. Sống tại số nhà 67 đường Tây Tựu cùng con trai Nguyễn Phan Bắc, bà Hồ nhiều lần tận mắt chứng kiến những người lạ mặt bịt khẩu trang ném chất bẩn vào nhà 67 của con trai Bắc, hủy hoại camera khiến tinh thần bà bị hoảng loạn bất an.
Bà Hồ đã làm đơn kêu cứu khắp nơi với mong muốn được chính quyền địa phương phường Tây Tựu, Hội Người Cao Tuổi, Hội Phụ Nữ, Hội Cựu Chiến Binh,…bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà, để bà được sống trong căn nhà của mình quây quần bên các con cháu.
Về phía UBND phường Tây Tựu cũng đã tổ chức buổi hòa giải tranh chấp đất đai theo đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai của bà Hồ vào ngày 08/04/2024, nhưng không thực hiện được, do con trai của bà Hồ là ông Nguyễn Phan Tuấn không có mặt.
Tại số nhà 159 phố Trung Kiên, tổ dân phố Trung 5, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Nơi xảy ra tranh chấp
Khi được hỏi về nguyện vọng của bà, bàn tay bà Hồ run run, bà cho biết: “Nguyện vọng của bà là được về nhà 159 và ở với con Bắc, nhà đấy là Bắc xây và bà cũng cho thêm vợ chồng Bắc một ít để xây dựng, bà mong các con, các cháu hòa thuận, chia sẻ, giúp đỡ, nhường nhịn nhau”.
Là người đang chăm sóc cho mẹ, anh Bắc chia sẻ: “Đợt này bà không chịu ăn cơm, có ăn thì cũng ăn rất ít, nịnh mãi bà mới chịu ăn cho, chỉ lo sức khỏe bà giảm sút, ngày một yếu đi”.
Là một người mẹ tận tuỵ chăm nuôi con mình từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, bây giờ lại tận mắt chứng kiến các con tranh giành nhau vì mảnh đất khiến bà Hồ hết sức đau lòng. Điều này đã làm cho người mẹ già tóc bạc da mồi suy sụp, kiệt quệ bởi những cú sốc về mặt tinh thần, cảm thấy lo sợ về những việc đã, đang và sẽ xảy đến với gia đình bà.
Tại số nhà 67 đường Tây Tựu, tổ dân phố Thượng 4, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Nơi bà Hồ đang sống cùng anh Nguyễn Phan Bắc liên tục bị người lạ hắt chất bẩn vào nhà, phá camera.
Về già, đôi khi chỉ cần một lời nói vô tình của con, cháu cũng khiến người già tủi thân, phiền lòng chứ đừng nói đến việc người mẹ già lúc nào tâm trạng cũng chìm trong tiêu cực. “Con người đi khắp thế gian, không ai tốt bằng mẹ. Cuộc đời gian khổ nhưng gánh nặng của cha mẹ chẳng ai mang được.” Mẹ đã dành cả tuổi trẻ của cuộc đời để sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Lẽ thường tình khi tuổi xế chiều, chân chậm, mắt mờ rất cần con, cháu quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng. Nhưng với bà Hồ, mong muốn tưởng chừng giản đơn ấy lại là thứ xa vời.
Tuổi xế chiều vẫn được nhiều người cho rằng đây là lúc ông bà, cha mẹ khó tính nhất. Bởi vậy, chăm sóc cha mẹ, ông bà khi về già không chỉ với trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn phải bằng cả tấm lòng hiếu thuận của người làm con, cháu. Trách nhiệm kéo dài mãi sau khi cha mẹ đã ra đi, là hiếu đạo và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã sinh thành.
Cha mẹ khi về già điều cần nhất đôi khi chỉ đơn giản là các con dành thời gian, thể hiện sự yêu thương. Điều này được thể hiện qua những hành động chia sẻ nhỏ bé, giúp cha mẹ không rơi vào tâm lý buồn bã, ảnh hưởng tới sức khoẻ và suy nghĩ mình là gánh nặng cho con cái. Ở giai đoạn “gần đất xa trời”, sức khỏe như “ngọn đèn trước gió”, hơn lúc nào hết, người già cần sự yêu thương, sẻ chia, thấu hiểu nhiều nhất. Phận làm con, hãy sống sao để khi cha mẹ qua đời, không phải cúi đầu nói câu giá như.
Từ những nỗi đau của người mẹ già hơn 80 tuổi khi tận mắt chứng kiến sự mâu thuẫn giữa các con mình đứt ruột đẻ ra, cũng như những diễn biến có dấu hiệu ngày càng phức tạp của sự việc. Kính mong UBND phường Tây Tựu, Hội Người Cao Tuổi phường Tây Tựu, Hội Phụ Nữ phường Tây Tựu, Hội Cựu Chiến Binh phường Tây Tựu,…có các giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe tinh thần cho bà Nguyễn Thị Hồ; cũng như đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Chính sách pháp luật là công cụ đảm bảo quyền lợi bình đắng cho mọi công dân, vì thế cơ quan chức năng cần xem xét dấu hiệu của việc vi phạm Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 về "Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" trong sự việc đập phá đồ đạc tại số nhà 159 phố Trung Kiên và sự việc người lạ hủy hoại camera tại số nhà 67 đường Tây Tựu. Đề nghị điều tra, xem xét hành vi tạt chất bẩn vào số nhà 67 đường Tây Tựu, cần phải được xử lý căn cứ theo các quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP về việc "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình"; xem xét có hay không có dấu hiệu của tội "Gây rối trật tự công cộng" quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 do có hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thông tin tiếp theo chúng tôi sẽ cập nhập trên số ra tháng 6.