6h ngày 25/7, lễ thượng cờ rủ diễn ra tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, cả nước bắt đầu hai ngày Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong thời gian Quốc tang, các cơ quan, công sở trên cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng. Ảnh: Giang Huy
Lúc 7h tại Nhà tang lễ Quốc gia Trần Thánh Tông, gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do bà Ngô Thị Mận, phu nhân ông dẫn đầu vào viếng. Sau khi thắp hương, người thân đi vòng qua linh cữu tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phu nhân Ngô Thị Mận bật khóc, tay bám vào linh cữu. Ảnh: TTXVN
Trong ngày đầu quốc tang, nhiều đoàn quốc tế với đại diện là lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội và TP HCM. Trong ảnh là Đoàn Campuchia do Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hunsen dẫn đầu vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước đó, ông Hun Sen gửi thư bày tỏ "vô cùng đau buồn". "Đồng chí Tổng Bí thư đã củng cố tình hữu nghị anh em bền chặt với Campuchia và kiên trì, nỗ lực trong nhiều năm qua nhằm nâng cao hợp tác chặt chẽ không chỉ giữa Đảng Nhân dân Campuchia và Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn giữa hai chính phủ và nhân dân hai nước chúng ta", ông cho hay. Ảnh: TTXVN
Tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, người dân xếp hàng dài 2 km từ cây bồ đề ngoài cổng làng đến điểm viếng ở nhà văn hóa thôn Lại Đà để chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chiều 25/7. Ảnh: Nguyễn Đông
Trưa 25/7, ông Đoàn Tấn Phụ (67 tuổi) lặn lội từ Quảng Ngãi đến Nhà tang lễ quốc gia, Hà Nội để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Võ Thạnh
Từ chiều đến tối 25/7, hàng nghìn người xếp hàng kéo dài cả km tại năm cổng hướng về Nhà tang lễ Quốc gia. Ảnh: Phạm Dự
Trong dòng người chờ viếng ở Nhà tang lễ, anh Phạm Ngọc Nam ở Hà Nội mang theo bức tranh chân dung vẽ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng nét chì trên nền trắng. Khuôn mặt, áo và cà vạt được khắc họa bằng tên của Tổng Bí thư.
"Hôm nay một trăm triệu trái tim Việt Nam tiếc thương bác. Mỗi chữ viết đại diện cho mỗi tình yêu đó", anh Nam giải thích. Ảnh: Võ Thạnh
Người dân bật khóc, chắp tay thành kính trước linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia. Ảnh: Giang Huy
Tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM, từ đầu giờ chiều 25/7, hàng nghìn người thuộc nhiều đoàn thể, người dân thành phố và các tỉnh phía Nam chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do số lượng người dân đến viếng rất đông, UBND TP HCM đã quyết định kéo dài thời gian viếng đến 23h thay vì 22h như dự tính. Ảnh: Thanh Tùng
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh, 91 tuổi, thầy giáo của Tổng Bí thư khi học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, ngồi xe lăn đến viếng Tổng Bí thư tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Nghe tin Tổng Bí thư từ trần, ông Vĩnh đã đặt vé máy bay từ Đức về Hà Nội để kịp đến viếng.
"Mong Tổng Bí thư trở về cõi vĩnh hằng an vui với các đồng chí tiền bối tại Nghĩa trang Mai Dịch. Những lời dạy của Tổng Bí thư đối với giáo viên chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ để xây dựng sự nghiệp trồng người, đào tạo học sinh trở thành công dân hữu ích", ông Vĩnh chia sẻ. Ảnh: Võ Hải
Viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ quốc gia sáng 26/7, nhà sử học Dương Trung Quốc nói "lòng dân là thước đo công bằng và chuẩn mực nhất, bà con khắp nơi đến đây đã thể hiện rất rõ điều đó". Ảnh: Việt An
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế đi vòng quanh linh cữu lần cuối, tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chiều 26/7. Ảnh: TTXVN
Linh cữu Tổng Bí thư được đội tiêu binh phủ Quốc kỳ, đặt ngay ngắn trên linh xa. Ảnh: TTXVN
Chiếc xe chở linh cữu Tổng Bí thư di chuyển ra khỏi sân Nhà tang lễ Quốc gia. Phu nhân Ngô Thị Mận, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, nguyên Tổng Bí thư thư Nông Đức Mạnh đi sát phía sau. Dòng người từ Nhà tang lễ cũng bước chậm sau linh cữu. Ảnh: Giang Huy
Linh xa đi qua đi qua Quảng trường Cách mạng tháng 8, Nhà hát Lớn Hà Nội. Để đến Nghĩa trang Mai Dịch, đoàn xe đi qua đường Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông - Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Trần Phú - Sơn Tây - Kim Mã - Đào Tấn - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Đường gom Đại lộ Thăng Long - Lê Quang Đạo - Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu (đoạn từ Trần Vỹ đến Nguyễn Cơ Thạch). Ảnh: TTXVN
Hàng nghìn người cùng công an, bộ đội hướng mắt về phía linh xa, chào tiễn biệt khi đoàn xe đi qua ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay - Hàng Bài. Ảnh: Lâm Thoả
Quân nhân đứng nghiêm trang, giơ tay chào khi linh xa đi qua đường Lê Quang Đạo. Ảnh: Nguyễn Đông
Hai nữ công an Điệp Linh (góc trái) và Kim Dung bật khóc, giơ tay chào đoàn linh xa về đến cổng nghĩa trang Mai Dịch. Ảnh: Hoàng Việt
Phu nhân Ngô Thị Mận cùng gia đình, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bạn bè quốc tế tiễn đưa Tổng Bí thư về với đất mẹ, tại nghĩa trang Mai Dịch. Ảnh: TTXVN
Phu nhân Ngô Thị Mận bật khóc trước mộ chồng, bên cạnh bà là con trai Nguyễn Trọng Trường. Ảnh: Ngọc Thành