Mở chui nhiều lớp đào tạo văn bằng 2 khi chưa được cho phép, loạt lãnh đạo đại học bị quy trách nhiệm, thậm chí còn bị tuyên án tù.
Thời gian qua, nhiều học viên “gõ cửa” Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vì đã nộp tiền và hoàn thành lớp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh nhưng mãi vẫn không nhận được bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhà trường lại từ chối trách nhiệm, khẳng định không tổ chức mở lớp này, cũng không thu và quản lý sử dụng học phí. Nếu người học thắc mắc các vấn đề liên quan đến quyền lợi cần liên hệ trực tiếp với cá nhân, cơ sở đã mở lớp để được giải quyết.
Trên thực tế, từ đầu năm 2021, bà Trần Thị Thúy Hà, Phó chủ nhiệm khoa Tiếng Anh B, đã trình lên ban giám hiệu nhà trường xin chủ trương mở các lớp văn bằng hai ngành Ngôn ngữ Anh ngoài trường. Phó Hiệu trưởng Vũ Văn Hóa đã ký đồng ý vào các tờ trình này.
Song theo nhà trường, các tờ trình của bà Hà không có giá trị pháp lý, không đại diện cho nhà trường dù đã được phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo ký đồng ý. Điều này là làm trái quy định về thủ tục hành chính và vi phạm nhân danh, giả mạo Khoa Tiếng Anh B.
Về điều này, Bộ GD-ĐT khẳng định Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có trách nhiệm liên quan đến việc đào tạo chui văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Bộ GD-ĐT yêu cầu trường này khẩn trương tổ chức thực hiện phương án đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học theo đúng quy định.
Kể từ năm 2017 đến nay, trường này cũng từng dính nhiều sai phạm liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo chui. Chẳng hạn năm 2020, dù không được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu đào tạo nhưng trường vẫn tuyển sinh chui hàng trăm chỉ tiêu văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.
Trong quá trình tuyển sinh, đào tạo các năm 2017, 2018, 2019, trường này cũng đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan đến đào tạo chui ngành Dược và các lớp thạc sĩ ngoài trụ sở chính của trường khi chưa được phép của cơ quan quản lý.
Không chỉ riêng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Đông Đô cũng từng xảy ra tình trạng “nhốn nháo tuyển sinh”. Theo đó, phòng tuyển sinh trường này đã nhận hồ sơ tuyển sinh văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh và khẳng định việc thi đầu vào chỉ là hình thức, đã nộp hồ sơ, đóng tiền sẽ đỗ.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết trường này chưa được cho phép đào tạo văn bằng hai ngành Ngôn ngữ Anh. Song năm 2018, Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô đã ký văn bản quyết định về việc công nhận 2 đợt tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên văn bằng 2 tiếng Anh. Kể từ năm 2018 đến năm 2019, có 431 trường hợp được cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua tuyển sinh, đào tạo, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỉ đồng.
Sau đó, 10 cá nhân liên quan đến việc cấp hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh và chứng nhận giả đã bị tòa tuyên phạt từ 12 tháng tù treo đến 12 năm tù giam về tội “Giả mạo trong công tác”.
Tương tự, cuối năm 2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường ĐH Kinh Bắc. Kết quả điều tra xác định, bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh Bắc đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ Anh hệ văn bằng 2 chính quy không đúng quy định, nhằm thu lợi bất chính.
Cụ thể, bà Châu đã tự ý dùng dấu chữ ký của Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh Bắc đóng vào để phúc đáp “đồng ý phối hợp tuyển sinh đào tạo” với Học viện Kinh tế năng lượng, trong đó có nội dung “Trường ĐH Kinh Bắc được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh”.
Quá trình đào tạo này đã thu của 134 sinh viên học văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh hơn 4,6 tỷ đồng. Bà Châu còn soạn thảo, trực tiếp ký thông báo về việc thi tốt nghiệp, quyết định tổ chức thi tốt nghiệp, ra đề thi, tổ chức thi tốt nghiệp vào tháng 1/2019. Đến tháng 3/2019, khi trao bằng tốt nghiệp thì hành vi phạm tội bị phát hiện.
Đối với Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh Bắc, chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức đào tạo và ký cấp bằng tốt nghiệp nhưng đã không làm hết trách nhiệm của mình trong việc quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, để cấp dưới tự ý tổ chức, liên kết mở lớp đào tạo và cấp bằng mà không biết.
Hành vi này đã có dấu hiệu tội phạm “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Song vì vị này chỉ đứng tên làm Hiệu trưởng còn thực tế không tham gia điều hành, khi ấy tuổi cao, sức yếu, có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân nên cơ quan điều tra không xử lý về hình sự và thông báo cho cơ quan chức năng ngành giáo dục để xử lý.