Cuối năm học trước, tôi nhận được tin nhắn riêng từ một vị hội phụ huynh, thông báo mỗi cha mẹ nộp thêm tiền rồi cả lớp “đi phong bì” để lớp con được phân công giáo viên tốt chủ nhiệm trong năm học tới.
Lời tòa soạn:
Tháng 8 này, khi năm học mới sắp bắt đầu, lúc hầu như mọi trẻ đều biết mình sẽ học trường nào, nhiều bố mẹ bắt đầu đôn đáo chuyện chọn và chăm sóc giáo viên để con có cơ hội được học tập và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong suốt năm học.
Điều này phần nào thể sự quan tâm của bố mẹ với việc học hành của con nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Làm thế nào để đảm bảo tính công bằng cho tất cả học sinh? Những tiêu chí nào nên được xem xét khi chọn giáo viên? Liệu việc "chọn cô" có thật sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng của cha mẹ?... VietNamNet xin giới thiệu với quý độc giả chia sẻ của một ông bố không tán thành việc góp tiền chọn giáo viên chủ nhiệm nhưng vẫn phải theo số đông phụ huynh trong lớp thực hiện việc này.
|
Vì chuyện "góp tiền chọn cô" là việc tế nhị nên sẽ không được đưa ra bàn trong cuộc họp phụ huynh cuối năm hay trao đổi trên nhóm Zalo của lớp. Mỗi phụ huynh sẽ được nhắn riêng và hầu như chỉ mang tính chất thông báo chứ không phải là hỏi ý kiến.
Thông tin chính được nêu là hội phụ huynh sẽ trích quỹ lớp ra một khoản (5 triệu) để được Ban giám hiệu ưu tiên phân công giáo viên chủ nhiệm “phù hợp” cho các con khi lên lớp 5. Danh nghĩa là trích quỹ lớp nhưng thực chất phụ huynh đều phải đóng thêm tiền vì tiền quỹ tới thời điểm đó hầu như đã âm rồi. Xin nói thêm, mỗi năm tiền quỹ tôi phải đóng cho con là khoảng 1,5 triệu đồng, chưa kể một số dịp hội phụ huynh hô hào góp thêm khi các con tham gia văn nghệ, thi đấu bóng đá, liên hoan...
Về chuyện đóng tiền để chọn giáo viên chủ nhiệm, suốt những năm con tôi học tiểu học, hầu như năm nào ban phụ huynh lớp cũng vận động thực hiện việc này, với những lý do khó khước từ: Vào lớp 1 cần chọn cô giàu kinh nghiệm, tâm lý vì các con mới chuyển từ mẫu giáo lên, còn nhiều bỡ ngỡ, cần được quan tâm để thích nghi nhanh; Lớp 2, lớp 3 cần cô nghiêm và giỏi để giúp các con có quy củ, nề nếp, duy trì thành tích; Lớp 4 chương trình khó hơn hẳn, nhất là môn Toán nên phải cố chọn được cô vững chuyên môn, dạy toán tốt; Lớp 5 chuẩn bị cho việc chuyển cấp, ôn luyện vào trường THCS nên càng không thể không quan tâm đến việc chọn giáo viên…
Thế nhưng, nhìn rộng ra và suy xét kỹ càng, tôi và có lẽ nhiều cha mẹ khác, quả thực thấy việc này không cần thiết, chẳng mang lại giá trị gì cho các con. Bởi rõ ràng, khi đóng tiền, chúng tôi cũng không hề biết giáo viên sẽ được chọn là ai, khái niệm “cô tốt” cũng rất mơ hồ. Hơn nữa, tôi biết, không chỉ lớp con tôi mà rất nhiều lớp khác trong khối, trong trường cũng “đi” khoản này, vậy lớp nào sẽ được ưu tiên cô tốt đây, còn cô “không tốt lắm” thì sao và sẽ được phân vào lớp nào?
Trộm nghĩ vậy thôi chứ cuối cùng tôi vẫn chuyển khoản số tiền ban phụ huynh đã đề xuất. Tôi không muốn mất thời gian để tranh luận việc này (mà thực ra cũng không biết tranh luận ở đâu khi việc không ai đem ra bàn) và cũng không đủ can đảm để đi ngược lại số đông.
Thực tế, trong 5 năm con học tiểu học, năm nào tôi cũng phải góp tiền “chọn cô” nhưng thấy giáo viên cũng không có gì khác so với các lớp trong khối. Hơn nữa, đôi khi, khái niệm “cô tốt” của mỗi cha mẹ lại mỗi khác, chưa nói tới cảm nhận của chính các con.
Như năm ngoái, lớp con tôi được phân công một cô giáo trẻ làm chủ nhiệm. Chỉ sau 1 tuần, con đi học về đã kể về cô đầy trìu mến, khen cô vừa vui tính, lại giảng hay. Quả thực, suốt năm học đó, tôi cảm thấy cô giáo là người nhiệt tình, yêu trẻ, sáng tạo nhiều cách khiến các con thích học. Trong khi đó, rất nhiều phụ huynh trong lớp bày tỏ ý kiến chê cô là quá non trẻ, thiếu kinh nghiệm, không sát sao với các hoạt động lớp (vì cô ít chụp ảnh, đăng hình các hoạt động của các con như các cô lớp trước), chưa biết cách giao tiếp với phụ huynh (có thể do cô thường không ngay lập tức trả lời đủ thứ tin nhắn hỏi han của cha mẹ)...
Nói chung, tôi cho rằng, chuyện phụ huynh góp tiền để chọn giáo viên chủ nhiệm cho con là không có ý nghĩa, tốn một khoản phí vô thưởng vô phạt, tạo thêm tiêu cực trong môi trường giáo dục.
Thế Tôn (Hà Nội)