Ngày 31/5, vụ án tranh chấp hợp đồng kinh tế về yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hợp đồng, được TAND Hà Nội xét xử phúc thẩm, theo kháng cáo của bị đơn - Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.
Nguyên đơn là Công ty TNHH MTV vườn ăn Hải Yến.
Nội dung phiên sơ thẩm ngày 29/9/2023 tại TAND quận Nam Từ Liêm thể hiện, khu liên hợp và Công ty Hải Yến ký hợp đồng hợp tác kinh doanh vào tháng 11/2011 để đầu tư và xây dựng Trung tâm dịch vụ Thương mại Mỹ Đình. Hợp đồng thời hạn 10 năm.
Theo thỏa thuận, khu liên hợp đảm bảo cung cấp điện nước và có trách nhiệm quản lý, vận hành việc này. Hải Yến đã thanh toán tiền điện theo đúng thỏa thuận.
Từ 25/10/2017 đến 15/1/2018, khu liên hợp cắt điện một phần trong dự án của công ty nhưng không báo trước, không nêu lý do. Phần dự án này do đó phải dừng hoạt động.
Hải Yến cho rằng năm 2019, khu liên hợp đơn phương tiếp tục chấm dứt hợp đồng lấy lại mặt bằng để phục vụ xây dựng đường đua xe Công thức 1 (giải sau đó bị hủy bỏ chặng tại Việt Nam).
Trong đơn kiện, phía Hải Yên nêu khu liên hợp đã không đàm phán, không trao đổi trực tiếp nên việc cắt điện nước đã "gây thiệt hại tài chính nghiêm trọng".
TAND quận Nam Từ Liêm tuyên khu liên hợp phải bồi thường thiệt hại 11,9 tỷ đồng cho nguyên đơn.
Tại phiên phúc thẩm hôm nay, đại diện khu liên hợp kháng cáo, trình bày 3 nội dung phản tố: phía Hải Yến nợ thuế đất; tự ý cho bên thứ ba thuê lại mặt bằng là vi phạm hợp đồng; liên tục nợ tiền điện nước dù được nhắc nhiều lần.
Với tiền thuế đất, đại diện khu liên hợp cho rằng các đơn vị khác cơ bản thực hiện đầy đủ, riêng Hải Yên chưa nộp. Do không có tiền nộp thay, chính khu liên hợp cũng chưa thể chấp hành nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
"Giải thích thêm tiền thuê đất, Hải Yến luôn cho rằng khu liên hợp tự ý áp giá và vị trí thuê. Nhưng chúng tôi đã giải thích nhiều lần: Giải quyết theo pháp luật, cơ sở để áp giá là tiền phải nộp vào ngân sách Nhà nước", vị đại diện nói tại phiên tòa.
Theo ông, tháng 12/2017, Chủ tịch UBND Hà Nội giao liên ngành Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường và Cục thuế xác định vị trí cho thuê và giá thuê. Sau đó, tháng 3/2018, Cục Thuế ra văn bản xác định rõ toàn bộ diện tích cho thuê, vị trí cho thuê và tổng số tiền các đơn vị kinh doanh liên kết phải nộp cho Nhà nước. Khu liên hợp từ đó lấy cơ sở để áp giá thuê, chứ không tự ý áp giá.
Về việc cắt điện, bị đơn khẳng định, trước thời điểm cắt lần đầu vào năm 2017, khu liên hợp có 5 thông báo và giao theo 2 hình thức: chuyển phát nhanh hoặc gửi trực tiếp tới công ty, có chữ ký xác nhận đã nhận thông báo.
"Ngày 3/10/2017, biên bản cuộc họp trước khi cắt điện, đại diện Hải Yến còn ký và ghi rõ: Công ty cam kết nộp tiền phân chia lợi nhuận và tiền điện nước trước 10/10/2017", đại diện khu liên hợp trình bày và cho biết phản đối cáo buộc của nguyên đơn rằng "cắt điện không báo trước".
Bị đơn nói việc Hải Yến tự ý cho các đơn vị khác thuê lại mặt bằng là vi phạm Điều 5.2.8 của hợp đồng. Theo đó, "bên B (công ty Hải Yến) không được phép chuyển cho bất kỳ bên thức 3 nào khác quyền lợi nghĩa vụ đã được ghi trong hợp đồng này, trừ trường hợp 2 bên có thỏa thuận khác".
Khi đại diện VKS hỏi, công ty này có thông báo cho khu liên hợp biết cho bên thứ 3 thuê không, vì theo hồ sơ, Hải Yến cho nhiều đối tác thuê lại?
Đại diện khu liên hợp khẳng định "chưa bao giờ được công ty thông báo". Khu liên hợp sau này tự phát hiện, và đã có văn bản yêu cầu chấm dứt việc cho bên thứ 3 thuê. Tuy nhiên, Hải Yến không chấp hành.
Nguyên đơn chưa chứng minh được thiệt hại
Trả lời VKS sau đó, đại diện Hải Yến nói "về pháp lý không có nghĩa vụ phải thông báo" cho khu liên hợp về việc cho bên thứ ba thuê lại.
"Trong hợp đồng không có điều khoản nào cấm", nữ đại diện công ty Hải Yến nói. Bà cũng khẳng định chưa bao giờ được khu liên hợp thông báo trước về cắt điện.
Trước câu hỏi "có thường xuyên nợ tiền điện nước như bị đơn cáo buộc không?", bà nói việc cắt điện chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2017-2018 và giai đoạn năm 2019. Giai đoạn sau, vì bị cắt điện liên tục, công ty không hoạt động được nữa, do đó có thể có các khoản phát sinh mà không biết.
"Viện đang hỏi về việc chậm thanh toán giai đoạn trước cơ, khu liên hợp đang cáo buộc công ty nợ tiền điện từ năm 2016, 2017 ấy", công tố viên truy vấn.
Công ty Hải yến đáp, tại tòa sơ thẩm họ đã nhiều lần yêu cầu khu liên hợp cung cấp những chứng cứ liên quan nhưng không được đáp ứng. "Chúng tôi luôn khẳng định thời điểm đó không vi phạm, tiền đó đã nộp".
VKS lập tức phân tích: "Mình nộp tiền điện nước cho người ta thì phải có hóa đơn chứng từ. Người ta cáo buộc công ty vi phạm nên cắt điện. Biên lai nộp tiền điện nước, có lưu giữ không?".
Công ty Hải Yến đáp, cách vận hành trước nay là họ sẽ chuyển tiền vào tài khoản của khu liên hợp để thanh toán các khoản phí. VKS nói: "Chuyển khoản thì cũng có trích sao tài liệu".
Ngoài nợ tiền điện nước, Công ty Hải Yến cũng bị khu liên hợp phản tố cho rằng còn nợ 10 triệu đồng đặt cọc từ khi ký hợp đồng. Khoản này là tiền các doanh nghiệp phải nộp ngay trước khi lắp đặt hệ thống điện nước.
"Thực tế Hải Yến đã nộp rồi, do năm 2019 bị cắt điện hoàn toàn, giấy tờ thất lạc nhiều. Nếu khu liên hợp cho rằng chúng tôi chưa thanh toán đặt cọc 10 triệu đồng từ năm 2011 mà tận 2017, 2019 mới tố chưa nộp thì không hợp lý, vì đó là khoản đặt cọc bắt buộc nộp từ đầu", đại diện phía Hải Yến đáp.
"Cắt điện thì liên quan gì thất lạc giấy tờ?", VKS hỏi và cho rằng "suy luận logic chỉ là một phần, công ty nói nộp rồi thì phải chứng minh bằng tài liệu".
Về thiệt hại thực tế do cắt điện, đại diện Hải Yến nói giai đoạn cắt điện lần hai (năm 2019) doanh nghiệp chưa quyết toán với các đơn vị đang thuê, các công ty này chưa gửi tài liệu chứng minh thiệt hại nên Hải Yến chỉ đang yêu cầu bồi thường cho các thiệt hại giai đoạn cắt điện lần 1, cuối năm 2017 đầu 2018.
"Thiệt hại thực tế lúc đó, toàn bộ hàng hóa thực phẩm bị hư hỏng hết. Chúng tôi kinh doanh nhà hàng ăn uống, toàn bộ thực phẩm bảo quản lạnh hỏng phải thuê máy phát điện, hệ thống điều hòa cũng bị cháy...", đại diện Hải Yến phân trần.
Khi VKS yêu cầu nộp các tài liệu chứng minh thiệt hại, công ty cho hay: "Do đặc thù ngành kinh doanh, các cái liên quan thực phẩm chúng tôi không kiểm soát kỹ hóa đơn nhập ra nhập vào".
Trước lời khai này, đại diện VKS cho rằng kinh doanh nhà hàng, mua thực phẩm có nguồn gốc, buộc phải có hóa đơn giấy tờ, nếu không hóa đơn đỏ cũng phải có giấy tờ viết tay. Các chi phí thuê máy phát điện, điều hòa cháy, nếu có xác định thiệt hại phải lập biên bản mới có chứng cứ đòi bồi thường.
"Giờ chị trình bày không như thế thì sao tòa xem xét được", VKS nêu quan điểm.
HĐXX đánh giá, tại tòa các đương sự trình bày nhiều tình tiết song chưa giao nộp được các tài liệu chứng minh nội dung này. Tòa do đó hoãn phân xử, yêu cầu các bên thu thập đầy đủ trong phiên tới, chưa được ấn định ngày.
Khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, khởi công xây dựng quý 1/2002 và khánh thành tháng 9/2003. Công trình có hai hạng mục chính là sân vận động Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước, thiết chế thể thao trị giá 53 triệu USD.
Sau khi hoàn thành, dự án được giao cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý và giờ thuộc Tổng cục Thể dục - Thể thao.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước vào năm 2018, khu liên hợp đã tự ý cho thuê mặt bằng, không đấu giá và công khai mức giá; chưa thực hiện kê khai, nộp tiền thuê đất của các hợp đồng cho thuê mặt bằng ngắn hạn và dài hạn. Đặc biệt, khu liên hợp đã cho thuê đất với giá rất rẻ, quá chênh lệch với giá thị trường mà không tham khảo ý kiến Bộ Tài chính, làm thất thoát cả trăm tỷ đồng của nhà nước.
Trong phiên giải trình hôm 18/1 tại Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết khoản nợ thuế và lãi chậm nộp của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đã lên 1.000 tỷ đồng và không còn khả năng thanh toán.
|