"Ra ngõ gặp hoa hậu" không còn là chuyện đùa khi chỉ trong một đêm, Việt Nam có đến 2 hoa hậu và 6 á hậu đăng quang.
Cho đến hôm nay, dư âm về việc cùng lúc hai người đẹp giành vương miện hoa hậu tối 3.8 (1 tại Phan Thiết, cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024; 1 tại Hạ Long, Hoa hậu Du lịch Việt Nam) không những không lắng xuống mà còn được hâm nóng liên tục trên báo chí và mạng xã hội.
Đây là lần thứ hai trong lịch sử các cuộc thi sắc đẹp, Việt Nam có 2 hoa hậu Việt đăng quang cùng 1 đêm. Và “hoa hậu đúp” năm nay lần nữa minh chứng cái gì nhiều quá cũng hóa thừa, kể cả sắc đẹp.
Kể từ khi Bộ VHTT&DL giao quyền cấp phép tổ chức cuộc thi hoa hậu cho địa phương từ năm 2020, số lượng các cuộc thi hoa hậu đã tăng vọt đến chóng mặt.
Theo thống kê, hiện mỗi năm cả nước có hơn 30 cuộc thi sắc đẹp, chưa kể đến hàng chục cuộc thi hoa hậu, hoa khôi có tính vùng miền không ai đếm nổi, khiến công chúng nhớ nhớ quên quên, lẫn lộn cuộc thi này với cuộc thi khác, hoa hậu nọ với hoa khôi kia...
Đáng nói là mục đích của việc thi hoa hậu đã và đang bị biến tướng. Thay vì tôn vinh cái đẹp và định hướng giá trị cho giới trẻ, nhiều cuộc thi hiện nay chỉ nhằm mục đích kinh doanh, thu lợi.
Đã thế gần như cuộc thi nào gần đây cũng bị công chúng phản ứng vì những lùm xùm, tranh cãi về nội dung thi ứng xử, công tác tổ chức, thậm chí nghi vấn, kiện tụng liên quan đến mua bán giải, tình tiền…
Điều này không chỉ làm giảm giá trị của danh hiệu hoa hậu mà còn ảnh hưởng đến tiêu chuẩn sắc đẹp và giá trị đạo đức trong xã hội.
Vẫn biết, đổ hết cho các cơ quan quản lý và đơn vị tổ chức thì cũng có phần oan uổng cho họ. Bởi suy cho cùng thì thi hoa hậu cũng là một ngành "công nghiệp văn hóa" như bao ngành “công nghiệp văn hóa” khác.
Nên mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ có cầu thì mới có cung nhằm đáp ứng xu thế của thị trường.
Việc các cuộc thi hoa hậu thay nhau “mọc lên” và tổ chức liên tục, thậm chí trùng nhau ở các địa phương cho thấy nguồn cầu - số đông người dân Việt Nam vẫn rất ưa chuộng các cuộc thi sắc đẹp.
Trong khi nguồn cung - những người kinh doanh, phát triển thị trường thi hoa hậu đang làm việc mà pháp luật không những không cấm mà còn có quy định riêng.
Tuy vậy, vẫn rất cần có sự can thiệp mạnh mẽ và kịp thời từ các cơ quan chức năng trong khi chờ “thị trường” tự điều tiết, đào thải...
Bộ VHTT&DL cần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát chất lượng các cuộc thi. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm,
Việc thi hoa hậu vẫn nên trở về đúng mục đích ban đầu của nó: Tôn vinh cái đẹp, định hướng giá trị thẩm mỹ và góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh và văn minh!