Bộ Giáo dục quy định giáo viên không được ép học sinh học thêm, nhưng việc này có thể diễn ra "tinh vi", khó kiểm soát, theo nhiều nhà giáo và phụ huynh.
Hiện, việc dạy thêm, học thêm thực hiện theo Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành năm 2012. Trong đó, các trường hợp không được dạy thêm gồm học sinh tiểu học, học sinh đã học hai buổi trên ngày tại trường. Giáo viên trường công không được tổ chức, mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy học sinh chính khóa của mình nếu chưa được hiệu trưởng cho phép.
Bộ yêu cầu giáo viên, nhà trường không cắt giảm nội dung chính khóa để dạy thêm hoặc dạy trước chương trình. Học sinh học thêm nếu có nhu cầu, tự nguyện và được gia đình đồng ý.
"Không được dùng bất cứ hình thức nào ép buộc gia đình và học sinh học thêm", quy định nêu.
Thông tư 17 ban đầu cũng nêu quy trình, thẩm quyền cấp phép tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường và các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất của lớp học. Tuy nhiên, tới năm 2014, Luật Đầu tư bỏ quy định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên những điều khoản nói trên cũng được bãi bỏ.
Cuối tháng 8/2024, Bộ ra dự thảo thông tư sửa đổi về dạy thêm, học thêm. Một số thay đổi là bỏ yêu cầu giáo viên xin phép hiệu trưởng để được dạy thêm học sinh của mình. Thay vào đó, thầy cô chỉ cần lập danh sách, báo cáo và cam kết không bắt buộc các em đi học thêm dưới mọi hình thức. Đồng thời, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra trên lớp.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Trung học của Bộ, quy định mới hướng đến việc loại bỏ các thủ tục hình thức, kiểm soát hiệu quả hoạt động này và giải quyết "vấn đề khiến dư luận bức xúc" là học sinh phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù các em không muốn.
Dù cả quy định hiện hành và dự thảo đều nhấn mạnh sự "tự nguyện", ông Nguyễn Hoàng Chương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng, cho rằng rất khó xác định và giải quyết chuyện ép học sinh học thêm.
Bởi nếu có, việc này "rất tinh vi", dưới nhiều hình thức, từ thái độ, lời nói, hành động, tới việc "cài cắm" kiến thức ở lớp học thêm vào đề kiểm tra trên lớp.
"Không hiệu trưởng nào có thể kiểm soát được hết điều này. Nhà trường chọn đề cuối kỳ, còn kiểm tra thường xuyên vẫn là giáo viên chủ động", ông Chương nói. "Tính khả thi của dự thảo rất thấp".
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nhìn nhận thầy cô có nhiều cách để lôi kéo, tác động học sinh.
"Ở lớp học thêm chỉ cần cho 1-2 bài giống với dạng sẽ kiểm tra, thì học sinh không đi học thêm sẽ thiệt thòi hơn. Hoặc với kiểm tra miệng, giáo viên mà muốn hỏi khó thì học trò cũng khó thoát, dù không ngoài chương trình", ông Ngai nói. "Do đó, về lâu dài, học sinh và phụ huynh sẽ lo lắng về kết quả, bị tâm lý mà đi học thêm".