Quang cảnh chúc thọ tại nhà văn hóa.
Lễ mừng thọ thể hiện sự kính trọng, tấm lòng hiếu thảo của con, cháu đối với ông bà, cha mẹ nhằm phát huy nét đẹp văn hóa mang đậm tính nhân văn của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để con, cháu, người thân ở khắp mọi nơi trên đất nước, trở về quê nhà sum họp quây quần, vừa đón Tết cổ truyền vừa tổ chức lễ mừng thọ cho bậc cha mẹ, ông bà. Đồng thời, qua những tấm bằng chứng nhận, những phần quà hay lời chúc từ tổ chức, cá nhân dành cho các cụ trong mỗi lễ mừng thọ như làm tiếp thêm sức mạnh cho các cụ thêm niềm tin vào cuộc sống, sống lâu sống khỏe, hạnh phúc, phấn khởi cùng con cháu. Từ lâu, mừng thọ đầu xuân là nét đẹp văn hóa, làm tô thắm thêm đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con, cháu với ông bà, cha mẹ. Đây cũng là việc làm nhằm khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi đối với gia đình và xã hội, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước trao tặng “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây cũng là dịp các con, cháu, chắt quây quần chúc thọ các cụ.
Xã Thúc Kháng (huyện Bình Giang, Hải Dương) là địa phương giàu truyền thống văn hóa của tỉnh Hải Dương. Không rõ tục mừng thọ có từ bao giờ nhưng Thúc Kháng là một địa phương có phong tục tổ chức mừng thọ các cụ cao niên từ rất sớm và duy trì cho đến tận ngày nay. Theo chia sẻ của một cụ cao niên cho biết, năm 2020, toàn xã tổ chức mừng thọ cho gần 100 cụ có tuổi chẵn từ 70 trở lên chiếm số đông, trong đó tuổi 80, 90 trên tuổi 90 tăng cao. Từ nhiều năm nay, lễ mừng thọ cho các cụ được duy trì, tổ chức thường xuyên vào ngày mùng 2 tết. Lễ mừng thọ luôn được các cấp ngành quan tâm, duy trì tổ chức nhằm để thể hiện lòng thành kính, và để tri ân đối với công lao sinh thành nuôi dạy con cái, cũng như những đóng góp to lớn của các cụ trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
Theo dòng chảy của thời gian, lễ mừng thọ vẫn được gìn giữ và trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi dịp tết đến, xuân về. Dù mỗi địa phương, mỗi gia đình có một cách chúc thọ, mừng thọ khác nhau nhưng đều hàm chứa những ý nghĩa tốt đẹp. Đây là dịp để con cháu, những người thân ở khắp mọi miền, dù bộn bề với cuộc sống mưu sinh vẫn trở về sum họp, quây quần bên gia đình và thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà những lời chúc tốt đẹp.
Ngày nay, khi đời sống vật chất được nâng cao hơn thì đó cũng chính là lúc con người lại càng xích lại gần nhau hơn, trân quý hơn những giá trị tinh thần. Lễ mừng thọ bây giờ không chỉ bó hẹp, gói gon trong từng cá nhân, gia đình mà còn có sự quan tâm, chung tay của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng. Ở nhiều địa phương lễ mừng thọ được tổ chức trang trọng, ấm cúng, đầy tính nhân văn. Điều này cũng vừa giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng vừa thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với người lớn tuổi. Lễ mừng thọ ngày nay đang góp phần làm phong phú hơn những giá trị tinh thần quý báu, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta.
Lê mạnh/(t/h).