Chuyển đổi số đang dần trở thành xu hướng toàn cầu, đồng thời là yêu cầu tất yếu đối với hoạt động của các DN. Bằng cách số hóa các quy trình từ sản xuất, kinh doanh cho đến quản trị, DN sẽ nâng cao được hiệu quả hoạt động, nâng cao giá trị mang lại cho khách hàng cũng như có vị thế tốt hơn, năng lực cạnh tranh cao hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhất là ở thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi cuộc sống, thói quen của đa số người. Cùng với đó, những thay đổi nhanh chóng của khoa học - công nghệ, của cuộc cách mạng công nghiệp lần t...
Chuyển đổi số đang dần trở thành xu hướng toàn cầu, đồng thời là yêu cầu tất yếu đối với hoạt động của các DN. Bằng cách số hóa các quy trình từ sản xuất, kinh doanh cho đến quản trị, DN sẽ nâng cao được hiệu quả hoạt động, nâng cao giá trị mang lại cho khách hàng cũng như có vị thế tốt hơn, năng lực cạnh tranh cao hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhất là ở thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi cuộc sống, thói quen của đa số người. Cùng với đó, những thay đổi nhanh chóng của khoa học - công nghệ, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, làm xuất hiện những xu hướng tiêu dùng mới, các mô hình kinh doanh mới, buộc DN phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Nếu DN không được chuẩn bị đầy đủ và chủ động tận dụng các cơ hội, chắc chắn sẽ tụt hậu và thua ngay trên sân nhà. Yêu cầu về CĐS đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với mọi DN.
Tuy nhiên, CĐS cũng mang đến không ít thách thức cho DN, nhất là nguy cơ về mất ATTT. Theo các chuyên gia, nếu lơ là với công tác bảo đảm ATTT và an ninh mạng sẽ hết sức nguy hiểm cho quá trình CĐS của DN. Việc bị tiến công mạng có thể khiến DN mất thông tin, dữ liệu quan trọng,... dẫn đến những thiệt hại nặng nề về kinh tế. Nghiêm trọng hơn, các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi bị tiến công mạng, uy tín của DN cũng bị sụt giảm theo. Khi đó, mọi nỗ lực xây dựng uy tín trước đó dường như sẽ trở nên vô nghĩa và khách hàng sẽ chỉ còn nhớ đến DN với sự kiện bị tiến công mạng. Hậu quả, DN sẽ khó khăn hơn khi đàm phán hay thực hiện giao dịch với khách hàng. Đáng lo ngại là chưa nhiều DN Việt Nam thật sự chú trọng vấn đề bảo đảm ATTT và an ninh trên không gian mạng. Theo khảo sát của Chi hội ATTT phía nam (VNISA phía nam), hiện chỉ có khoảng 1/3 số DN có khả năng nhận biết tiến công mạng thông qua các công cụ giám sát, phân tích với quy trình và con người tương ứng. Đặc biệt, có đến 20% tổ chức không biết mình có bị tiến công hay không. Bên cạnh đó, hầu hết các tổ chức đều có nhân sự chuyên trách cho công tác bảo đảm ATTT (77%) hoặc bán chuyên trách (51%), nhưng số lượng thực tế vẫn còn quá ít với đa số chỉ có từ 1-2 người (gần 50% yêu cầu).
Để tránh rủi ro, thiệt hại do tiến công mạng gây ra, theo các chuyên gia, DN nên áp dụng những biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống mạng. Trước hết, luôn cập nhật phần mềm, trang điện tử phiên bản mới nhất để tránh các lỗ hổng bảo mật và thường xuyên sao lưu dữ liệu quan trọng. Thứ hai, tổ chức các lớp đào tạo nhằm nâng cao hiểu biết về an ninh mạng cho nhân viên, phân rõ quyền truy cập dữ liệu theo vai trò của từng nhân viên. Thứ ba, cần sử dụng các giải pháp quản trị nguy cơ an ninh mạng phù hợp. Thực tế hiện nay, có không ít dịch vụ giám sát ATTT ưu việt được nhiều DN công nghệ trong nước cung cấp, hứa hẹn mang đến cho khách hàng những lợi ích vượt trội như nhanh chóng, tiện lợi và hiện đại. Sử dụng các dịch vụ này, DN sẽ không cần đầu tư chi phí lớn để mua sắm thiết bị, tuyển dụng nhân sự nhưng vẫn được sử dụng công nghệ, giải pháp tiêu chuẩn quốc tế.
Có thể kể đến nền tảng giám sát, quản lý an toàn thông tin VNPT MSS vừa được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nghiên cứu triển khai và chính thức ra mắt thị trường. Tính năng nổi bật của nền tảng này là sử dụng công nghệ lõi MSS chuẩn quốc tế, giúp DN có thể kịp thời phát hiện, theo dõi các cuộc tiến công mạng ngay từ giai đoạn đầu. Cùng với đó, đội ngũ kỹ sư trình độ cao của VNPT luôn sẵn sàng ứng cứu, xử lý sự cố 24/7. Ngoài việc giám sát các sự kiện, phát hiện sự cố, các chuyên gia về an toàn bảo mật của VNPT còn cung cấp cả dịch vụ tư vấn, vá lỗi bảo mật, nhằm cung cấp một hệ sinh thái ATTT toàn diện, chuyên nghiệp cho các DN. Đây có thể coi là giải pháp hiệu quả về đầu tư tài chính cho quản trị rủi ro với khả năng nhận biết sớm các mối nguy, từ đó giúp DN “miễn dịch”, phát triển bền vững, thành công và tăng trưởng trên không gian số, góp phần vào việc bảo đảm an toàn không gian mạng Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Nguyễn Nam Long cho biết, nền tảng VNPT MSS đã được triển khai và là nền tảng giám sát, quản lý ATTT đáng tin cậy cho các hệ thống của các khách hàng lớn là các tổ chức nhà nước, DN, ngân hàng và cả hệ thống nội bộ của VNPT. Tập đoàn hy vọng, VNPT MSS sẽ thật sự trở thành “hệ miễn dịch cho quốc gia số” giúp bảo đảm an ninh cho chính phủ số, an toàn cho không gian mạng Việt Nam. Đây cũng là một trong những nền tảng quan trọng để VNPT từ vị thế dẫn đầu công cuộc CĐS tại Việt Nam sẽ tiến đến khai thác tiềm năng ở các thị trường châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung, hiện thực hóa giấc mơ đưa giải pháp công nghệ của Việt Nam vươn ra thế giới.
THÁI LINH/nhandan.com.vn