Ban Y tế trọng điểm đã tạm ứng cho Công ty CP Hồng Hà (gói thầu XDVĐ-01) số tiền hơn 185 tỷ đồng. Nhưng sau đó công ty này sử dụng sai mục đích 145 tỷ đồng, mang gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chuyển hồ sơ, tài liệu vụ việc có dấu hiệu vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai (dự án CS2 BVBM) và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (dự án CS2 BVVĐ) đến Bộ Công an để xem xét điều tra, xử lý đối với 2 nội dung.
Đó là nội dung liên quan đến 4 gói thầu tư vấn (TV4/2014, TV5/2014, TVBM-04, TVVĐ-04) và các nội dung có nhiều vi phạm pháp luật về đấu thầu, xây dựng và các pháp luật có liên quan xảy ra ở hầu hết các khâu trong quá trình triển khai dự án.
Vi phạm nghiêm trọng quy định về đấu thầu
Theo TTCP, đã có nhiều vi phạm trong việc lựa chọn nhà thầu tư vấn nước ngoài ở 4 gói thầu nói trên. Sai phạm điển hình và xuyên suốt trong quá trình triển khai, Bộ trưởng Bộ Y tế, Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm (BQL YTTĐ) và các đơn vị, cá nhân trực tiếp tham gia đã cố ý làm trái, vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu.
Các sai phạm được chỉ ra gồm: Khi phân chia gói thầu không căn cứ vào tính kỹ thuật, trình tự thực hiện và tính đồng bộ của dự án, đưa vào tên cụ thể của nhà thầu tư vấn nước ngoài khi trình, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai có diện tích 21ha thuộc xã Liêm Tuyền (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Ảnh: Hoàng Hà
Xây dựng tên và nội dung của gói thầu theo hướng thu hẹp phạm vi công việc tư vấn (chỉ thực hiện thiết kế kiến trúc đối với gói thầu TVBM-04 và TVVĐ- 04, là 1/9 nội dung của thiết kế xây dựng), phê duyệt chi phí thuê tư vấn làm cơ sở xác định giá gói thầu thiếu căn cứ, cao hơn nhiều so với định mức theo quy định.
Việc gửi hồ sơ yêu cầu, nhận hồ sơ đề xuất, thẩm định hồ sơ đề xuất, trình, phê duyệt kết quả chỉ định thầu, thương thảo, ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn nước ngoài không phải là tác giả của phương án thiết kế kiến trúc được lựa chọn, không thực hiện giảm giá khi ký hợp đồng...
Cùng với những vi phạm, sai phạm xảy ra trong việc trình, phê duyệt chủ trương thuê tư vấn nước ngoài; trình, phê duyệt và thực hiện kế hoạch tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cho thấy, Bộ trưởng Bộ Y tế, BQL YTTĐ và các đơn vị, cá nhân trực tiếp tham gia đã vi phạm nghiêm trọng quy định về đấu thầu với mục đích nhằm chọn ra đúng đơn vị tư vấn nước ngoài đã được xác định trước.
Trong khi đó chưa làm rõ về khả năng đáp ứng của đơn vị tư vấn trong nước theo quy định (thời điểm trước đó, có đơn vị tư vấn trong nước đã thực hiện tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế kỹ thuật thi công - dự toán công trình với quy mô giường bệnh lớn hơn).
Bên cạnh đó, quá trình thương thảo, ký kết các hợp đồng tư vấn cũng để xảy ra sai phạm; giá trị hợp đồng được ký cao hơn nhiều lần giá trị tính theo Định mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình ban hành.
Mang tiền tạm ứng đi gửi tiết kiệm
Kiểm tra xác suất hồ sơ tạm ứng, thanh toán, TTCP nhận thấy, từ năm 2016 đến hết năm 2024, BQL YTTĐ không có báo cáo tình hình thực hiện tạm ứng vốn, thu hồi tạm ứng. Việc này vi phạm quy định khoản 1, 2 Điều 3 Quyết định số 52/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; vi phạm khoản 1 Điều 21 Thông tư số 86/2011/TT-BTC.
Thậm chí, thời điểm tháng 5/2015, BQL YTTĐ đã tạm ứng cho Công ty CP Hồng Hà (gói thầu XDVĐ-01) số tiền hơn 185 tỷ đồng. Nhưng sau đó, công ty này sử dụng sai mục đích số tiền tạm ứng 145 tỷ đồng, mang gửi tiết kiệm tại ngân hàng. BQL YTTĐ chưa có cáo báo về việc xử lý đối với nội dung trên.
Theo TTCP, một số hóa đơn GTGT của các nhà thầu lập không đúng thời điểm tiến hành. Nghiệm thu khối lượng hoàn thành, vi phạm quy định tại Thông tư số 39 và 219 của Bộ Tài chính.
Kiểm tra các chứng từ nhập khẩu đối với 18 thiết bị y tế nhập khẩu thấy: Đối với thiết bị y tế do Công ty Tâm Long và Công ty Việt Quang cung cấp có tờ khai hải quan bị xóa giá.
Một nội dung khác được TTCP nhắc đến là giá 9 thiết bị trong hợp đồng cao hơn nhiều lần giá thiết bị nhập khẩu sau thuế và giá trị ước tính của phụ kiện mua trong nước, có nguy cơ gây thiệt hại NSNN.
Giai đoạn 2017 - 2022, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn từ nguồn ngân sách trung ương cho 2 dự án CS2 BVBM và CS2 BVVĐ. Vốn để thực hiện 2 dự án này thuộc nguồn vốn chi đầu tư phát triển trong chi NSNN. Để đảm bảo đủ vốn cho chi đầu tư phát triển, nhà nước phải vay, trả nợ vay (gồm gốc và lãi), trong đó có nguồn vay từ phát hành Trái phiếu Chính phủ.
Trong khi đó, giai đoạn 2017 - 2022, hai dự án không sử dụng hết vốn được bố trí (vốn NSNN được cấp nhưng không sử dụng năm 2017: 1.038,112 tỷ đồng; năm 2018: 71,4 tỷ đồng; năm 2019: 1.461,926 tỷ đồng; năm 2020: 3.856,937 tỷ đồng; năm 2021: 2.568,568 tỷ đồng; năm 2022: 71,4 tỷ đồng), không đạt được các mục tiêu đã định mà nhà nước vẫn phải trả nợ vay, có nguy cơ gây lãng phí lớn.
Nếu tính theo lãi suất danh nghĩa Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm (tương ứng với số năm bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn) trong giai đoạn 2017-2022 được căn cứ vào thông báo kết quả phát hành Trái phiếu Chính phủ ngày 19/4/2017 của kho bạc nhà nước (tương ứng với thời điểm Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn NSNN theo Quyết định số 547/QĐ-TTg ngày 20/4/2017) với lãi suất danh nghĩa kỳ hạn 5 năm là 5,0%/năm, khoản tiền lãi vay phải trả cho phần vốn đã bố trí cho 2 dự án nhưng không được sử dụng hết có giá trị tạm tính khoảng 453,417 tỷ đồng.