Cho rằng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông là 75 triệu đồng còn thấp, đại biểu Quốc hội đề nghị nâng mức này lên 200 triệu, tránh trường hợp "phạt tiền ít người dân vẫn cố tình vi phạm".
Quan điểm này được đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, đưa ra trong phiên thảo luận tổ chiều 16/5 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nữ đại biểu chỉ ra bất cập nhất hiện nay là mức phạt tiền, điển hình trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đang còn thấp với mức phạt tối đa 75 triệu đồng. Bất cập này là một phần của thực trạng nhờn luật, cố tình vi phạm luật trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông diễn ra trong một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông.
Mức phạt tiền hiện nay chưa đủ mạnh tạo sức răn đe, đặc biệt đối với những trường hợp vi phạm với tính chất mức độ nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm. Bà Xuân dẫn chứng nhiều trường hợp lái xe cố tình đi ngược chiều trên cao tốc.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Hồng Phong).
"Đường cao tốc có số lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn đi với tốc độ rất nhanh, chỉ một xe đi ngược chiều gây va chạm rất là nghiêm trọng", bà Xuân nói.
Tái khẳng định mức phạt tiền tối đa hiện hành chưa đủ sức răn đe, bà Xuân kiến nghị điều chỉnh tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực này.
Cụ thể, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đề nghị tăng mức phạt tối đa trong vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ 75 triệu đồng lên 200 triệu đồng, để tạo sức răn đe.
Nhưng đi kèm với đó, bà Xuân nhấn mạnh cần tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông vì đây mới là biện pháp mang tính bền vững.
"Nếu mức phạt tiền ít, người tham gia giao thông nhiều khi cố tình vi phạm ở nhiều mức khác nhau, sẵn sàng bỏ tiền ra nộp phạt", bà Xuân lập luận đề nghị tăng mức xử phạt với vi phạm giao thông.
Với vi phạm trong lĩnh vực dữ liệu, dự thảo luật quy định mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng. Song theo bà Xuân, mức thu nhập bình quân của người dân đã tăng khá, và trước yêu cầu quản lý thời kỳ 4.0, khi dữ liệu đang trở thành tài nguyên mới của đất nước, là tư liệu sản xuất quan trọng, động lực phát triển mới của các quốc gia, nếu vi phạm về dữ liệu có thể gây ảnh hưởng xấu tới tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, quyền con người, công dân.
Vì thế, nữ đại biểu đề xuất tăng mức phạt tối đa trong lĩnh vực này từ 100 triệu đồng lên 500 triệu đồng để đảm bảo tính răn đe mạnh mẽ.
Tương tự, bà Xuân đề nghị tăng mức phạt trong lĩnh vực khoáng sản, bảo vệ môi trường lên 2 tỷ đồng để tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm pháp luật.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Ảnh: Hồng Phong).
Có một góc nhìn khác, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) lại cho rằng mức tiền phạt hành chính tối đa như hiện nay đã cao và đủ sức răn đe. Theo bà Vân, khi người dân đã "thấm nhuần rồi, nhận thức được nâng cao rồi", cần điều chỉnh mức phạt để phù hợp với thu nhập của người dân.
Không đồng tình với đề xuất tăng mức tiền phạt vi phạm giao thông đường bộ lên 200 triệu đồng như đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất, bà Vân so sánh chiếc ô tô điện hiện nay cũng chỉ hơn 200 triệu đồng, lương cán bộ, công chức có mười mấy triệu đồng, nên tăng mức phạt tối đa lên 150-200 triệu là không hợp lý.
"Nhiều khi đang nghĩ công việc, thậm chí không nhìn đèn đỏ, cứ đi theo xe phía trước thôi cũng có thể vô tình sai luật. Mức phạt cao quá, nói thật người dân cũng rất băn khoăn", nữ đại biểu tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.