Bộ Tư pháp đề nghị bãi bỏ toàn bộ Nghị định số 35/2005/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định của Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ do các căn cứ pháp lý ban hành không còn phù hợp, hết hiệu lực.
Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua, một số bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện rà soát và phát hiện một số văn bản quy phạm pháp luật không còn được áp dụng trên thực tế nhưng chưa có căn cứ pháp lý để xác định hết hiệu lực theo quy định tại các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 1996, năm 2008, năm 2015 và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
Về nguyên tắc, các văn bản này vẫn được xác định là "còn hiệu lực".
Do đó, để bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, đồng thời bảo đảm tuân thủ đúng quy định về hiệu lực của văn bản theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), việc ban hành văn bản để bãi bỏ các văn bản nêu trên là cần thiết.
Thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-CP, trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, Bộ Tư pháp đã tổng hợp và thấy rằng có 13 văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ cần được bãi bỏ toàn bộ.
Cụ thể, Bộ Tư pháp đề xuất bãi bỏ toàn bộ 13 văn bản quy phạm pháp luật như sau:
1. Nghị định số 78-CP ngày 18/6/1997 của Chính phủ quy định quân hiệu, cấp hiệu, lễ phục, quân kỳ, phù hiệu kiểm soát, biển công tác, cờ hiệu, giấy chứng minh của Bộ Đội biên phòng.
2. Nghị định số 103/2002/NĐ-CP ngày 17/12/2002 của Chính phủ quy định chế độ đền bù và trợ cấp đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản.
3. Nghị định số 04/2003/NĐ-CP ngày 16/01/2003 của Chính phủ quy định về khen thưởng đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích trong phòng, chống ma túy.
4. Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/02/2005 của Chính phủ quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.
5. Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
6. Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh niên.
7. Nghị định số 30/2009/NĐ-CP ngày 30/3/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập.
8. Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05/01/2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.
9. Nghị định số 16/2011/NĐ-CP ngày 22/02/2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập.
10. Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
11. Nghị định số 51/2015/NĐ-CP ngày 26/5/2015 của Chính phủ về cấp ý kiến pháp lý.
12. Nghị định số 78/2017/NĐ-CP ngày 03/7/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh niên.
13. Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.