Tràn lan các hội, nhóm “cho và nhận con nuôi”
Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “cho và nhận con nuôi” lập tức cho ra rất nhiều kết quả. Cụ thể như: “Hội cho và nhận con nuôi” với 89,4 nghìn thành viên; “Hội cho và nhận con nuôi tại Hà Nội” với 82,4 nghìn thành viên; “Hội cho và nhận con nuôi miền Nam” với 31,3 nghìn thành viên.
Mặc dù các hội, nhóm này để chế độ hoạt động riêng tư, nhưng chỉ cần bấm vào nút tham gia là bạn có thể ngay lập tức trở thành thành viên của các hội, nhóm này. Theo quan sát của phóng viên, mặc dù đây là hội, nhóm “cho, nhận con” nhưng lại được đăng tải giống như đang mua bán một món hàng. Và, tất cả những người đăng nội dung lên các hội, nhóm này đều để ở chế độ ẩn danh.
Trong vai một người hiếm muộn cần tìm con nuôi, phóng viên đã gọi tới một số điện thoại để dòng trạng thái “Tôi tên là Phạm Văn Huy, hiện đang nuôi con một mình vì mẹ bé đã bỏ đi theo người khác. Tôi cho bé hoặc gửi gắm con về với gia đình khá giả để bé được sống trong sung sướng. Ai thực sự thiện chí gọi trực tiếp cho tôi để trao đổi”. Tuy nhiên, khi phóng viên gọi theo số điện thoại này thì đầu dây bên kia là một người đàn ông trả lời: “Chúng nó lừa đảo đấy, không hiểu sao họ lại có được số của tôi rồi đăng trên diễn đàn. Tôi bị rất nhiều người gọi hỏi có cho con không rồi”.
Một dòng trạng thái được đăng trên nhóm “Hội cho và nhận con nuôi miền Nam” với nội dung: “Bé trai đầu tháng 7, ai nhận không ạ, bồi dưỡng 40 triệu, không nhận thì đừng vô nhắn tin nói lời cay độc”. Phía dưới bài viết là hơn 30 bình luận, trong đó nickname “Ngọc Bích” viết: “Mình nhận giá cao nhé, bồi dưỡng cao hơn bạn nói nè”. Hay, một dòng trạng thái khác đăng: “Mình cần một bạn bị nhỡ không có điều kiện lo cho bé thì để lại chấm, mình inbox lại. Bồi dưỡng và lo cho từ A đến Z”. Phía dưới bài viết là gần 100 bình luận để lại dấu chấm hoặc “inbox” mình nhé”.
Trên các hội, nhóm này, không chỉ là các bài viết “cho, nhận” con mà còn xuất hiện rất nhiều dòng trạng thái “bóc phốt” việc bản thân bị lừa trong quá trình đi tìm con nuôi. Một nick Facebook ẩn danh viết: “Sao các mẹ cứ kêu không có tiền ăn, không có tiền đi khám nọ kia, mình chuyển tiền cho xong thì lại im lặng, nhắn tin không trả lời. Thật sự vợ chồng em muốn xin một bé vào năm sau, mình thật tâm đi tìm con mà nỡ lòng nào đối xử hụt hẫng với mình như vậy, hụt hẫng thật”.
Một người ẩn danh khác viết: “Mọi người nhận con thực sự cẩn thận nhé, toàn lừa thôi. Vợ chồng em mới bị 2 vụ. Lần đầu bị lừa thì nghĩ do mình chưa biết nên bị lừa. Lần thứ hai kinh nghiệm như thế rồi mà vẫn bị lừa, mất tiền, mất công đi đi lại lại, đưa đi khám, đưa tiền rồi nhắn tin hỏi thăm. Tính đến thời điểm này là đẻ rồi, thế nhưng nhắn tin thì lúc nào cũng nhận được câu trả lời khi nào đẻ sẽ báo. Tủi thân thật sự. Mình vất vả lo toan chạy vạy thế mà chỉ nhận lại sự lừa dối".
Một tài khoản khác cũng than thở: "Gia đình hiếm muộn rất mong nhận được bé gái sinh vào tháng 11. Vậy mà không ngờ gặp ngay một con mẹ lừa đảo, đưa con bé 6 ngày tuổi ra để lừa mình 16 triệu. Mình thật sự nản luôn. Vậy nên khuyên các gia đình hiếm muộn đừng bao giờ đưa tiền khi chưa nhận được bé".
Trong vai một người phụ nữ hiếm muộn có nhu cầu nhận con, phóng viên đã liên hệ với một phụ nữ đăng bài không có điều kiện nên muốn cho con. Sau một hồi chát chít, người phụ nữ này nói chị muốn bồi dưỡng cho em thế nào cũng được. Em chỉ mong chị là người có nhu cầu nuôi con thật sự chứ những người hỏi thăm em trước đó em biết họ là môi giới. Phóng viên tỏ ra bất ngờ hỏi lại vì sao em biết đấy là môi giới thì người phụ nữ này nói rằng: vì họ yêu cầu em phải sang Trung Quốc đẻ.
Lợi dụng hội, nhóm để vi phạm pháp luật
Cứ như thế, thông qua những tin nhắn “gieo duyên”, móc nối như vậy, đã có nhiều hình thức ăn tiền sau sự chào đời của một đứa trẻ. Liệu rằng, đã có bao nhiêu đứa trẻ được “cho” và “nhận” với một mức bồi dưỡng giữa hai bên sau những kì kèo, “trả giá” không khác gì cuộc mua bán ngoài chợ?
Không thể phủ nhận việc trong các hội, nhóm kể trên, có nhiều gia đình hiếm muộn mong mỏi được làm cha làm mẹ, muốn xin con về nuôi của các cô gái “trẻ người non dạ” hay những bà mẹ có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện sinh con. Thế nhưng, cũng có không ít đối tượng "ẩn nấp", lợi dụng nhu cầu "cho - nhận" con nuôi để lừa đảo, thực hiện các hành vi trái quy định của pháp luật.
Thực tế thời gian vừa qua, đã có không ít đối tượng bị Cơ quan công an bắt giữ và xử lý. Đơn cử, ngày 11/6/2024, Công an TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ đối tượng Phạm Thị Hằng (sinh năm 1986, thị xã Nghi Sơn) về hành vi chuyển giao, mua bán người dưới 16 tuổi. Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an TP Thanh Hóa đã phát hiện hội, nhóm “Gia đình hiếm muộn xin nhận con nuôi” có một số đối tượng có dấu hiệu hoạt động chuyển giao, mua bán người dưới 16 tuổi với thủ đoạn nhận con nuôi.
Quá trình đấu tranh làm rõ hành vi của các đối tượng trong hội, nhóm này, Công an TP Thanh Hóa phát hiện Phạm Thị Hằng là đối tượng đã có tiền án về tội “Làm giả giấy tờ” cũng tham gia. Bản thân Hằng đang có giao dịch bán con gái (5 ngày tuổi) của một phụ nữ ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho một gia đình ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) với giá 45 triệu đồng.
Chiều 11/6, Công an TP Thanh Hóa đã phát hiện và bắt quả tang Phạm Thị Hằng đang giao dịch bán bé gái 5 ngày tuổi tại nhà nghỉ Thu Hà, đường Tô Vĩnh Diện, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa. Theo kết quả điều tra ban đầu, do hoàn cảnh khó khăn nên chị N.T.M đang mang thai con gái tháng thứ 9 có lên hội, nhóm trên không gian mạng “Gia đình hiếm muộn xin nhận con nuôi” để liên hệ tìm người nuôi con sau khi sinh. Sau khi liên hệ với tài khoản Facebook “Hang pham” của Phạm Thị Hằng, chị M nói nguyện vọng của bản thân muốn tìm người nuôi con sau sinh nên Hằng đồng ý, sau đó hứa hẹn sẽ trả toàn bộ viện phí và chi phí cho M bắt xe từ Thái Nguyên vào Thanh Hóa.
Trong thời gian này, Hằng đã liên hệ và bán cháu bé cho một gia đình hiếm muộn ở huyện Như Xuân với giá 45 triệu đồng. Để tạo niềm tin cho người mua, Hằng đã làm giả giấy chứng sinh cho bé gái. Khi giao dịch đang diễn ra thị bị Công an TP Thanh Hóa phát hiện, bắt giữ. Cơ quan công an đã thu giữ của Hằng 6 giấy tờ khai sinh (nghi làm giả). Tiến hành kiểm tra nơi ở của Phạm Thị Hằng tại xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa, Cơ quan công an phát hiện Hằng đang nuôi 3 phụ nữ mang thai. Theo lời khai của những phụ nữ này, Hằng đã thỏa thuận với họ là sau khi sinh, Hằng sẽ liên hệ làm thủ tục cho con nuôi và trả mỗi người 10 triệu đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa đã thu giữ nhiều tài liệu có liên quan đến hành vi mua bán người dưới 16 tuổi của Phạm Thị Hằng bằng hình thức chuyển khoản. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa đã ra quyết định tạm giữ đối với Phạm Thị Hằng về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” để điều tra mở rộng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Vào tháng 6/2023, TAND TP Hà Nội đã xét xử vụ án “Mua bán người dưới 16 tuổi”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Cụ thể, đây là một vụ mua bán trẻ em qua nhóm cho, nhận con nuôi trên Facebook do Công an TP Hà Nội triệt phá. Đối tượng Phạm Thị Thu Uyên (sinh năm 1997, trú huyện Bảo Thắng, Lào Cai) và Đỗ Thị Thư Trang (sinh năm 1993, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thường xuyên tham gia “Hội cho và nhận con nuôi 3 miền” trên Facebook để tìm kiếm, liên hệ với những người không có khả năng nuôi con để xin con của họ rồi bán kiếm tiền.
Nguyễn Phương Thảo là người giúp việc cho Đỗ Thị Thư Trang cũng tham gia cùng Trang mua bán người dưới 16 tuổi. Cơ quan chức năng xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2021, Phạm Thị Thu Uyên, Lê Diên Dũng và Đỗ Thị Thư Trang đã dùng thủ đoạn thông qua mạng xã hội Facebook kết bạn, làm quen để giao dịch tìm mua con của người đang mang thai, người mới sinh con, sau đó đem bán để hưởng lợi. Trang đã chỉ đạo Nguyễn Phương Thảo giúp sức trong việc mua bán người dưới 16 tuổi.
Theo đó, Phạm Thị Thu Uyên và Lê Diên Dũng đã thực hiện hành vi mua bán 2 trẻ để hưởng lợi 29,5 triệu đồng. Đỗ Thị Thư Trang đã thực hiện hành vi mua bán 2 trẻ để hưởng lợi 45 triệu đồng. Ngoài ra, Đỗ Thị Thư Trang đã có hành vi làm giả 3 giấy tờ gồm “Giấy ủy quyền nuôi dưỡng trẻ”, “Giao nhận tiền tình nguyện” của một công ty luật giao cho chị Hoàng Thị Th để chị Th tin tưởng cháu bé bán cho chị là con của Trang.
Nguyễn Phương Thảo đã có hành vi giúp sức tích cực cho Đỗ Thị Thư Trang trong việc mua 1 cháu bé từ Phạm Thị Thu Uyên (con của chị Trần Thị Thu U) rồi bán cho chị Hoàng Thị Th. Đối với 5 vụ mua bán người dưới 16 tuổi theo lời khai của Phạm Thị Thu Uyên và Lê Diên Dũng, do Uyên và Dũng không xác định được nhân thân, lai lịch của người cho con, nhân thân lai lịch của người mua con nên chưa có đủ cơ sở kết luận. Do đó, Cơ quan điều tra đã quyết định tách vụ án hình sự liên quan đến hành vi của Uyên và Dũng để tiếp tục điều tra làm rõ xử lý sau.
Đối với người mua con là chị Hoàng Thị Th, theo Cơ quan điều tra, chị Th mua bé về nuôi dưỡng, không phải mua bán nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
Đối với người cho con là chị Trần Thị Thu U, do không có khả năng nuôi con nên sau khi sinh đã cho Phạm Thị Thu Uyên và được Uyên cho 5 triệu đồng bồi dưỡng sau sinh. Hành vi của chị U không cấu thành tội phạm nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, ngày 12/6/2023, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Phạm Thị Thu Uyên (sinh năm 1997, ở Bảo Thắng, Lào Cai), Đỗ Thị Thư Trang (sinh năm 1993, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Lê Diên Dũng (sinh năm 1993, ở Chợ Đồn, Bắc Kạn) và Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 2001, ở Hà Đông, Hà Nội) ra xét xử về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Với hành vi nêu trên, sau khi nghị án, hội đồng xét xử, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Thu Uyên 13 năm tù, Đỗ Thị Thư Trang 16 năm tù, Lê Diên Dũng 10 năm 6 tháng tù và Nguyễn Phương Thảo 3 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.